Aa

Việt Nam cần “xanh hóa” ngành logistics tăng sức cạnh tranh

Thứ Sáu, 06/10/2023 - 14:00

Ngành logistics Việt Nam cần xanh hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây chính là trọng tâm để tăng sức cạnh tranh của lĩnh vực này trong thời gian tới, theo giới chuyên gia.

Ngành logistics Việt Nam đang đứng đâu so với thế giới

Tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng này. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định về ngành logistics Việt Nam.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, mặc dù ngành logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhưng tồn tại không ít hạn chế như: thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng giao thông vận tải còn yếu kém; thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược kết nối với hệ thống hạ tầng, cơ sở sản xuất.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, ngành logistics còn quá nhiều thách thức. Năng lực doanh nghiệp trong ngành logistics của Việt Nam còn những hạn chế nhất định. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa có nhiều năng lực cạnh tranh. Ngành logistics Việt Nam hiện nay chỉ mới ở biên giới quốc gia, chưa thể bứt phá ra quốc tế.

Bên cạnh đó, quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực các doanh nghiệp logistics còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, nhân lực phục vụ cho ngành logistics thiếu và yếu, với 93 - 95% lao động không được đào tạo bài bản.

Còn theo ông Julien Brun, Giám đốc điều hành Công ty CEL cho biết, logistics và kho vận là xương sống của nền kinh tế, không chỉ đối với Việt Nam mà cả toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.

Tuy nhiên hiện nay, so sánh với nhiều quốc gia, chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác, chi phí vận tải chỉ chiếm 30 – 40% tổng chi phí logistics. Đây là con số rất lớn.

“Đã có sự thay đổi rõ rệt trong ngành logistics. Từ chuỗi cung ứng toàn cầu hóa sang khu vực hóa, đa dạng đối tác hơn. Khái niệm đa dạng hoá của nhà cung cấp sẽ là tương lai của ngành logistics. Bên cạnh yếu tố chi phí rẻ, ngành logistics còn hướng đến sự an toàn. Các nền kinh tế đều cần phải nắm bắt xu hướng mới để tìm hướng đi”, ông Julien Brun nhấn mạnh.

Làm gì để Việt Nam đón đúng điểm rơi?

Nhận định với vị trí chiến lược, hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động của mình tại châu Á, ngành logistics Việt Nam đang phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng lại khá phân tán và rời rạc.

Giám đốc điều hành Công ty CEL cho rằng, Việt Nam có thể chọn hướng đi chuyên biệt hóa ngành logistics. Điều các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cần phát triển nền tảng tích hợp có thể cung cấp cho khách hàng lợi thế về mặt chi phí, áp dụng những kinh nghiệm từ quốc tế trong số hóa ngành nghề này.

Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít hạn chế trên con đường hoàn thiện sức cạnh tranh cho ngành logistics

“Chỉ chi phí thôi là chưa đủ, cần phải hướng đến sự tin cậy, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn và xanh hơn. Bên cạnh đó, ngành logistics Việt Nam cũng cần tập trung vào hoàn thiện lĩnh vực kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ”, CEO CEL nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, xu hướng rất rõ hiện nay trong ngành logistics là đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cần thấy rất rõ xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý đơn hàng, quản lý vận tải, quản lý cảng biển, các kho, nhà xưởng…

Xu hướng thứ hai là xanh hóa chuỗi cung ứng, phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường. Để tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế, tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa, tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Thứ trưởng Trần Duy Đông thì cho rằng, logistics của Việt Nam đã nhìn thấy con đường phát triển xanh, nhưng cần phải nỗ lực để có thể thúc đẩy, phát triển ngành logistics hơn nữa trong thời gian tới đây.

Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số…

Ngành logistics Việt Nam cũng cần cắt giảm chi phí, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn và xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics. Thực hiện được đồng bộ, hiệu quả các giải pháp này, Thứ trưởng Đông tin rằng, ngành logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top