Aa

Việt Nam là điểm sáng hút vốn của khu vực châu Á nhờ dòng vốn ETF

Thứ Ba, 11/05/2021 - 06:25

Dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục trong tháng Tư với lượng vốn vào ròng lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 8.700 tỷ đồng, với hơn 10 quỹ ETF chính đầu tư vào thị trường Việt Nam.

 

Dòng vốn ETF của 10 quỹ đầu tư chính vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng Tư đạt trên 370 triệu USD
Dòng vốn ETF của 10 quỹ đầu tư chính vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng Tư đạt trên 370 triệu USD, (Ảnh: Vietnam+)

Báo cáo về dòng vốn toàn cầu của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy Việt Nam trở thành điểm sáng hút vốn của khu vực châu Á nhờ dòng vốn ETF (quỹ hoán đổi danh mục); trong đó chủ yếu đến từ quỹ Fubon FTSE Vietnam (mới được thành lập trong tháng Tư) đóng góp 7.800 tỷ đồng.

Điểm sáng hút vốn của khu vực châu Á

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán SSI, nhiều quỹ ETF khác cũng duy trì dòng tiền tích cực, như VFM VNDiamond mua ròng 612 tỷ đồng, VanEck Vectors Vietnam mua ròng 196 tỷ đồng, SSIAM FINLead mua ròng 180 tỷ đồng và FTSE Vietnam mua ròng 75 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quỹ VFM VN30 ETF tiếp tục bị rút ròng 111 tỷ đồng. Bà Tú cho rằng giá trị bán ròng VFM VN30 ETF không đáng kể, giảm mạnh so với hai tháng trước đó và đây cũng là tín hiệu tích cực.

Dòng vốn các quỹ ETF ở Việt Nam:

Dòng vốn các quỹ ETF ở Việt Nam:
Nguồn: EPFR Global

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư chủ động vẫn bán ròng tháng thứ 8 liên tiếp, song mức rút ròng trong tháng Tư là 41 triệu USD, giảm 54% so với tháng Ba và rất “nhỏ bé” so với lượng vốn ETF mua ròng. Nhờ đó, thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận một tháng có vốn vào kỷ lục (cao hơn cả vốn vào thị trường Trung Quốc). Như vậy, các quỹ ETF đã hút ròng tổng cộng 13.200 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay.

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng 273 tỷ đồng trong tháng Tư (sau 6 tháng liên tiếp bán ròng trước đó).

Dự báo xu hướng, bà Tú cho rằng dòng vốn nước ngoài vào cổ phiếu Việt Nam trong tháng Năm có thể không mạnh như tháng Tư, nhưng sẽ vẫn duy trì xu hướng tích cực.

Dòng vốn các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam:

Dòng vốn các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam:
Nguồn: EPFR Global


Áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn

Trên thị trường quốc tế, báo cáo cho hay thị trường cổ phiếu tiếp tục hấp dẫn dòng tiền trong tháng Tư, tuy nhiên sức nóng đã giảm khá nhiều so với quý 1. Cụ thể, các quỹ cổ phiếu có thêm 66,3 tỷ USD vốn trong tháng và giảm 55% so với tháng Ba. Trong số đó, dòng vốn vào các thị trường phát triển là 63 tỷ USD (giảm 50%), các thị trường mới nổi chỉ là 3,3 tỷ USD (giảm 85%) đồng thời là lượng vốn vào ít nhất trong bảy tháng gần đây.

Trên toàn cầu, các quỹ ETF cổ phiếu lên ngôi ở các thị trường phát triển, chiếm tới 92% tiền mới đổ vào thị trường này (từ mức gần 80% của ba tháng trước đó).

Diễn biến dòng vốn vào cổ phiếu trên thị trường châu Á:

Diễn biến dòng vốn vào cổ phiếu trên thị trường châu Á:
Nguồn: EPFR Global

Đáng chú ý, các quỹ đầu tư đa quốc gia đang trở thành tâm điểm hút vốn thay cho thị trường Mỹ. Cụ thể, có 27,3 tỷ USD vốn vào thị trường Mỹ trong tháng, giảm 63% so với tháng trước và lượng vốn vào các quỹ đầu tư đa quốc gia là 31,2 tỷ USD. “Câu chuyện hồi phục kinh tế hình chữ V sau đại dịch vẫn tạo ra sức hấp dẫn đối với cổ phiếu Mỹ nhưng áp lực từ kế hoạch tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21% lên 28%) của Tổng thống Joe Biden đã hạ nhiệt dòng vốn vào thị trường này,” bà Tú chia sẻ.

Tại châu Á, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại đã khiến xu hướng dòng tiền vào khu vực suy yếu với 750 triệu USD bị rút ròng. Cụ thể, dòng vốn vào Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh từ 4,8 tỷ USD (tháng 3/2021) xuống 319 triệu USD (tháng 4/2021) và các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan cũng đang chứng kiến hoạt động rút ra của dòng tiền.

Theo bà Tú, áp lực tăng lãi suất đang là rủi ro lớn nhất tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Bà Tú chỉ ra khảo sát của Bank of America Merrill Lynch chỉ ra 93% các nhà quản lý quỹ cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2022 và đây mức cao nhất kể từ 2004 đến nay. Theo đó, lạm phát có thể sẽ buộc các ngân hàng trung ương kết thúc sớm chương trình nới lỏng của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top