Hội nghị do ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chủ trì, với sự tham gia của toàn thể UV BCH, BTV Hiệp hội.
Hội nghị được tổ chức tại 3 điểm cầu: Đầu cầu Hà Nội tại Văn phòng Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn); điểm cầu TP.HCM tại Văn phòng Tập đoàn Hoàng Quân; điểm cầu Khánh Hoà tại Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa...
Hội nghị có sự tham gia của các vị khách là các chuyên gia kinh tế: PGS. TS. Trần Đình Thiên, TS. Võ Trí Thành, TS. Vũ Đình Ánh; PGS. TS. Trần Kim Chung...
Phía lãnh đạo VNREA có ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch VNREA; ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Chủ tịch VNREA; ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch CEO Group; ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT TASECO; ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký VNREA; ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cùng toàn thể các thành viên Ban thường vụ Hiệp hội...
Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong năm 2 qua tình hình dịch bệnh có nhiều tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thị trường bất động sản cũng chịu tác động từ dịch bệnh với nhiều hoạt động rất khó khăn. Tuy nhiên, VNREA đã đạt được một số kết quả nhất định trong năm qua. Các kết quả sẽ được Ban Thường vụ trình bày lần lượt tại Hội nghị.
Tiếp nối ông Khôi, ông Đỗ Viết Chiến đã trình bày báo cáo tình hình hoạt động năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022 của Hiệp hội.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản năm 2021, ông Chiến cho biết, năm qua, thị trường bất động sản tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguồn cung mới đã sụt giảm từ những năm trước và tiếp tục sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Mất cân đối cung – cầu có tính nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM . Với thị trường bất động sản nhà ở, lượng cung – cầu đều giảm khá mạnh so với các năm trước, tổng lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường đạt hơn 200.000 sản phẩm (chủ yếu là hàng tồn từ năm 2020). Tỉ lệ hấp thụ khoảng 40%. Thị trường giao dịch bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp vẫn duy trì hoạt động và có một số điểm tích cực. Tuy nhiên giao dịch trên thị trường bất động sản thường xuyên đối mặt đứt gãy và gián đoạn. Không thể tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, mở bán, chào bán sản phẩm bất động sản do hạn chế tiếp xúc và di chuyển. Hệ quả là giảm đáng kể lượng giao dịch, giảm nguồn thu cho cả doanh nghiệp lẫn ngân sách thông qua thuế. Thị trường xuất hiện lực cầu F0 với trạng thái thay đổi nhiều và mạnh. Có giai đoạn sốt cao, có giai đoạn trầm lắng. Giá bất động sản nói chung đã leo và neo ở mức cao, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.
Về tình hình hoạt động của VNREA, ông Chiến báo cáo, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có các động thái thực hiện việc phòng chống dịch bệnh nghiêm túc theo đúng chỉ thị của Chính Phủ, Bộ y tế và UBND thành phố đã ban hành.
Về tổ chức bộ máy và công tác phát triển hội viên: Tổng số hội viên trực tiếp của Hiệp hội năm 2021 là 333 hội viên. Trong đó, nhiều hội viên tập thể với số lượng hội viên tới hàng nghìn người. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đều là hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đại diện điểm cầu tại TP.HCM chia sẻ: "Theo đánh giá của đại diện Hiệp hội tại TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thành tích đáng kể, quy mô hoạt động lớn, mạng lưới rộng khắp, đồng thời cũng có các đơn vị chuyên môn như Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến bất động sản và Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.
Về các hoạt động, VNREA đã có hoạt động mạnh mẽ thời gian qua như tổ chức IREC tầm cỡ quốc tế; đề xuất và tổ chức giải thưởng bất động sản, được cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đánh giá cao. Về các hoạt động phản biện và chính sách, Hiệp hội đã có đề xuất kịp thời. Như năm 2013, sau thời gian thị trường đóng băng, qua đề xuất của Hiệp hội về tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản thì từ cuối năm 2013 thị trường có sự khởi sắc trở lại. Ngoài ra, Hiệp hội cũng có kiến nghị về sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, pháp lý cho condotel, báo cáo thị trường định kỳ đã đóng góp vào hoạt động điều hành của Chính phủ và vận hành chung của thị trường.
Về các đề xuất thời gian tới, chúng tôi cho rằng có một số vấn đề cần kiến nghị chính sách và kiện toàn lực lượng.
Thứ nhất, các chính sách cần tiếp tục kiện toàn là việc đề xuất các pháp lý rõ ràng cho condotel mà hiện nay chưa được hoàn thiện và chưa tốt cho người sở hữu đầu tư.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước mới đây có chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, chúng ta cần có ý kiến hợp tình hợp lý để làm sao không gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản trong phát hành trái phiếu bởi nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Về dài hạn, chúng ta có những thành viên của Tổ nghiên cứu của Chính phủ và chuyên gia đồng hành. Hiện nay thị trường bất động sản thiếu nguồn vốn tài chính dài hạn. Doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn phụ thuộc vào vay ngân hàng mà có rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế, trái phiếu bđs để có được nguồn vốn dài hạn. Vì thế rất mong các nhà tư vấn có ý kiến tư vấn để thị trường bất động sản có được nguồn vốn dài hạn.
Về tổ chức của Hiệp hội trong thời gian tới, Hiệp hội cần đẩy mạnh hoạt động về truyền thông và thị trường vì đây là hoạt động xương sống, tạo được ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Do đó, chúng tôi đề xuất các nhân sự như lãnh đạo Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới có thể tham gia vào ban lãnh đạo VNREA để hỗ trợ hoạt động truyền thông, thị trường.
Đối với Hiệp hội tại TP.HCM, hoạt động cũng còn yếu vì chưa có doanh nghiệp lớn, mạnh tham gia vào ban chấp hành. Vì thế đề xuất thời gian tới cần mời thêm các doanh nghiệp lớn để đẩy mạnh hoạt động của khu vực TP.HCM – nơi có thị trường lớn mạnh và sôi động nhất cả nước.
Đại diện điểm cầu tại Khánh Hoà, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Khánh Hòa, cho biết, Khánh Hoà thống nhất cao với báo cáo của Hiệp hội, trong bối cảnh dịch bệnh, VNREA vẫn có nhiều hoạt động tích cực đóng góp và hỗ trợ thị trường bất động sản.
Cụ thể, với phân khúc condotel Khánh Hoà kiến nghị VNREA tập trung đẩy mạnh kiến nghị với Chính phủ và Bộ Xây dựng để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý vì phân khúc này đang phát triển nở rộ tại nhiều địa phương.
Đại diện cho Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB bất động sản, cũng đồng ý với bản báo cáo của Hiệp hội Bất động sản. Ông Cường cho rằng, do tác động của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản sẽ rất khó khăn, do đó cần VNREA gắn bó đồng hạnh để doanh nghiệp vượt qua thách thức và tháo gỡ các vướng mắc. Đó cũng là sứ mệnh của VNREA, cùng với các chuyên gia cố vấn.
Ngoài ra, đại diện của Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội mong muốn Hiệp hội cần bổ sung thêm các đồng chí tham gia tích cực vào công tác của Hiệp hội, từ đó đem lại hoạt động có ý nghĩa với địa phương, với Hiệp hội.
Tại đầu cầu Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra các ý kiến để góp phần hoàn thiện báo cáo của Hiệp hội cho thời gian tới.
PGS. TS Trần Đình Thiên chia sẻ, với bản báo cáo vừa qua cần phân tích bối cảnh đánh giá tình hình một cách chi tiết và cụ thể hơn. Bởi bối cảnh vừa qua rất bất thường, cần phân tích sâu để dự báo các xu hướng mới của thị trường bất động sản. Cùng với đó, dịch bệnh vừa qua cũng giúp chúng ta có kinh nghiệm để ứng xử trong tương lai.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần xem các yếu tố chính sách tác động như thế nào đến thị trường bất động sản. Nhất là khi Hiệp hội có Viện nghiên cứu, có Tạp chí, có đội ngũ chuyên gia. Hiệp hội cần tận dụng thế mạnh này để có thể thực hiện nhiều hoạt động tích cực hơn cho thị trường.
Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội cũng nên tổ chức những cuộc thảo luận ở những trung tâm vùng, mang tính chất tham vấn ý kiến. Như tổ chức tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… để có thể khảo sát các ý kiến, các thông tin từ các vùng.
Với chiến lược năm 2022, tôi cho rằng cần có báo cáo chiến lược bài bản, phân tích bối cảnh để định hướng cho Đại hội để hoạt động cho chuẩn và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, với đóng góp ý kiến từ những góc nhìn khác từ các chuyên gia bất động sản, chuyên gia kinh tế phải làm sao để khẳng định được thị trường bất động sản như một lĩnh vực nền tảng. Nhất là sắp tới khi các bộ Luật được sửa đổi, VNREA cần thực hiện các hoạt động tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện các bộ luật, quy định.
Tại Hội nghị, TS. Võ Trí Thành cũng bày tỏ góc nhìn về thị trường bất động sản và tổ chức của Hiệp hội. Về góc nhìn thị trường, ông Thành cho rằng, 2 năm tới là giai đoạn phức hợp còn khá nhiều bất định liên quan đến dịch bệnh, gắn với giai đoạn phục hồi phát triển, và bất động sản không phải ngoại lệ nên cần lưu tâm đến thị trường, làm sao giúp các doanh nghiệp 2 năm tới vượt khó khăn để phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc.
Cụ thể hơn, trong chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Quốc hội đang bàn, làm sao để lĩnh vực bất động sản hấp thụ được tất cả chính sách hỗ trợ liên quan là cả một câu chuyện phía trước. Đơn cử như câu chuyện về chính sách phát triển nhà ở xã hội. Một vấn đề quan trọng nữa là để thị trường hiểu đúng về bất động sản, thị trường bất động sản, chính sách bất động sản, giao dịch bất động sản… Cách hiểu bất động sản chỉ là ngành dịch vụ và không gắn với xây dựng là chưa đúng… Thực tế, bất động sản là một nhân tố gắn với sản xuất. Vì thế trước mắt cần rất quan tâm đến vấn đề này.
15 năm tới, sự phát triển của Việt Nam rất gắn với bất động sản. Hiện các địa phương, các vùng đang cố gắng hoàn thành quy hoạch trong 1 - 2 năm tới. Trong đó nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản là hạ tầng; phát triển khu công nghiệp; các đô thị, đô thị hóa; các trung tâm tạo đột phá như trung tâm tài chính, trung tâm sáng tạo… Những điểm nhấn ấy liên quan rất nhiều đến đô thị xung quanh, chưa kể đô thị liên tỉnh. Vì thế tôi cho rằng Hiệp hội cần bám sát những vấn đề này, minh bạch thông tin để thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về Luật Nhà ở, 10 năm tới câu chuyện nhà ở không chỉ là vấn đề “mét vuông” mà còn là chất lượng của nhà ở. Hiệp hội có thể tổ chức các hội thảo vừa để tham vấn chính sách vừa để nâng cao yếu tố này. Thường các Hiệp hội hiện nay vai trò chưa lớn, nhưng VNREA đã đi đầu về vấn đề hỗ trợ pháp lý. Có thể gắn hoạt động với các trung tâm trọng tài, công ty luật để làm sao có thể nâng cấp sự hỗ trợ cho các thành viên Hiệp hội về hỗ trợ tư vấn pháp lý.
Tại Hội nghị, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá hoạt động của VNREA 2 nhiệm kỳ vừa qua đã có những hoạt động nổi bật.
Về hoạt động hội viên, ông Ánh cho rằng: Thứ nhất, trong các đơn vị của chúng ta, tôi thấy Hội Môi giới và hoạt động truyền thông của Tạp chí Bất động sản Việt Nam rất mạnh. Vì thế trong tổng kết và định hướng tới, rất mong nhấn mạnh được những điều đã đạt được và ghi nhận hoạt động của các đơn vị này đối với Hiệp hội.
Thứ hai, cần có những chiến lược dài hơi cho nhiệm kỳ tới.
Về việc phát triển hội viên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng cần có văn phòng tại các khu vực, có định hướng phát triển, hướng tới phát triển những hội viên lớn, là những doanh nghiệp có tiếng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cảm ơn các chuyên gia đã có ý kiến đóng góp cho báo cáo của Hiệp hội và ghi nhận các ý kiến để triển khai trong thực tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng khẳng định, các thành viên là các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đã hỗ trợ rất lớn, đóng góp cho công tác của Hiệp hội và bày tỏ mong các doanh nghiệp lớn sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động của Hiệp hội.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nhà Constrexim-HOD, chia sẻ một số ý kiến liên quan đến các chính sách với thị trường bất động sản. Đặc biệt, câu chuyện thuế chồng thuế nếu không giải quyết được, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
"Tôi đã tham dự thị trường này 30 năm và thấy rằng có quá nhiều mâu thuẫn, rắc rối liên quan đến các bộ luật, tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Đặc biệt tại địa phương mới là nơi gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính và tồn tại nhiều giấy phép con".
Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch CEO Group khẳng định: "Đánh giá hoạt động năm 2021 của Hiệp hội, dù dịch bệnh nhưng hoạt động của Tạp chí Bất động sản, Hội Môi giới, CLB Bất động sản Hà Nội hoạt động tốt, hiệu quả. Về công tác đối ngoại, tôi đã thay mặt Hiệp hội tham dự nhiều cuộc họp online với các Hiệp hội trong khu vực theo sự phân công, chúng ta đã chuyển tải được những thông điệp của thị trường bất động sản Việt Nam ra bạn bè thế giới. Cần có đánh giá cụ thể hơn về hoạt động của các đơn vị, đặc biệt là điểm tích cực, điểm tốt để phát huy năm 2022. Cần có đánh giá cụ thể hơn về công tác đối ngoại, những gì đã làm được và định hướng mở rộng thêm quan hệ với các hiệp hội khác trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm phát triển. Chiến lược năm 2022 cần có chiến lược tương xứng với công tác đối ngoại của Hiệp hội.
Về công tác phản biện chúng ta làm đã tốt nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài phản biện chính sách, cần phản biện thủ tục hành chính, văn bản dưới luật, hoạt động hành chính tại các địa phương. Đề nghị Hiệp hội kế hoạch năm 2022 cần có 1 nhóm tác chiến phối hợp với hiệp hội địa phương, doanh nghiệp địa phương để chủ động rà soát, xem các thủ tục hành chính, văn bản dưới luật có bao nhiêu. Khai thác lợi thế Ban Pháp chế của Hiệp hội, các công ty luật, chuyên gia, qua đó đề xuất giảm thủ tục hành chính, tăng lợi ích cho hội viên".
Hội nghị BCH, BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ngày 4/1/2022 đã thống nhất 100% quyết nghị:
1. Thống nhất đánh giá kết quả hoạt động Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu trong báo cáo.
2. Thống nhất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp hoạt động năm 2022 như báo cáo tổng kết đã nêu. Trong đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Hoạt động tới của Hiệp hội cần thiết thực hơn, hiệu quả hơn, bám sát diễn biến của nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam;
- Thực hiện đa dạng, linh hoạt, hiệu quả các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản Việt Nam;
- Tăng cường hoạt động làm việc với các doanh nghiệp, địa phương để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên;
- Triển khai đề án đánh giá toàn diện về thị trường bất động sản Việt Nam.
3. Thống nhất các nội dung của Thường trực Hiệp hội đã chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hiệp hội trong thời gian qua về tổ chức, cán bộ và các nội dung khác theo các thông báo, quyết định và Nghị quyết các cuộc họp.
4. Trong điều kiện dịch bệnh, theo tình hình thực tế, việc triển khai tổ chức họp BCH, BTV và Đại hội có thể trực tiếp kết hợp trực tuyến để đảm bảo thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 từ Trung ương đến các địa phương.
5. Triển khai Đề án thành lập Văn phòng đại diện của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại các khu vực: Miền Trung, miền Nam theo mô hình kết hợp “3 trong 1” (Văn phòng đại diện của Hiệp hội, Văn phòng đại diện của Hội Môi giới và Văn phòng Đại diện của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam). Bước một kiện toàn tổ chức, cán bộ Trung tâm Tư vấn xúc tiến và đầu tư Bất động sản Việt Nam. Nghiên cứu Mô hình Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Hội Bất động sản du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ Bât động sản Việt Nam theo hướng có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các quy định hiện hành.
6. Thống nhất giao bộ phận Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xem xét, trình Bộ Xây dựng tặng Bằng khen và Kỷ niệm Chương vì sự nghiệp Xây dựng cho các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội, một số đồng chí Ủy viên BTV, BCH Hiệp hội nhiệm kỳ IV.
7. Chấm dứt tư cách Ủy viên BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đối với các trường hợp sau:
- Các trường hợp đã mất: Đồng chí Trần Ngọc Quang và Đồng chí Trịnh Quang Tiến
8. Bổ sung cán bộ Hiệp hội
- Tại Thông báo số 04/HHBĐSVN ngày 09/11/2021 họp Thường trực Hiệp hội có nhiều nội dung trọng tâm từ nay đến Đại hội (dự kiến tháng 6/2022): Nội dung II có công tác kiện toàn cán bộ, bổ sung cán bộ tham gia lãnh đạo Hiệp hội và xin ý kiến chủ trương BTV về việc này. Sau khi gửi Thông báo, BTV không có ý kiến gì khác. Ngày 27/12/2021, Thường trực Hiệp hội đã họp thống nhất đề xuất nhân sự cụ thể; đồng thời qua ý kiến đề nghị của các đại biểu tại Hội nghị hôm nay; Do tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng ta họp Hội nghị BCH, BTV cùng thời gian, nội dung. BCH, BTV Hiệp hội đã thống nhất bổ sung nhân sự lãnh đạo Hiệp hội như sau:
1. Họ tên: Lê Khắc Hiệp
Nhiệm vụ hiện tại: Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Đã thống nhất bầu bổ sung: Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
2. Họ tên: Bùi Xuân Huy
Nhiệm vụ hiện tại: Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland
Đã thống nhất bầu bổ sung vào Ban chấp hành, Ban thường vụ và bầu Đồng chí Bùi Xuân Huy giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
3. Họ tên: Nguyễn Đình Trung
Nhiệm vụ hiện tại: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh
Đã thống nhất bầu bổ sung vào Ban chấp hành, Ban thường vụ và bầu Đồng chí Nguyễn Đình Trung giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
4. Họ tên: Nguyễn Văn Đính
Nhiệm vụ hiện tại: Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Đã thống nhất bầu bổ sung: Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
5. Họ tên: Phạm Nguyễn Toan
Nhiệm vụ hiện tại: Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng biên Tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
Đã thống nhất bầu bổ sung: Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
6. Họ tên: Lê Văn Thìn
Nhiệm vụ hiện tại: Chánh Văn phòng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Đã thống nhất bầu bổ sung vào Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
7. Họ tên: Nguyễn Thị Thanh Hòa
Nhiệm vụ hiện tại: Giám đốc Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư Bất động sản Việt Nam (VICOREAL)
Đã thống nhất bầu bổ sung vào Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
9. Nội dung, thời gian, địa điểm Đại hội nhiệm kỳ V (2021 – 2026) và Kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội, kết hợp trao Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam
a. Thời gian: Trong tháng 6 năm 2022.
b. Địa điểm: Dự kiến tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
c. Các Văn kiện
- Báo cáo kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
- Báo cáo Đại hội nhiệm kỳ V (2021 – 2026)
- Báo cáo kiểm điểm BCH nhiệm kỳ IV
- Báo cáo của Ban Kiểm tra nhiệm kỳ IV
- Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội (nếu có)
- Báo cáo đề án nhân sự nhiệm kỳ V do BCH nhiệm kỳ IV đề xuất để xin ý kiến Đại hội nhiệm kỳ V
Các báo cáo cần đánh giá sâu bối cảnh trong nước, quốc tế, có tầm nhìn chiến lược và dài hạn.
d. Tiến độ
- Hoàn thành việc xét Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam và các Văn kiện Đại hội chậm nhất là tháng 5/2022. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì dự kiến tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2022. Riêng đối với Đề án nhân sự nhiệm kỳ V, hôm nay họp BCH, BTV, Hội nghị chúng ta thống nhất chủ trương về tiêu chuẩn BCH, số lượng và cơ cấu Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V để có cơ sở xây dựng đề án nhân sự cụ thể.
e. Ban Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam họp ngày 27/12/2021 đã thống nhất nội dung sau đề nghị BCH, BTV thống nhất phương án cơ cấu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bộ phận Thường trực và Ban Kiểm tra Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ kỳ V (2021 – 2026) như sau:
- Trên cơ sở đề xuất của BCH nhiệm kỳ IV và ý kiến tại Đại hội
- BCH do Đại hội bầu trong số hội viên của Hiệp hội.
- Số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn và hình thức thức bầu Ủy viên BCH do Đại hội biểu quyết.
* Tiêu chuẩn của Ủy viên BCH, BTV, Bộ phận Thường trực
Tiêu chuẩn chung
- Ủy viên BCH phải là hội viên tâm huyết với Hiệp hội.
- Có khả năng, trình độ điều hành công việc được giao có hiệu quả.
- Phải có phẩm chất đạo đức tốt.
- Không làm gì trái với các quy định của pháp luật, trái mục đích, Quy định, Nghị quyết, Điều lệ của Hiệp hội.
- Có thời gian và sức khỏe để thực hiện hiện nhiệm vụ Hiệp hội giao.
- Đóng hội phí hội viên đúng thời gian, đầy đủ.
Ban Thường vụ:
- BTV do BCH bầu trong số các Ủy viên BCH có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, trình độ, năng lực để giúp BCH triển khai thực hiện các Quy định, Nghị quyết, Điều lệ của Hiệp hội và mọi công việc của Hiệp hội.
- Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Ủy viên.
- Hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành ban hành; tuân thủ theo pháp luật, Điều lệ Hiệp hội,…
Bộ phận Thường trực của BTV
- Gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội.
- Là bộ phận thay mặt BTV xử lý các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của BTV và báo cáo BTV bằng văn bản hoặc trong kỳ họp gần nhất.
* Cơ cấu nhân sự
Căn cứ vào tình hình hoạt động của các hội viên, của các Ủy viên BCH, BTV và Bộ phận Thường trực; căn cứ vào tiêu chuẩn và Điều lệ hoạt động; BCH nhiệm kỳ IV dự kiến số lượng, cơ cấu BCH khóa V (2021 – 2026) như sau:
- Ban Chấp hành: Khoảng 100 ủy viên, cơ cấu:
- Khu vực cơ quan Hiệp hội: Khoảng 25-30% tổng số Ủy viên BCH
- Khu vực các hội địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia: Khoảng 70-75% tổng số Ủy viên BCH.
- Ban Thường vụ: Khoảng 31 - 33 Ủy viên.
+ 11 - 13 Ủy viên là bộ phận Thường trực Hiệp hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký. Ba đồng chí Thường trực làm việc theo chế độ chuyên trách là:
Đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, nguyên Ủy viên BTV, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
Đồng chí Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng
* Ban kiểm tra:
- Dự kiến 05 đồng chí
- Gồm 01 Trưởng ban là Ủy viên BTV, 01 Phó Trưởng ban là Ủy viên BCH và 03 Ủy viên là Ủy viên BCH khóa V (2021 – 2026) do Đại hội bầu.
- Tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn như tiểu chuẩn Ủy viên BCH nêu trên và đáp ứng tiêu chuẩn theo Đều lệ Hiệp hội.
10. Để thực hiện công tác Đại hội nhiệm kỳ V, kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kết hợp Tổ chức trao Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam lần thứ 2, Hội nghị thống nhất phân công:
- Đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách chỉ đạo chung, chỉ đạo đề án công tác tổ chức, cán bộ nhiệm kỳ V; chỉ đạo phần nội dung Văn kiện và nội dung báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ IV và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ V.
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội là Trưởng tiểu ban Nội dung – Truyền thông, phụ trách phần nội dung Giải thưởng Quốc Gia Bất động sản Việt Nam – lần thứ II, nội dung sửa đổi bổ sung Điều lệ Hiệp hội, nội dung báo cáo kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, báo cáo Kiểm điểm BCH nhiệm kỳ IV, báo cáo Kiểm tra của Ban Kiểm tra Hiệp hội.
- Đồng chí Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội là Trưởng tiểu ban Tài chính - Hậu cần, chuẩn bị Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ V và các báo cáo Đại hội, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội.
- Đồng chí Nguyễn Văn Đính, UV BTV và Đồng chí Phạm Nguyễn Toan, UV BTV là hai Phó Trưởng tiểu ban, giúp việc cho Ban Tổ chức và các Tiểu ban. Ban Tổ chức họp thường xuyên để chỉ đạo thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các thành viên là Ủy viên của các tiểu ban của Ban Tổ chức vẫn theo các quyết định đã có.
Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống nhất 100% nội dung trên. Giao Bộ phận Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Ban Tổ chức Đại hội nêu trên tổ chức thực hiện chất lượng, hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết này. Giao Ban Tổ chức trình Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thay mặt BCH, BTV ký ban hành Nghị quyết.
Hội nghị kết thúc vào hồi 11h30, ngày 04 tháng 01 năm 2022./.