Vụ tin giả “bác sĩ Khoa rút ống thở” và câu chuyện lòng tốt bị lừa đảo

Vụ tin giả “bác sĩ Khoa rút ống thở” và câu chuyện lòng tốt bị lừa đảo

Thứ Sáu, 13/08/2021 - 07:00

Những ngày qua, cư dân mạng và dư luận xã hội xôn xao về câu chuyện liên quan đến tài khoản “Trần Khoa” hay còn gọi là “bác sĩ Khoa”. Đầu tiên là tối ngày 7/8, ở tài khoản Trần Khoa trên Facebook (được cho là bác sĩ sản khoa) đăng câu chuyện “bác sĩ” này rút ống thở của mẹ mình đang điều trị Covid-19 nhưng bệnh nặng khó qua khỏi, để nhường cho một sản phụ sắp sinh con, sau đó “bác sĩ” này đã mổ bắt con cho sản phụ sinh đôi thành công.

Câu chuyện đã lấy rất nhiều nước mắt của cộng đồng mạng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, trở thành hiện tượng trên mạng xã hội. Hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của “bác sĩ Khoa”. Để minh họa cho câu chuyện trên còn xuất hiện những đoạn tin nhắn nội bộ và ảnh hai bé của một ca song sinh không hề liên quan đến câu chuyện trên. Thậm chí có người xúc động trước câu chuyện này đã tổ chức quyên góp, liên hệ với tài khoản Trần Khoa để tặng máy thở…

Hình ảnh chụp từ trang Facebook giả mạo (Ảnh sưu tầm)

Thế nhưng ngay sau đó, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã tiến hành xác minh và khẳng định câu chuyện “rút máy thở” đăng trên tài khoản Trần Khoa là hoàn toàn hư cấu. Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả xác minh cho thấy trong hệ thống y tế thành phố không có vụ việc một bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tự ý rút ống thở để “nhường” cho sản phụ sắp sinh. Thậm chí theo quy định hiện hành, nhân viên y tế hoặc người nhà cũng không được phép tự ý rút ống thở bệnh nhân đang điều trị, cho dù với bất kỳ lý do nào. Kể cả việc quyết định rút ống thở cho bệnh nhân đang điều trị thở máy trong trường hợp cai máy thở cũng phải theo y lệnh của người có trách nhiệm…

Dư luận càng bất ngờ hơn khi được biết có dấu hiệu trục lợi trong việc đăng tin giả nói trên. Cơ quan chức năng cho biết, bước đầu đã phát hiện nguồn phát tán thông tin sai sự thật nói trên do một nhóm được thành lập bởi các tài khoản giả thực hiện. Nhóm này tương tác qua lại và hoạt động có hệ thống.

Trước đó nhóm tài khoản này tự nhận là thành viên nhóm "nhà 82" hay "thiện nguyện 82", thường tổ chức các chương trình thiện nguyện, ủng hộ bệnh nhân ung thư. Nhiều người cho biết từng tin tưởng nhóm này, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên Nguyen Thi Minh Thy, ở TP. Thủ Đức để ủng hộ, nhưng họ không biết số tiền ấy có đến tay bệnh nhân ung thư hay không.

Tất cả những nghi vấn trên, các cơ quan chức năng đang tập trung để làm rõ và đưa ra ánh sáng. Hai chủ tài khoản chia sẻ thông tin trên đã bị xử phạt. Nhưng ngay lúc này, hành vi tung tin giả, đưa câu chuyện không có thật liên quan đến việc chống dịch Covid-19 lên mạng xã hội đã rất đáng lên án. Cả thế giới, cả nước, đặc biệt là TP.HCM đang căng mình chống dịch nhưng những chủ tài khoản trên lại lấy câu chuyện liên quan đến chống dịch để làm trò đùa, thậm chí là có dấu hiệu trục lợi thì thật là vô nhân tính.

Ít nhất, các cơ quan chức năng của thành phố đang bận trăm công ngàn việc lo chống dịch, thậm chí các địa phương trong cả nước phải chi viện cả nhân tài vật lực cho thành phố, vậy mà lại phải mất thời gian, hao tâm tổn trí để xác minh, giải quyết một vụ việc không đáng có.

Hơn nữa, câu chuyện “rút ống thở” còn gây nên những dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc. Câu chuyện này không đơn giản chỉ là “tình cảm” của bác sĩ với bệnh nhân, mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề thuộc về pháp lý, y tế và đạo đức xã hội.

Còn nhớ, ngay cả vấn đề “quyền được chết”, “cái chết nhân đạo” khi một người bị bệnh hiểm nghèo không chịu đựng được nỗi đau thể xác, hay cái chết của người ấy là không thể tránh khỏi trong tương lai gần… mà bệnh nhân hay thân nhân yêu cầu “được chết nhân đạo”, mà Quốc hội cũng còn phải bàn lên bàn xuống và không thông qua điều khoản trong luật. Vậy mà tài khoản Trần Khoa lại ngang nhiên đăng tin một bác sĩ tự ý rút ống thở của chính mẹ mình đang điều trị Covid-19 thì nếu không được kịp thời làm rõ là tin giả, sẽ gây tranh cãi về cả pháp lý và đạo đức, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý xã hội.

Câu chuyện tin giả đã được làm rõ. Còn vấn đề đang được tiếp tục điều tra, xác minh, nếu đúng là việc đăng tin nhằm trục lợi qua thu hút ủng hộ thiện nguyện thì quả thực là sự trục lợi vô văn hóa và phi nhân tính, trục lợi trên lòng tốt của xã hội và trên sự đau khổ của những số phận bất hạnh. Hơn thế nữa, khi lòng tốt bị lừa đảo, nó còn làm cho xã hội từ đó mà mất lòng tin, nghi ngờ cả những lời kêu gọi thiện nguyện chính đáng, khiến họ sẽ ngừng hoặc dè dặt hơn khi làm việc thiện. Như vậy, hậu quả không chỉ dừng lại ở khía cạnh vật chất, mà nguy hiểm hơn là khi mà người ta đã nghi ngờ điều thiện thì điều thiện sẽ khó được nhân lên, đó là chưa nói đến việc nó sẽ còn bị thui chột, giảm sút.

Do đó, nếu làm rõ được đây là một vụ tung tin giả nhằm mục đích trục lợi thì theo tôi, cần phải xử lý thật nghiêm, không chỉ xét theo giá trị vật chất liên quan đến vụ việc mà phải xét đến cả hậu quả to lớn, thậm chí không thể đo đếm được do nó gây ra. Tôi từng nghe các cụ kể lại, ngày trước (không biết cụ thể thời nào) khi bắt được kẻ ăn cắp và kẻ ăn trộm thì bao giờ cũng xử tội ăn cắp nặng hơn tội ăn trộm.

Lý do: Ăn trộm được cho là gồm những hành động phi pháp vào nhà (thường là lợi dụng đêm tối hoặc vắng người) để lấy đồ đạc, của cải, tài sản của gia chủ, nhưng việc mất trộm này cả gia đình đều biết rõ nguyên nhân mất của; còn ăn cắp được cho là hành động lén lút nhân lúc sơ hở mà lấy tài sản của người khác, thường là móc túi lấy cắp tài sản của một người mang theo, vì vậy trong gia đình có thể có người không tin, thậm chí còn nghi ngờ cho chính người bị mất cắp. Vì vậy, tội ăn cắp không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn gây hậu quả cả về đạo đức và trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình…, nên xử nặng hơn tội ăn trộm.

Cũng như vậy, trong vụ việc “bác sĩ Khoa rút ống thở”, nếu làm rõ được sự trục lợi từ việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch, thì cần phải xem xét thấu đáo trên tất cả các khía cạnh và xử lý thật nghiêm minh để lòng tốt và điều thiện được hồi sinh.

Kể cả trong trường hợp không làm rõ được động cơ trục lợi bằng việc kêu gọi đóng góp thiện nguyện, thì riêng chuyện đưa tin giật gân để câu view cũng đã là một sự trục lợi trên dịch bệnh và cần phải xử nặng để làm gương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top