Aa

Vụ xe điện tiền tỷ đắp chiếu: Lãnh đạo thành phố Sầm Sơn... đừng sợ!

Thứ Ba, 02/04/2019 - 01:41

Đô thị văn minh cần những nhà quản trị văn minh. Lãnh đạo Sầm Sơn đừng "sợ" thí điểm xe buýt điện. Sầm Sơn nổi tiếng hay lại tai tiếng phụ thuộc vào quyết sách đúng đắn của lãnh đạo thành phố...

Ai phải chịu trách nhiệm?

Liên quan tới vụ xe điện Phương Hiền (Sầm Sơn) đắp chiếu, các tài liệu phóng viên có được cho thấy, ngay từ năm 2012, sau khi được Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động xe điện, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quy định về tổ chức, hoạt động đối với loại xe điện này năm 2013 và 2014, trong đó quy định rõ các điều kiện bắt buộc (đầy đủ giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, đăng ký, đăng kiểm...) đối với phương tiện xe 4 bánh.

Tuy nhiên, thời điểm trên, có hơn 300 xe điện được cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm đều không đáp ứng đủ điều kiện trên. Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ra văn bản cho phép tăng 96 xe điện. Thế nhưng hầu hết các xe điện cũng không đáp ứng được các tiêu chuẩn để vận tải hành khách theo quy định của Bộ Giao thông vận tải nhưng vẫn được hoạt động thường xuyên trên đường.

Tại văn bản 9766/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải báo cáo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện thí điểm xe 4 bánh có gắn động cơ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, qua khảo sát thực tế, phần lớn xe điện 4 bánh chở người hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đối với xe chở người 4 bánh tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.

Sầm Sơn vào mùa du lịch.

Sầm Sơn vào mùa du lịch. (Ảnh minh họa).

Những phương tiện xe điện không đủ điều kiện lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khôn lường nếu cơ quan có thẩm quyền không có phương án xiết chặt quản lý, đảm bảo an toàn giao thông. Một số thống kê về số vụ vi phạm giao thông đường bộ do xe điện gây ra trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố Sầm Sơn cho thấy rõ điều đó.

Theo đó, năm 2017, cơ quan có thẩm quyền phát hiện 1.865 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó xe điện 431 trường hợp vi phạm chiếm 23,1%. Toàn thành phố Sầm Sơn xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông làm 12 người chết, 2 người bị thương, trong đó đối với xe điện xảy ra 2 vụ và làm chết 2 người.

Năm 2018, phát hiện 1.373 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có 647 trường hợp xe điện vi phạm trật tự an toàn giao thông, chiếm 47,12%; đối với xe điện xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông làm 2 người bị thương, chiếm 28,5%.

Tuy nhiên, trong nhiều văn bản báo cáo (nói chung) không hề đề cập cụ thể tới trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Sầm Sơn trong việc quản lý phương tiện này, đặc biệt là để những chiếc xe điện không đủ điều kiện hoạt động, vi phạm giao thông đường bộ, gây tai họa đối với người dân.

Tại cuộc họp báo hôm 29/3, phóng viên đã đề cập vấn đề này với lãnh đạo Sầm Sơn nhưng ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn từ chối trả lời.

Thành phố văn minh cần có những người nhận thức văn minh

Câu chuyện xe điện Sầm Sơn sẽ chưa có hồi kết khi quan điểm của doanh nghiệp và chính quyền không tìm được tiếng nói chung. Tiếng nói chung ở đây không phải xuất phát từ sự “thỏa hiệp” giữa chính quyền và doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm vì lợi ích nhóm, vì áp lực của dư luận hay vì một lý do nào khác.

Dư luận có thể thông cảm cho lãnh đạo thành phố Sầm Sơn vì có lẽ họ đã chịu áp lực khá lớn về câu chuyện cho phép thí điểm, quản lý xe điện và việc xử lý tồn tại trong quản lý phương tiện này từ những lãnh đạo tiền nhiệm.

Bởi thế, việc thay thế các phương tiện xe điện không đủ điều kiện vẫn đang lăn bánh trên đường không phải là vấn đề có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai mà cần có lộ trình cụ thể để tránh gây xáo trộn về đời sống, tinh thần của những người sống dựa chủ yếu vào hoạt động kinh doanh này. Về điều này, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn hoàn toàn có lý bởi đó là cách làm nhân văn, hợp tình, hợp lý.

Xe điện của Công ty Phương Hiền đã nhập về nhưng trong tình trạng đắp chiếu.

Xe điện của Công ty Phương Hiền đã nhập về nhưng trong tình trạng đắp chiếu.

Một áp lực khác không thể không nhắc tới đối với một đô thị du lịch Sầm Sơn đó là phải quản lý làm sao để nhu cầu sử dụng xe dù cao cũng không gây ảnh hưởng giao thông, phân bố đều xe trên các tuyến đường, điều phối lưu thông sao cho linh động, tránh được các tuyến phố đang ách tắc, tránh tình trạng ra đường chỉ toàn thấy... xe điện?

Nhưng việc quản lý hoạt động của phương tiện này và sự thay thế có lộ trình đối với những phương tiện xe điện không đảm bảo kỹ thuật không đồng nghĩa với việc hạn chế những doanh nghiệp có tâm huyết, có ý tưởng đột phá trong việc đưa ra phương án thí điểm xe buýt điện một cách bài bản góp phần xây dựng đô thị du lịch văn minh. Trong số này phải kể đến đề án thí điểm xe buýt điện của Công ty Phương Hiền (đề án điểm xe buýt điện mới, duy nhất tại Thanh Hóa được các nhà khoa học đánh giá cao. Vấn đề này chúng tôi đã nêu ở bài trước xin không nêu cụ thể trong bài viết này).

Xét ở góc độ này, việc lãnh đạo thành phố Sầm Sơn, hạn chế xe điện đối với doanh nghiệp này (không tăng thêm xe điện năm 2019) với lý do hạ tầng không đảm bảo rõ ràng chưa có tính thuyết phục và chưa phù hợp với xu thế phát triển tại một đô thị văn minh có dịch vụ du lịch phát triển như Sầm Sơn.

Một thực tế có thể thấy, tại các thành phố phát triển mạnh về du lịch khác (Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội...) mặc dù số lượng xe điện nhiều, mật độ dân cư, hạ tầng chật hẹp, nhưng việc khai thác dịch vụ ô tô điện du lịch để phục vụ du khách vẫn phát huy hiệu quả do việc tổ chức phân luồng, phân tuyến khoa học, bài bản.

Như vậy, vấn đề xe điện ở Sầm Sơn không hẳn nằm ở chỗ tăng hay không tăng xe điện. Bài toán đặt ra cho các nhà quản trị (lãnh đạo thành phố Sầm Sơn) đó là đưa ra phương án, kế hoạch tổ chức quản lý phương tiện này một cách khoa học, bài bản thay vì phớt lờ những ý tưởng hay, hợp xu thế của doanh nghiệp và sự đóng góp của dư luận. Nếu không giải quyết, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, thì tất cả chỉ dừng lại ở việc "chữa bệnh ung thư bằng thuốc cảm cúm".  

Ở một góc độ khác, việc xin thí điểm xe buýt điện cũng là cách giúp thành phố phân luồng, tuyến, quản lý hoạt động xe điện một cách văn minh hơn, ngăn nắp hơn (xe buýt điện hoạt đông theo tuyến, có nhà chờ, biển báo – hoạt động không khác gì xe buýt thông thường, chạy trong phạm vi hạn chế) thay vì cảnh chèo kéo khách của nhiều phương tiện đang hoạt động trên địa bàn, gây ức chế và sự thiếu thiện cảm cho du khách mỗi khi đến Sầm Sơn.

Do đó, hãy nghĩ rằng, thí điểm xe buýt điện - hình thức giao thông hiện đại, là sự thay thế hoàn hảo, văn minh, khoa học trong tương lai, thay vì việc quản lý, vận hành xe điện “thủ công” như hiện nay. 

Xin nhắc lại, vấn đề ở đây không phải là tăng xe điện hay không tăng xe, mà mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức quản lý hoạt động xe điện như thế nào, dưới hình thức nào để nó phát huy hiệu quả chứ không phải là làm khó doanh nghiệp xin thí điểm và đừng biến xe điện thành nỗi ám ảnh của du khách mỗi khi đến Sầm Sơn?!

Đô thị văn minh cần những nhà quản trị văn minh. Lãnh đạo Sầm Sơn đừng "sợ" thí điểm xe buýt điện. Sầm Sơn nổi tiếng hay lại tai tiếng phụ thuộc vào quyết sách đúng đắn của lãnh đạo thành phố...

 (Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top