Ngày 25/6 tới đây, tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây sẽ là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hoạt động khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các vùng kinh tế - xã hội và các vấn đề mang tính chất liên vùng.
Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2018, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế của vùng tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt cho vùng mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân (giá so sánh) giai đoạn 2016 – 2020 đạt 9% (gấp 1,25 lần bình quân chung của cả nước); GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2020 đạt 5.500 USD.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 3 năm 2016 - 2018 của vùng đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198 cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (9%).
Tuy nhiên, tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 31,73% GRDP của cả nước và chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, vẫn đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (45,42%). Tong đó Hà Nội dẫn đầu toàn vùng đóng góp 16,96% về GRDP cả nước.
GRDP bình quân đầu người của vùng cũng tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước và đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu đến năm 2020, vùng sẽ vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg (5.500 USD).
Công nghiệp tăng ấn tượng, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chưa tới 4%
Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong GRDP so với các vùng kinh tế trọng điểm khác, trong khi khu vực dịch vụ có tỷ trọng cao nhất trong GRDP so với các vùng khác; cả hai khu vực này đều vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198.
Một số địa phương có tỷ trọng khu vực dịch vụ lớn trong GRDP như Hà Nội (64%, cao nhất cả nước), Hải Phòng (44,05%). Đến năm 2018, tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 3,71% trong cơ cấu kinh tế vùng.
Ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng của vùng và tập trung đều vào tất cả các địa phương, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, quan trọng tại một số tỉnh, thành phố của vùng như Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng. Giai đoạn 2016 - 2018, ngành công nghiệp - xây dựng của vùng đóng góp gần 40% GDP của cả nước và tập trung chủ yếu từ các ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện, điện tử, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may, công nghiệp phụ trợ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, một số địa phương trong vùng nằm trong tốp những địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước như thành phố Hải Phòng tăng 25,01% cao nhất từ trước đến nay.
Ngành dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu kinh tế của vùng. Đến năm 2017, khu vực dịch vụ của vùng đóng góp vào tăng trưởng GRDP là 3,73 điểm phần trăm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm.
Vị trí lợi thế là cửa ngõ ra biển ở khu vực phía Bắc, có nhiều cảng Container đã và đang được đầu tư và tiếp tục mở rộng (Cảng Đình Vũ, Cảng Cái Lân, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện…) đã góp phần phát triển dịch vụ logistics và tăng khả năng cạnh tranh loại hình này với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn vùng có 27 trung tâm logistics, chiếm 55% tổng số logistics cả nước, tập trung chủ yếu tại Bắc Ninh (14), Hà Nội (11), Hải Phòng (02).
Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của vùng đạt 25,6% và chiếm tỷ trọng 32% xuất khẩu của cả nước, vượt 2 năm mục tiêu đề ra tại Quyết định 198. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của vùng tăng 57%, tăng từ 49,6 tỷ USD năm 2016 lên tới 78,1 tỷ USD năm 2018, cao hơn nhiều mức tăng của cả nước giai đoạn này là 38%.
Kim ngạch nhập khẩu của vùng tăng 44,9%, tăng từ 61,8 tỷ USD năm 2016 lên 89,5 tỷ USD năm 2018, cao hơn mức tăng 35,5% của nhập khẩu cả nước. Do có dự án Samsung hoạt động trên địa bàn nên tỉnh Bắc Ninh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của vùng giai đoạn 2016 - 2018 với 90,5 tỷ USD, chiếm 48,22% toàn vùng; tiếp theo là thành phố Hà Nội đạt 36,289 tỷ USD, chiếm 19,33%.
Nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn cả nước
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 936/1.217 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 76,91%, cao nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm và cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước (46,48%).
Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2018 đều đạt và vượt dự toán các năm, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước; chênh lệch số thu giữa các địa phương có sự rút ngắn đáng kể.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao; công tác cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công được các địa phương trong vùng chú trọng.
Số lượng doanh nghiệp trong vùng tăng trưởng mạnh, từ 146.377 doanh nghiệp năm 2016 lên 204.310 doanh nghiệp năm 201818, chiếm 28,6% số doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế trên cả nước, chỉ sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (308.170 doanh nghiệp).
Đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2016 - 2018 của vùng đứng thứ 2 cả nước (sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 32,1 tỷ USD. Năm 2018, thành phố Hà Nội thu hút được 7,5 tỷ USD, trong đó cấp mới 640 dự án với số vốn đăng ký trên 5 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới, khẳng định vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng KTTĐBB.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2018 đạt 1.593,752 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,76% vốn đầu tư cả nước, tốc độ tăng bình quân 21,8%/năm, cao hơn mức bình quân trong giai đoạn này của các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước (khoảng 11,5%).
Y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội tiếp tục được cải thiện và chú trọng. Vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh cao nhất cả nước, đạt 99,7% vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198.
Phát triển theo hướng công nghệ cao còn hạn chế
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vùng cũng còn không ít tồn tại, khó khăn. Cụ thể, ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của vùng nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành chưa bền vững.
Cả 7/7 tỉnh, thành phố của vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon,... và cũng mới chỉ dừng lại chủ yếu gia công, lắp ráp phần cứng với giá trị gia tăng thấp, các sản phẩm công nghệ cao gắn với việc phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) còn rất hạn chế. Công nghiệp phần mềm và nội dung số chỉ mới tập trung tại thành phố Hà Nội nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp, quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng giai đoạn 2016 - 2018 đạt 426,4 tỷ USD nhưng vùng không đóng góp trong thặng dư cán cân thương mại chung (cả nước xuất siêu giai đoạn 2016 - 2018 đạt 10,69 tỷ USD) mà nhập siêu 40,781 tỷ USD. Ngoài ra tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững, năm 2017 xuất khẩu tăng 31,2% so với năm 2016, đến năm 2018 chỉ tăng 20% so với năm 2017.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước, còn dư địa tiếp tục cải thiện để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới vẫn đứng thứ 2 cả nước nhưng xét về quy mô vốn thì các doanh nghiệp trong vùng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các dự án FDI thâm dụng lao động chiếm tỷ lệ cao trong vùng.
Các lĩnh vực khác như thu ngân sách, vấn đề dân số, nhập cư… cũng còn không ít vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt, phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.