Aa

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang tạm... “dừng lại” trong các cuộc đua

Thứ Bảy, 28/09/2019 - 10:35

TS. Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nhận định: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đối mặt thách thức về tăng trưởng kinh tế khi tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kỳ vọng là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Diễn đàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra chiều 27/9 là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy triển khai Chỉ thị số 19/Ct-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời là hoat động cụ thể để triển khai Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, giải pháp cụ thể. 

Trong đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam được giao nhiệm vụ khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá về nhiệm vụ này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: “Đây là nhiệm vụ quan trọng, các tỉnh thành phố đang tập trung triển khai. Hội nghị sẽ đưa ra những mô hình để các địa phương thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Chúng ta sẽ hiến kế cho phát triển kinh tế vùng. 

Nhìn xa hơn đây cũng là hoạt động để tiếp tục triển khai Nghị quyết 35 - Nghị quyết đầu tiên riêng về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu phát triển các doanh nghiệp thời gian tới”.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Chủ tịch VCCI cũng khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

“Đây sẽ là vùng trọng điểm, là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cụ thể, nhiều thành phố của vùng luôn là những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước với mức tăng GDP, thu hút FDI và hơn cả là khả năng cải thiện môi trường kinh doanh thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Với 8 tỉnh thành, địa phương theo quy hoạch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang đóng góp lớn nhất cả nước, với tỷ trọng cao về tăng trưởng GDP, đạt 45,4% GDP cả nước, tổng thu ngân sách chiếm 42,6% tổng số thu của cả nước tính đến cuối năm 2018. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động...

"Nút chờ" trong cuộc đua với các khu vực kinh tế khác

Đánh giá về tình hình phát triển của khu vực này, TS. Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn nhận định: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đối mặt thách thức về tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước.

“Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang “dừng lại” trong các cuộc đua với các khu vực kinh tế khác trong cả nước”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Theo đó, là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước nhưng những lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng, kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, kết nối chưa đồng bộ.

TS. Lộc nêu ra những minh chứng cụ thể, đó là chất lượng phát triển đô thị còn thấp, chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa bảo đảm hết nhu cầu an sinh xã hội. Phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu đề ra.

Đặc biệt, cơ chế, chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa hoàn thiện, thiếu đột phá cần thiết. Nhận thức về lợi ích của các chủ thể liên quan chưa đầy đủ, còn khác nhau, thiếu liên kết vùng chặt chẽ. Trên thực tế cơ chế liên kết vùng còn lỏng lẻo và thực sự chưa hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn mang tính tự phát, hình thức, chương trình phối hợp phát triển kinh tế còn mang tính cục bộ, chưa phát huy có hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng. 

“Không cộng sinh, không tích hợp và không lan toả được, đây là những điểm cần khắc phục”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cho biết, hiện nay chúng ta nói nhiều đến hội nhập quốc tế với nhiều FTA thế hệ mới. “Nhưng chúng ta đặt yêu cầu liên kết với thế giới, nhưng chúng ta lại chưa liên kết nổi với nhau. Muốn hội nhập thành công chúng ta phải liên kết được trong nước. Muốn nói đến hội nhập quốc tế phải hội nhập tốt trong nền kinh tế Việt Nam. Phải liên kết tạo lan toả tốt trong các địa phương của Việt Nam. Và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đi đầu trong liên kết, lan toả, hội nhập lẫn nhau”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Giải pháp nào cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng để trở thành đầu tàu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các hội đồng vùng phải đóng vai trò dẫn dắt. 

“Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với điều kiện của nhà nước kiến tạo Nhà nước cần đề ra những chính sách phát triển vùng hợp lý, không phải thụ động. Đây cũng là mô hình nhà nước thành công ở những nền kinh tế thành công ở Đông Á. Nhà nước thành công không chỉ là trọng tài, tạo sân chơi”, vị Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cùng với đó, Nhà nước dẫn dắt còn doanh nghiệp dẫn vai trò trung tâm. Hệ sinh thái của nền kinh tế số hiện nay phải là chuỗi liên kết, khởi nghiệp sáng tạo phải là dòng chảy chính.

Chủ tịch VCCI cho biết định hướng này đã được nêu rõ trong Chỉ thị số 19/Ct-TTg của thủ tướng. Trong đó chúng ta nhấn mạnh tới vai trò của doanh nghiệp.

Ngoài ra, TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhắc tới một cơ chế rất quan trọng. Hiện các địa phương trong khu vực đều có hiệp hội doanh nghiệp, nhưng vùng kinh tế trọng điểm lại thiếu cơ chế liên kết... Do đó, cần có hội đồng vùng cũng như hội đồng doanh nghiệp vùng. Chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp là người đề xuất là trung tâm kết nối doanh nghiệp vùng, xác định phát triển công nghệ thế nào, logistics thế nào… và chính doanh nghiệp phải là người đề xuất.

“Qua rồi thời gian chúng ta nghĩ tới việc cạnh tranh với nhau, đây là thời các dự án của TP.HCM phải tạo ra mạng lưới cho các địa phương khác phát triển. Theo đó, chúng ta phải tạo chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị không bao giờ đóng khung trong một địa phương. Các địa phương phải sát cánh, sẽ có địa phương đi trước, địa phương đi sau, nhưng mỗi sự phát triển của một địa phương phải là tiền đề cho các địa phương khác. Phải xây dựng được cơ chế hợp tác như vậy”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần có Ban chỉ đạo khu vực với các Phó Thủ tướng chỉ đạo. Cùng với đó, có một hội đồng vùng trên cơ sở phối hợp địa phương. Một hội đồng doanh nghiệp trên cơ sở tương tác giữa của doanh nghiêp. 

“Đây là 3 chân kiềng cho sự phát triển của vùng. Cần sớm có một cơ chế như vậy”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Cùng với đó, vùng này cần phát triển kinh tế số, khuyến khích hình thành các hội đồng doanh nghiệp theo từng lĩnh vực như nông nghiệp, dich vụ... Nếu thiết lập được cơ chế liên kết như vậy thì sẽ tạo được liên kết thành công. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top