Aa

WB: Kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi

Thứ Sáu, 13/05/2022 - 06:15

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi, tuy nhiên cần thận trọng với lạm phát và rủi ro khi nhu cầu của toàn cầu có xu hướng yếu hơn bởi sự gián đoạn về nguồn cung.

Ngày 12/5, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2022. Theo đó, WB ghi nhận, xu hướng di chuyển và kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng trưởng lần lượt 9,4% và 12,1% so cùng kỳ năm 2021, tương đương với tốc độ trước đại dịch. 

Tuy nhiên, trong lúc xuất khẩu tăng trưởng nhanh thì tăng trưởng nhập khẩu lại đi ngang, phản ánh sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của chính sách Zero-Covid ở Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ 17% trong tháng 3 so cùng kỳ năm 2021 lên mức  25,2% trong tháng 4.

Trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhích nhẹ từ 14,6% lên 16,5% so cùng kỳ năm trước 2021. Xuất khẩu các sản phẩm chính và xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng tương đối tốt. Nhập khẩu tăng chậm hơn xuất khẩu phần lớn phản ánh nhập khẩu từ Trung Quốc giảm tốc do quốc gia này thực hiện phong tỏa nhằm kiểm soát đợt lây nhiễm Covid-19 mới bùng phát. Tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 19,4% trong tháng 2 so cùng kỳ năm 2021, xuống còn 2,6% trong tháng 3 và 11,5% trong tháng 4.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nhất, giảm 15,2% trong tháng 3 so cùng kỳ năm 2021 và 6,4% trong tháng 4 so cùng kỳ năm 2021.

Đây cũng là hai tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2020. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu vải các loại, một nhóm mặt hàng quan trọng khác, cũng giảm từ 28,1% trong tháng 3 xuống còn 3% trong tháng 4 so cùng kỳ năm 2021. Do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nên gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Với giá dầu tăng cao, kim ngạch nhập khẩu nhiên liệu các loại tăng gần 120% so cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh này và đúng vào thời điểm tình hình kinh tế thế giới đang còn nhiều bất ổn, tình hình giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng mạnh mặc dù tỷ lệ vốn FDI đăng ký có xu hướng giảm sang tháng thứ 3 liên tiếp. Vốn FDI đăng ký đạt 1,9 tỷ USD trong tháng 4, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2021. Với tác động của căng thẳng Nga - Ukraine và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt, bất định toàn cầu gia tăng có thể đã khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Sau một giai đoạn tương đối sôi động, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) chững lại với giá trị góp vốn và mua cổ phần giảm 35% trong tháng 4 và là lần giảm đầu tiên sau 7 tháng vừa qua.

Theo lĩnh vực, vốn FDI đăng ký ở công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30,4% so cùng kỳ năm 2021 và bất động sản giảm 33,9%, nhưng lại tăng 36% ở linh vực bán buôn và bán lẻ. Mặc dù vốn đăng ký giảm, nhưng vốn thực hiện các dự án FDI đã được phê duyệt trong tháng 4 vẫn tăng tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước, tháng tăng thứ năm liên tiếp.

Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, lạm phát CPI nhích tăng nhẹ từ tỷ lệ 2,4% trong tháng 3/2022 lên mức 2,6% trong tháng 4 và lạm phát cơ bản tăng lên 1,5%. Đây cũng là tỷ lệ cao trong suốt 17 tháng qua phản ánh nhu cầu trong nước đang dần được phục hồi lại thúc đẩy tăng lên bởi chi tiêu tiêu dùng cho hai kỳ nghỉ lễ vừa rồi.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng lập đỉnh mới với tốc độ 16,4% so cùng kỳ năm 2021, nhưng lãi suất qua đêm liên ngân hàng vẫn giảm còn 1,37% vào cuối tháng 4, thấp hơn nhiều so với lãi suất chiết khấu 2,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chứng tỏ sự thanh khoản và tính dư thừa của thị trường trong nước. Qua báo cáo của WB, ngân sách Nhà nước Việt Nam ghi nhận tháng bội thu thứ 4 liên tiếp do kết quả thu vững chắc trong điều kiện nền kinh tế vận hành tốt và chi ngân sách giảm.

Theo khuyến nghị của WB, nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi, tuy nhiên cần thận trọng với lạm phát và rủi ro khi nhu cầu của toàn cầu có xu hướng yếu hơn bởi sự gián đoạn về nguồn cung. Điều này cũng có thể là nguyên nhân tạo thêm những ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, sự bất định liên quan đến căng thẳng giữa Nga - Ukraine khiến cho nguồn cung và giá cả hàng hóa có thể làm suy yếu sự tăng trưởng kinh tế toàn thế giới; trong đó, khó tránh khỏi những tác động đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong những tháng tới đây, sự gián đoạn về chuỗi cung ứng do tình hình phong tỏa ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, các chuyên gia của WB nhận định. Nếu lạm phát còn tiếp diễn trong trung hạn cho phép sự điều chỉnh giá cả, thị trường để khuyến khích đầu tư nhằm tăng năng suất và thúc đẩy tổng cung hàng hóa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top