Aa

World Bank và góc nhìn đầy triển vọng về kinh tế Việt Nam trong 2021

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Ba, 22/12/2020 - 14:18

World Bank bày tỏ quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong 2021 và các năm tiếp theo. Trong năm 2021, dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% ở các năm tiếp theo.

Tại Báo cáo "Điểm lại" - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định: Năm 2020, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 2,8%, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Theo quan điểm của World Bank, Việt Nam có kết quả như trên là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. "Không những kiềm chế được đại dịch Covid-19 bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi", báo cáo nêu.

Cụ thể, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau 3 năm thắt chặt tài khóa. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế đối ngoại, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua, đạt kết quả rất tốt tính từ khi khủng hoảng Covid-19 bắt đầu. 

Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa thặng dư lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.

Theo World Bank, các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tiếp tục dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do Việt Nam đã quản lý tốt đại dịch.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19 khi so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Các biện pháp được đưa ra nhanh chóng và kịp thời đã giúp nền kinh tế quay lại giai đoạn phục hồi một cách nhanh chóng.

Ảnh minh họa.

Bởi vậy, World Bank đánh giá triển vọng của Việt Nam ở mức tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% ở các năm tiếp theo.

Dự báo này được World Bank tính toán dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát khi vắc xin Covid-19 chứng minh được hiệu quả. Mặc dù vậy, quy mô và thời gian kéo dài của đại dịch Covid-19 cũng như những tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế khó có thể dự báo, và do đó, không thể bỏ qua một kịch bản tăng trưởng thấp hơn.

Tuy nhiên, báo cáo của World Bank cũng nhấn mạnh rằng, vẫn còn tiềm ẩn những  rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền Việt Nam cần quan tâm hơn nữa.

Cụ thể hơn, báo cáo phân tích về những xu thế gần đây của nền kinh tế Việt Nam, trong đó đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa xử lý được những thách thức về khí hậu và môi trường hiệu quả như với khủng hoảng Covid-19, tuy được cho là khác biệt nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Cũng giống như đại dịch Covid-19, những thảm họa về khí hậu và môi trường cũng gây ra nhiều thiệt hại rất lớn về người và của và đều cho thấy cuộc sống của con người rất mong manh.

Theo đại diện World Bank, những cơn bão nhiệt đới gần đây ở vùng miền Trung Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn là những ví dụ minh hoạ cho sự mong manh, dễ bị tổn thương nếu như không thực hiện phục hồi bền vững. 

“Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau Covid-19. Việt Nam đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, và nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do đại dịch hoặc thảm họa thiên nhiên gây ra”, bà Carolyn Turk cho hay và cũng tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng những chính sách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế một cách bền vững và xanh nhất có thể.

"Đặc biệt, phục hồi bền vững sẽ góp phần xây dựng khả năng phục hồi bền bỉ trước những tổn thương về mặt môi trường cũng như khí hậu cũng như tạo dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, phục hồi xanh cũng giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội về tăng trưởng thông qua mở rộng cơ hội mới, mở ra những cánh cửa để tạo việc làm", bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, World Bank đã đưa ra 2 bài học qua quản lý thành công khủng hoảng Covid-19 có thể được áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường. 

Thứ nhất, cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết.

Thứ hai, ngoài tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể. Đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top