Aa

“Cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam”

Thứ Tư, 15/11/2023 - 11:18

Theo Phó Tổng Giám đốc Sun Group, việc mở rộng đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, đáng sống ra thế giới.

Sáng ngày 15/11, tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không đã có những chia sẻ về thực trạng cùng những khó khăn còn tồn tại của ngành du lịch, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm khôi phục ngành du lịch Việt Nam. 

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings nhận định, mặc dù ngành du lịch có những nỗ lực và kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức. Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế xinh đẹp như đảo ngọc Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… mỗi nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. Đây là những khối tài sản của quốc dân, xã hội, việc làm cho hàng trăm ngàn người trong khu vực du lịch.

“Chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại. Trước dịch, mỗi ngày Vietjet có tới 40 chuyến bay quốc tế tới Nha Trang, nghĩa là khoảng 8.000 phòng khách sạn được lấp đầy, tương tự ở Đà Nẵng, Phú Quốc…”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết. 

Đồng quan điểm, đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, năm 2023, thế giới đối diện với nhiều bất ổn và ngành du lịch Việt Nam không phải là ngoại lệ. Có thể nói, thiên nhiên tươi đẹp cùng di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh - bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC). (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

“Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á”, đại diện Vingroup nhận định. 

Được biết, Vingroup là một doanh nghiệp hoạt động 20 năm trong ngành, bao gồm 45 cơ sở tại 17 tỉnh thành trên toàn quốc với công suất trên 18.500 phòng; 5 sân golf (4 sân golf tại Việt Nam và 1 sân golf tại Australia); 7 khu vui chơi giải trí, công viên chủ đề và Safari, Vinpearl luôn trăn trở với bài toán tự làm mới mình, xây dựng các sản phẩm du lịch có sức hút cao.

Chia sẻ về những thành tựu đã đạt được, đại diện Vingroup cho biết, mới đây, tập đoàn này đã thành công với chuỗi sản phẩm WonderFest, diễn ra vào tháng 6/2023 thu hút hàng chục nghìn du khách đến với Nha Trang. Sau thành công này, WonderFest mùa đông đã được khởi động và sẽ bùng nổ vào giữa tháng 12 tới tại Phú Quốc.

Nói về những định hướng và chiến lược trong tương lai, theo đại diện Vingroup, thời gian tới, Vinpearl dự kiến đầu tư 4 dự án khách sạn, đi cùng với đó là các tổ hợp công viên safari, công viên chủ đề và sân golf trong các dự án phức hợp; đồng thời đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các tên tuổi lớn như Melia và Marriott để nâng tầm cho hệ thống. 

Bên cạnh đó, Vinpearl cũng liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ - thị trường mới nổi gần đây; xây dựng hệ thống đại lý chiến lược rộng khắp, trực tiếp mang thông tin, dịch vụ của Vinpearl nói riêng và các điểm đến đông đảo của du lịch Việt Nam nói chung đến với du khách quốc tế.

Để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc, nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp là chưa đủ và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, đại diện Vingroup đã đề xuất 5 giải pháp, cụ thể: 

Thứ nhất, rất cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Thứ hai, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh  bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... 

“Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặc biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến”, đại diện Vingroup cho biết. 

Thứ ba, cần nâng cao tỷ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.

Thứ tư, xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia.

Thứ năm, cần có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

“Chúng tôi tin rằng với những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương cùng nỗ lực của doanh nghiệp, người dân, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ, lấy lại được vị thế và sức cạnh tranh bền vững trên bản đồ điểm đến của thế giới”, đại diện Vingroup cho hay. 

Là lãnh đạo doanh nghiệp lớn ngành hàng không tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings cũng có một số đề xuất, kiến nghị: “Hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đầu tiên, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, ngay dịp tháng 12/2023 và đầu năm 2024, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vân Đồn, Hải Phòng, Huế,… bên cạnh TP.HCM, Hà Nội. Trong nước phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương. 

Cùng với đó, đề xuất Chính phủ, các bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới thúc đẩy nhu cầu của người dân, du khách.

“Chúng tôi sẵn sàng đưa ra các sáng kiến phát triển du lịch trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới. Xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia”, bà Thảo nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó là đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings bày tỏ sự hy vọng Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không.

Quan trọng là phát triển hoạt động đào tạo, nhất là đào tạo nghề và tăng năng suất, chất lượng trong dịch vụ du lịch. 

“Vietjet sẽ tiếp tục nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chúng tôi tin rằng, phía trước là tương lai tươi sáng cho hàng không du lịch và chúng ta hãy cùng hành động để tương lai ấy đến gần hơn”, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings khẳng định tại Hội thảo. 

Cũng đại diện cho doanh nghiệp du lịch lớn tại Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất một số kiến nghị: 

Thứ nhất, về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ra quốc tế, Bộ VHTT&DL và Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm. Bộ VHTT&DL cần ưu tiên ngân sách cho công tác này. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hàng không tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam tại thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ...

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group nêu đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo Sun Group, ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. 

Thứ hai, về tăng cường hợp tác hàng không, đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… Đồng thời, mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.

Thứ ba, đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…

Cuối cùng, về bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có. Trong khi ở các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan…, loại hình này đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư khá ổn định.

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí. Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống ra thế giới. 

"Vì vậy, cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận", bà Nguyễn Thái Hoài Anh nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top