Aa

Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đại dịch và định hướng tương lai

Thứ Năm, 09/09/2021 - 06:00

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi hoạt động của con người trong đô thị, điều đó cho thấy cần chuyển đổi mô hình đô thị truyền thống sang đô thị thông minh để phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại.

Các thống kê cho thấy, nếu như vào năm 1950, tỷ lệ cư dân đô thị trên toàn cầu mới đạt 30% thì dự kiến vào năm 2040, khoảng 65% dân số toàn cầu sẽ là cư dân đô thị và tới năm 2050 con số đó sẽ đạt ngưỡng 70%.

Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm gần đây, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh từ 19,6% với 629 đô thị năm 2009 lên khoảng 39,3% với 833 đô thị năm 2020. Ngoài những khía cạnh tích cực, cũng đã nảy sinh những vấn đề từ quá trình đô thị hóa. Trong đó phải kể tới sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an toàn xã hội, môi trường và an sinh xã hội. Đặc biệt từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động vô cùng lớn đến kinh tế và đời sống của người dân, làm đảo lộn mọi hoạt động của con người trong đô thị, điều đó cho thấy cần chuyển đổi mô hình đô thị truyền thống sang đô thị thông minh để phù hợp với điều kiện xã hội hiện tại, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành đô thị.

Đô thị thông minh trong bối cảnh mới

Phát triển đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu, có thể giúp các đô thị chống lại những vấn đề tồn tại ngày nay như là tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm suy thoái môi trường, những nguy cơ toàn cầu trong đó có các vấn đề tội phạm ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế... Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam bị tác động mạnh, nhiều chiều và lâu dài. Tuy nhiên, đại dịch cũng mang lại cơ hội hiếm có giúp Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và “sống xanh” trong mọi ngành nghề.

Đô thị thông minh là một khu vực mà ở đó các nguồn lực, tài sản hiện hữu trong thành phố cùng các mặt hoạt động của thành phố được thực hiện hiệu quả và bền vững nhờ sử dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT) cùng các công nghệ thông minh khác.

Đô thị thông minh sử dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin truyền thông. Các thiết bị được kết nối với nhau theo nguyên lý của Internet kết nối vạn vật, nhằm tối ưu hóa quá trình vận hành của đô thị, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tốt nhất cho công dân, gắn kết giữa chính quyền và người dân.

Khu đô thị Ecopark ở phía Đông Thủ đô là một kiểu mẫu điển hình về khu đô thị thông minh và đáng sống
Khu đô thị Ecopark ở phía Đông Thủ đô là một kiểu mẫu điển hình về khu đô thị thông minh và đáng sống.

Nhờ ứng dụng công nghệ cao, người dân sống trong đô thị thông minh có thể tương tác trực tiếp với cộng đồng, ứng dụng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị để theo dõi được những gì đang diễn ra và diễn biến, trưởng thành, tiến bộ, xu hướng vận động của cả đô thị... Với việc quản trị đô thị theo mô hình thông minh giúp nhu cầu của người dân thành phố được đáp ứng tối đa. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các tiêu chí nhận diện đô thị thông minh được xem xét theo 6 tiêu chí nhưng với cách nhìn nhận theo yêu cầu riêng như sau:

Môi trường thông minh: Trong bối cảnh dịch Covid-19 yêu cầu các sinh hoạt, vận hành của đô thị phải được thực hiện theo cách thức dãn cách, sống chậm hơn tạo dấu ấn mới, đặc biệt yêu cầu về giao thông và về chất lượng sống của người dân phải được nghiên cứu đáp ứng. Người dân sẽ hạn chế ra đường, không gian trong khu đô thị cần được quy hoạch theo phương thức tĩnh, các yêu cầu về giao thông không trở nên căng thẳng và việc xanh hóa lối sống sẽ trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của người dân đô thị.

Môi trường thông minh được người dân hướng tới chính là việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng các nguồn lực bền vững. Sự hấp dẫn về điều kiện môi trường với “nhà ở bền vững” và quy hoạch đô thị thông minh được đặc biệt quan tâm.

Đời sống thông minh: Đây chính là các yêu cầu quyết định chất lượng sống của cư dân đô thị, trong đó các cơ sở văn hóa cần được chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang gián tiếp, hệ thống chăm sóc sức khỏe thay đổi từ tập trung sang online hoặc giãn cách; an ninh được quản lý qua các hệ thống giám sát thông minh; ứng dụng công nghệ trong các căn nhà, toà nhà; hệ thống giáo dục, đào tạo cần nhiều thay đổi: từ giáo dục trực tiếp đến giáo dục trực tuyến nhưng làm sao để đảm bảo được chất lượng và giúp các học sinh được tiếp cận với thiết bị thông minh. 

TS.KTS.Lê Thị Bích Thuận, Phó tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam.
TS. KTS.Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Nền kinh tế thông minh: Kinh tế của thành phố thông minh có sức cạnh tranh cao, đó chính là nền kinh tế của đổi mới sáng tạo. Ở đó, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hình thành và vận hành hiệu quả nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu về cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho các vấn đề dân sinh cùng sự đổi mới liên tục các mô hình kinh doanh.

Nền kinh tế thông minh đòi hỏi cần đáp ứng yêu cầu về tinh thần đổi mới sáng tạo, năng suất cao, kết nối mạng lưới toàn cầu và địa phương, sự vận hành linh hoạt của thị trường lao động, từ đó bảo đảm sự cơ động xã hội trong các giai tầng dân cư.

Trong tình hình hiện nay, để thực hiện chống dịch hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân thì nhu cầu làm việc tại nhà, mua hàng ăn tại nhà, học tập tại nhà… là hoạt động rất hiệu quả và cần được phát triển trong đô thị.

Giao thông thông minh: Giao thông thông minh là yếu tố cốt lõi trong các sáng kiến thành phố thông minh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông đô thị. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng rất hạn chế. Các phương tiện công cộng khác hoạt động cầm chừng trong khi đó hệ thống chia sẻ xe ô tô và xe đạp, phương tiện giao thông công cộng tự động và phương tiện giao thông cá nhân được phát huy tối đa.

Chính quyền thông minh: Chính quyền đô thị thông minh gắn liền với việc số hóa các hoạt động của chính quyền và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ đăng ký, cấp phép, cấp giấy chứng nhận mà trước đây chính quyền và người dân phải thực hiện bằng thủ công, gặp mặt trực tiếp dựa trên hệ thống giấy tờ thì đến nay trong bối cảnh dịch bệnh, có thể thực hiện bằng phương tiện điện tử thông qua hệ thống máy tính và điện thoại thông minh. Thêm vào đó, toàn bộ quá trình ra quyết định, sự tham gia của người dân vào quản trị đô thị có thể thực hiện nhờ phương tiện trực tuyến. Các yêu cầu đối với chính quyền thông minh đã có sự tham gia của người dân, qua các phương tiện trực tuyến và qua các hệ thống giám sát thông minh.

Dân cư thông minh: Người dân của đô thị thông minh trong bối cảnh dịch bệnh phải có năng lực cá nhân phù hợp với sự vận hành của đô thị thông minh, có tâm thế sẵn sàng cho việc học tập suốt đời. Người dân có sự đa dạng giai tầng xã hội và chủng tộc sẽ luôn sáng tạo, tư duy mở, trình độ cao và sẵn sàng tích cực tham gia đời sống chung của cộng đồng đô thị.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số là mũi nhọn trong đô thị thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngôi nhà thông minh (smart home) là xu hướng tất yếu

Đô thị thông minh tất yếu tính đến các ngôi nhà thông minh. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc phát triển ngôi nhà thông minh “Smart home” hoặc hệ thống nhà thông minh là điều tất yếu. Ngôi nhà được trang bị hệ thống tự động dành cho điều khiển đèn chiếu sáng, điều chỉnh nhiệt độ, truyền thông đa phương tiện, an ninh, rèm cửa, cửa và nhiều tính năng khác nhằm mục đích làm cho cuộc sống ngày càng tiện nghi, an toàn trong mùa dịch và góp phần sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên.

Nhà thông minh là dùng công nghệ để làm cuộc sống thoải mái hơn, hệ thống đó sẽ giảm khối lượng công việc của con người, giúp con người có nhiều thời gian thư giãn và sử dụng thời gian có ích hơn cho làm việc trực tuyến, chăm sóc gia đình… Trong một căn nhà thông minh, mọi nơi sẽ được kiểm soát bằng các thiết bị điện tử với việc sử dụng các cách giao tiếp riêng như bluetooth, hồng ngoại, sóng siêu âm, wifi,… và các không gian trong ngôi nhà sẽ phải thay đổi so với các không gian truyền thống trước đây.

Trong thực tế, xây dựng một ngôi nhà thông minh có hai vấn đề cần quan tâm đó là các chi phí cao hơn và yêu cầu người sử dụng phải có đủ năng lực để vận hành. Đối với các trang thiết bị tạo nên một ngôi nhà thông minh, chúng ta có nhiều lựa chọn về giá cả về số lượng phù hợp với nhiều chủng loại. Nếu chúng ta muốn nhiều loại chức năng hiện đại thì số sản phẩm và giá thành cũng sẽ tăng theo.

Khi bắt đầu xây dựng ngôi nhà thông minh, có thể sử dụng các sản phẩm cần thiết nhất và đơn giản như cảm biến chuyển động, công tắc thông minh, đèn thông minh… Sau đó có thể đầu tư đầy đủ tính năng thông minh hơn. Nhưng để sử dụng tốt nhất thì yếu tố con người rất quan trọng.

Phát triển đô thị thông minh là xu hướng tất yếu có thể giúp các đô thị chống lại các vấn đề về phát triển đô thị ngày nay.
Phát triển đô thị thông minh là xu hướng tất yếu có thể giúp các đô thị chống lại các vấn đề về phát triển đô thị ngày nay.

 Con người - Yếu tố hàng đầu của đô thị thông minh

Con người là yếu tố quan trọng nhất, vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển đô thị thông minh. Con người phải có đủ năng lực để sử dụng và vận hành đô thị thông minh. Con người trong đô thị thông minh cần được giáo dục và đào tạo có nền tảng tốt để có năng lực về công nghệ thông tin. Các nội hàm đó được thể hiện khi phát triển đô thị thông minh với 3 yếu tố như sau:

Con người phải được đào tạo để trở thành chủ nhân của đô thị thông minh. Phát triển đô thị thông minh phải dựa trên nền tảng hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học và sau đại học. Đây chính là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực và con người thông minh. Các đô thị thông minh cần đạt được khi đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng giáo dục phổ thông, chỉ tiêu số sinh viên trên 1.000 dân, số giảng viên trên 1.000 sinh viên, chỉ tiêu tỷ lệ phòng học đa phương tiện, ứng dụng ICT quản lý giáo dục.

Đô thị thông minh trong thời kỳ Covid-19 cũng cần được chú ý đến các vấn đề về lao động và việc làm, tình trạng lao động việc làm trong đô thị nơi mà tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế. Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp sẽ là những thước đo cho sự phát triển đô thị về lao động và việc làm.

Phát triển đô thị thông minh cần tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đây là yếu tố rất quan trọng. Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số là công nghệ mũi nhọn trong đô thị thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0. Đô thị thông minh thể hiện trong quy hoạch nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin, tỷ lệ lao động ở lĩnh vực thông tin trong các ngành nghề của đô thị.

Phát triển đô thị thông minh là xu hướng tất yếu có thể giúp các đô thị chống lại những vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, những nguy cơ toàn cầu, trong đó có cả vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế… Tại bối cảnh dịch bệnh ngày nay, xu hướng làm việc online yêu cầu tất yếu ứng dụng công nghệ trong các căn nhà, căn hộ, toà nhà, văn phòng… Như vậy cần có con người được đào tạo toàn diện, có năng lực và sử dụng công nghệ tốt. Từ đó, đô thị thông minh trong bối cảnh hiện tại cần được phát triển toàn diện, triển khai đồng bộ hơn nữa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top