Xóa bỏ nghịch lý công viên: Cần mở lối tư duy!

Xóa bỏ nghịch lý công viên: Cần mở lối tư duy!

Thứ Năm, 26/05/2022 - 06:15

Hà Nội đang bị "bê tông hóa" mỗi ngày khiến không gian công cộng ngày càng thu hẹp. Thật khó tin khi hơn 8,5 triệu người dân Hà Nội đang phải chia nhau sử dụng khoảng 63 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, nghĩa là hơn 130.000 người phải chung nhau một khoảng không gian thư giãn.

***

Sự thiếu công năng và xuống cấp nghiêm trọng của nhiều công trình, những bất hợp lý về quy hoạch và quản lý đang khiến cho các công viên, vườn hoa ở Hà Nội không phát huy hết công năng vốn có; dẫn đến nghịch lý là nhu cầu sử dụng của người dân rất cao, nhưng lại vẫn có các công viên, vườn hoa hiện tại rất vắng khách, một số khác thì tập trung quá đông người.

Đầu năm 2022, Hà Nội ban hành kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Trước đó, các công viên, vườn hoa ở Hà Nội đã nhiều lần cải tạo, nhưng bất cập vẫn tồn tại.

CÒN XA MỚI ĐẠT CHUẨN

Vào cuối tuần, các công viên như Thống Nhất, Cầu Giấy, Yên Sở, Thủ Lệ thường có đông người dân đến vui chơi, tập thể dục. Đặc biệt, dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Hà Nội chứng kiến cảnh hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người dân chen chúc nhau ở các công viên lớn một ngày. Theo số liệu của Ban quản lý công viên Thủ Lệ, công viên đón khoảng 150.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi trong hai ngày lễ. Công viên nước Hồ Tây cũng ước tính đón 6.000 lượt mỗi ngày trong dịp lễ. Nhiều người ví von đi chơi Hà Nội dịp lễ như "hành xác".

Công viên Thủ Lệ và công viên nước Hồ Tây ken đặc người vui chơi dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. (Ảnh: Dân trí)

Thực trạng này minh chứng cho nhu cầu vui chơi giải trí ở không gian công cộng của người dân là rất lớn. Thế nhưng số lượng công viên, vườn hoa ở Hà Nội còn xa mới đạt chuẩn của ngành Xây dựng (đặt ra tối thiểu là 2m2 cây xanh/người, đô thị đặc biệt là 7m2/người).

Theo số liệu Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội đô hiện có 63 công viên, vườn hoa, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất, trong khi dân số hơn 8,5 triệu người. Như vậy có nghĩa là hơn 130.000 người mới có một công viên/vườn hoa. Một tỷ lệ thấp đến mức khó tin!

Riêng bốn quận trung tâm có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, chia cho đầu người thì chỉ đạt 2,08m2/người. Tỷ lệ đất vườn hoa, sân chơi ở quận Hai Bà Trưng là cao nhất, cũng chỉ chiếm 12,83% diện tích.

Quận Hoàn Kiếm có khoảng 14 vườn hoa. Trong khi theo số liệu từ Tổng điều tra dân số lần 5, mật độ dân số quận Hoàn Kiếm đạt gần 40.000 người/km2 và không gian xanh cho mỗi người dân chỉ có hơn 0,1m2. Tính riêng khu vực phố cổ còn hạn hẹp hơn, khi gần 7 vạn người chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành (phường Cửa Đông) diện tích gần 1.000m2.

Người dân Hà Nội luôn có nhu cầu vui chơi giải trí ở các công viên. (Ảnh: Ngọc Anh)

KTS. Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án "Thành phố sống tốt" thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, bình quân mỗi người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người trong khi các thành phố trên thế giới đạt mức 9m2/người. Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới theo kịp các thành phố phát triển trên thế giới.

NGHỊCH LÝ "THIẾU VẪN THỪA"

Hầu hết các công viên lớn ở Hà Nội như Thống Nhất, Cầu Giấy, Hòa Bình, Nghĩa Đô… đều có tường rào bao quanh, điều này góp phần hạn chế người dân tiếp cận công viên dù rất muốn. 

KTS. Nguyễn Trần Bắc - Đồng sáng lập Ashui.com, người thường xuyên qua lại công viên Thống Nhất, khi nói về vấn đề lãng phí ở các công viên tại Hà Nội, kiến trúc sư tỏ ra buồn và tiếc cho một công viên lớn  Thủ đô nhưng còn nhiều vấn đề.

"Lẽ ra công viên phải là nơi người dân thường xuyên đến để hưởng những tiện ích của nó nhưng hiện tại công viên Thống Nhất nói riêng và hầu hết các công viên ở Hà Nội nói chung đều không thu hút được người dân sử dụng nhiều. Họ luôn khao khát không gian hít thở, thư giãn nhưng lại ngần ngại, bởi giao thông bất tiện, rào chắn khắp nơi, bất cập về thu phí, hoặc có thể bị ám ảnh tệ nạn xã hội hay thậm chí vì công viên... không có gì hay", KTS. Nguyễn Trần Bắc bày tỏ.

Công viên Thống Nhất ngày thường thưa thớt người dân đến vui chơi, thể dục. (Ảnh: Thu Ngà)

KTS. Nguyễn Trần Bắc cũng chia sẻ thêm: "Công viên Thống Nhất gắn bó với tôi từ nhỏ và mấy chục năm qua gần như không thay đổi. Thậm chí còn tệ hơn xưa vì các công trình trong công viên phần lớn đã xuống cấp. Khu nhà thuyền cải tạo thành quán cà phê, tư nhân hóa là điểm nhấn mới mẻ duy nhất. Chỉ có một số thay đổi nhỏ là tại đây đã lát lại gạch, sửa ốp bao quanh khuôn viên thảm cỏ, hay trang hoàng trong dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". 

Để ghi nhận hiện trạng của công viên Thống Nhất, chúng tôi có mặt tại đây từ sáng sớm. Dù thời tiết cũng rất đẹp, song chỉ thấy lác đác một vài người dân chạy bộ, một nhóm các cụ tập dưỡng sinh... Trên con đường lớn chạy vòng quanh công viên, thi thoảng chúng tôi lại gặp những đoạn sụt lún, hay những hố ga nằm chồi hẳn lên mặt đường.

Qua nhiều lần cải tạo, công viên Thống Nhất vẫn không tránh khỏi những hình ảnh nham nhở. (Ảnh: Thu Ngà)

Đặc biệt, rất nhiều hạng mục là các trò chơi dành cho trẻ em đã bị xuống cấp nghiêm trọng như nhà tròn, đường ray tàu điện... Khu vực cầu trượt thì bong tróc, cầu thang bước lên thì nứt vỡ, có thể sập bất kỳ lúc nào. Trò chơi phi thuyền thì phủ bạt đã lâu.

Nhiều công trình vui chơi tại đây đã không còn sử dụng được. (Ảnh: Thu Ngà)

Hiện tại công viên Thống Nhất dường như chỉ còn được một số người dân xung quanh đây đi tập thể dục, các cụ già đi bộ, tập dưỡng sinh hay ra vào mỗi sáng chiều. Có một sân gạch granit thì mấy nhóm thanh thiếu niên đá bóng, chơi skateboard, trượt patin thường xuyên tranh nhau. Còn những công trình vui chơi dành cho thiếu nhi như tàu điện, khu cầu trượt, ngựa xoay... thường chỉ đông khách vào cuối tuần. Có thời gian tại đây mở ra khu trò chơi Sega thì nay cũng đã đóng cửa.

Lần ngược lại lịch sử, công viên Thống Nhất được khởi công vào năm 1958, biến vùng đầm hồ bãi rác thành công viên lớn nhất Hà Nội với diện tích hơn 50ha. Công viên nằm giữa 4 phố: Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Đại Cồ Việt và Nguyễn Đình Chiểu, có rất nhiều lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt đường Trần Nhân Tông. 

Thời điểm mới xây dựng công viên có đa dạng các trò chơi dành cho thiếu nhi với đu quay chạy điện, máy bay trên khung sắt, tàu hỏa, ngựa xoay và nhà gương biến dạng hấp dẫn bao bạn nhỏ thế hệ 5x, 6x, 7x. Song những điều trên đã trở thành quá khứ, thế hệ 9x và đặc biệt là sinh sau năm 2000 trở lại đây thì không còn mặn mà với công viên này.

Rào chắn bất tiện nên phần lớn những người đi thể dục mới hay vào công viên Thống Nhất. (Ảnh: Thu Ngà)

Câu chuyện thiếu thừa không chỉ của riêng công viên Thống Nhất. Tương tự, hàng loạt các công viên vườn hoa, dù có từ lâu hay mới xây dựng đều đang lâm vào tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc bị người dân "bỏ rơi". Một trong số đó là công viên Cầu Giấy.

Năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã đầu tư, cải tạo công viên Cầu Giấy thành khu vui chơi tổng hợp dành riêng cho trẻ em. Sau khi hoàn thành công viên Cầu Giấy có 3 khu vực gồm: Khu vui chơi cho trẻ em, khu thể dục thể thao, khu hồ nước và quảng trường. Thời điểm đó, đây là điểm đến lý tưởng, niềm tự hào của nhân dân quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì nhiều hạng mục tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa. Nhiều đoạn đường lát gạch đã bị vỡ vụn mà chưa được thay mới, tạo thành những cái bẫy nguy hiểm cho người đi bộ. Đặc biệt, khu vui chơi cho trẻ em gần như trở thành "phế tích" khi thảm cỏ bị hư hỏng, các trò chơi như cầu trượt, zip-line... đều không thể sử dụng.

Các hạng mục vui chơi tại công viên Cầu Giấy xuống cấp nên không còn thu hút được trẻ nhỏ. (Ảnh: Thu Ngà)

Công viên hồ Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) cũng là địa điểm vui chơi, tập thể dục của rất nhiều người dân trong khu vực. Tuy đã chi đến 10 tỷ đồng cho việc cải tạo vào năm 2019, song đến nay nhiều hạng mục đã nhanh chóng xuống cấp: Đường lát đá bong tróc, khu nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường.

Bà Nguyễn Thị Liên, người dân phường Tân Mai cho biết, bà hay tới đây tập thể dục mỗi sáng. "Tôi phải chọn góc để tập hay đi bộ chứ nhiều chỗ đường đi bong tróc gồ  ghề, rác thải, kim tiêm là tôi không dám đi vào", bà Liên chia sẻ.

Cảnh tượng xấu xí trong công viên hồ Đền Lừ. (Ảnh: Thu Ngà)

Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng là một trong những công viên có diện tích siêu rộng, thu hút chủ yếu các bạn trẻ đến picnic, vui chơi cuối tuần. KTS. Nguyễn Trần Bắc cho biết, thiết kế công viên này dở ở chỗ đi mỏi chân không tìm được một ghế đá nghỉ chân. Các công trình vui chơi giải trí cũng ít, cũ kỹ và kém hấp dẫn, nên lượng người đến công viên hằng ngày rất ít. Chỉ vào những dịp cuối tuần hay lễ tết, công viên mới trở nên đắc dụng khi nhiều gia đình mang lều đến cắm trại.

Công viên Tuổi Trẻ (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) thì vừa rơi vào cảnh nhếch nhác vừa bị "xẻ thịt" nghiêm trọng. Công viên này có diện tích 26ha, từng được xem là công trình trọng điểm của Thủ đô, nhưng việc duy trì, phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng. Các điểm kinh doanh dịch vụ như: Nhà hàng tiệc cưới, quán cà phê, siêu thị, quán karaoke, sân bóng đá... đều đã chiếm dụng những góc đẹp nhất tại đây. Người dân khi muốn tham gia hoạt động thể dục thể thao bị "ép" ra những vị trí xấu xí, bất tiện. Thêm vào đó, một số bãi xe hoạt động từ lâu, người già, trẻ em không dám vào công viên tập thể dục do có thời điểm xe cộ đông hơn ngoài đường.

Tình trạng nhếch nhác này đã được phản ánh từ lâu, song đến nay vẫn tồn tại. (Ảnh: Thu Ngà)

Công viên Tuổi Trẻ cũng từng có các điểm vui chơi trong nhà và ngoài trời song tới nay thì những máng trượt nước, bể bơi ngoài trời, vòng quay mặt trời trên cao, xích đu, nhà bóng… đều đã trở thành “phế tích”. Đặc biệt, công viên nước ở đây chỉ tạo hứng khởi vài năm ngắn ngủi cho người dân, rồi nhanh chóng bị bỏ hoang trở thành khuôn viên thả cá, hoa súng của các quán bia, cà phê…

Việc người dân "bỏ rơi" các công viên chính là điều lãng phí lớn nhất. Song làm thế nào để thu hút người dân trở lại?

PHÁ RÀO CHO CÔNG VIÊN

Mới đây trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội định hướng nghiên cứu công viên Thống Nhất theo hướng mở, không thu vé vào và có thể bỏ hàng rào để người dân dễ tiếp cận.

Chị Đặng Thị Kim Chi (nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa) chia sẻ, dù nhà khá gần công viên, song ba mươi năm qua số lần chị đến công viên không nhiều. Ký ức của chị là những trò chơi cũ kỹ, những con đường tối mò mò và cả những gã nghiện. Rào chắn cũng khiến chị phải đi vòng. Tuần trước con gái chị bảo bé đang làm văn về một buổi đi chơi công viên nên chị dành ra một buổi để dẫn con đi nhưng mới được khoảng 20 phút thì cháu đòi về vì... chán!

Khi được hỏi về chủ trương cải tạo công viên, chị vui vẻ cho biết: "Nếu công viên dỡ bỏ rào chắn và thêm nhiều dịch vụ, khu vui chơi hơn, chắc chắn mình sẽ phải đưa con đi thường xuyên rồi, hiện tại các con đang thích các khu vui chơi trong nhà vì có nhiều trò chơi, nhưng mình nghĩ chơi ở công viên sẽ tốt hơn".

KTS. Nguyễn Trần Bắc rất ủng hộ kế hoạch cải tạo công viên của TP. Hà Nội. "Công viên theo hướng mở là xu hướng chung của thế giới. Các nước văn minh đã làm và quản lý tốt thì Việt Nam nên học hỏi. Công viên hoạt động từ thuế của người dân, thì không nên ngăn cản người dân toàn quyền thụ hưởng. Nếu bỏ hàng rào chắc chắn người dân sẽ tham gia nhiều hơn. Khi đó công viên sẽ không còn các góc khuất hoang hóa cũng như hạn chế được các đối tượng xấu", KTS. Nguyễn Trần Bắc chia sẻ.

Theo TS. KTS. Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) việc dỡ rào chắn là đảm bảo quyền lợi cho người dân. "Công viên là không gian chung mà Nhà nước tạo ra phục vụ cho nhân dân. Khi hàng rào được dỡ bỏ, người dân sẽ tiếp cận sử dụng công viên được dễ dàng hơn. Đây chính là cách tránh lãng phí không gian công cộng hiện nay".

TS.KTS. Trương Ngọc Lân cho rằng, công viên Thống Nhất hiện vẫn đang là lá phổi xanh hữu ích, đồng thời có ích cho việc tránh bê tông hóa, tránh ngập lụt, tức là vẫn giải quyết tốt vấn đề cảnh quan và môi trường cho thành phố, cũng vẫn là nơi để luyện tập thể thao, giải trí của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, nó chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là ở khía cạnh phục vụ nhu cầu của người dân.

Lý giải nguyên nhân, TS.KTS. Trương Ngọc Lân cho hay, một phần do kiến trúc quy hoạch chưa hợp lý, một phần do quản lý chưa tốt. Một số công viên trong khu đô thị hay công viên nhỏ nội đô, phục vụ một cụm dân cư nhất định thì không có hàng rào, do đó người dân dễ dàng tiếp cận và khai thác được công năng của nó, trở thành nơi thư giãn, hưởng thụ, thể dục thường xuyên. Còn các công viên lớn, quan trọng của thành phố như công viên Thống Nhất, do quây rào kín và giải pháp thiết kế chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân nên không nhiều người đến thường xuyên.

(Ảnh: Ngọc Anh)

Để công viên này trở nên hữu ích, các nhà quản lý nên bỏ hàng rào, sau đó chỉnh trang lại không gian cảnh quan, khu dịch vụ, đường đi, chiếu sáng... "Giải pháp quan trọng là thay đổi thiết kế làm sao để mọi không gian của công viên được tận dụng tối đa, mọi chỗ đều có người qua lại, tránh tình trạng hoang hóa, lãng phí. Bên cạnh đó, hạ tầng và không gian dịch vụ cần tiện nghi hơn, từ chỗ ngồi nghỉ chân, đèn đường đến không gian dịch vụ cần thiết kế lại cho phù hợp, tránh mất thẩm mỹ, xấu cảnh quan như hiện nay", TS.KTS. Trương Ngọc Lân chia sẻ.

KTS. Nguyễn Trần Bắc cũng gợi ý giải pháp quản lý khi dỡ phần tường rào theo lối mở: "Chúng ta cần thêm hệ thống chiếu sáng, lắp camera, tăng cường quản lý bằng công nghệ. Công viên mở sẽ có nhiều hướng tiếp cận, nên cần bố trí các bãi đỗ xe ngăn nắp, hợp lý. Mặt khác, khi mở ra, toàn bộ người dân, đặc biệt là người dân khu vực xung quanh sẽ cảm nhận được sinh khí mới, giá trị mới, từ đó ý thức được việc giữ gìn và phát triển".

Bàn về việc cải tạo công viên cần sự chung tay của xã hội, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc mở rào là cần thiết nhưng phải tính đến cả câu chuyện quản lý sau đó. Nên chăng chúng ta có thể thí điểm xã hội hóa ở một số công viên lớn, để mỗi người dân cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn và phát triển các công trình chung này. Ông Bùi Văn Doanh giải thích thêm, chính quyền vẫn quản lý nhưng có thể giao cho mỗi đơn vị vận hành dịch vụ ở một công viên nhất định, như thế trong công viên sẽ có các dịch vụ thống nhất, không bị băm nhỏ như hiện tại. Người dân vào cửa tự do, sử dụng dịch vụ là đóng góp cho Nhà nước nguồn thu để tái đầu tư, cải tạo công viên.

Trên thực tế, công viên hồ Đền Lừ dù diện tích khá hẹp, và nhiều hạng mục xuống cấp, nhếch nhác song dường như lại đang "hút khách" nhất trong số các công viên nội đô. Mỗi sáng có thể thấy người dân xung quanh "nườm nượp" vào công viên để hít thở, chạy bộ, tập yoga... Có lẽ vì công viên này không có hàng rào mà chỉ được quây bằng một hàng gạch tầm 20cm.

Cũng theo các kiến trúc sư, để công viên hấp dẫn, thu hút được người dân thì bên cạnh việc mở hàng rào, cơ quan quản lý cần có thêm các biện pháp cải tạo, thay thế, xây mới những công trình đã cũ nát, hư hỏng. Có thể tạo thêm những sân bóng mini, sân tennis (có thu phí)... để người dân được sử dụng. Và tốt nhất, hãy nhìn sang các khu đô thị lớn ở miền Bắc để học cách quản lý của họ. Hay có thể học TP.HCM, lắp camera và loa phóng thanh ở những điểm nóng, thì việc quản lý công viên sẽ hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc cải tạo công viên theo hướng mở cần mở rộng ra ở các công viên khác, điều này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Hà Nội đang quá chật chội và "khủng hoảng" không gian xanh, không gian kết nối cộng đồng.

CÔNG VIÊN TRONG MƠ - TẠI SAO KHÔNG?

Về việc có nên xây mới các công viên ở Hà Nội, KTS. Nguyễn Trần Bắc tỏ ra hào hứng và cho rằng, TP. Hà Nội nên khẩn trương lấy những khu đất lưu không, quy hoạch những khoảng đất hiện đang bị bỏ hoang ở các vùng ven để biến nó thành công viên, vườn hoa bởi nếu không nhanh tay, rất có thể nó sẽ nhanh chóng bị phân lô bán nền, hoặc bị "giữ đất" hoang hóa gây lãng phí tài nguyên đất.

Bên cạnh đó, khi được hỏi về công viên trong mơ ở Hà Nội, KTS. Nguyễn Trần Bắc cũng chia sẻ ý tưởng xây một công viên hoang dã phía ngoài đê sông Hồng, kéo dài từ khu vực Cầu Thăng Long cho đến Cầu Thanh Trì: "Sẽ là một công viên dài khoảng 15km, đầy cây xanh cùng những con đường uốn lượn dọc bờ sông, có cả động vật sống tự do, hòa hợp với thiên nhiên. Nó sẽ tạo nên một cảnh quan đẹp, biến Hà Nội thành nơi đáng sống".

Cũng theo KTS. Nguyễn Trần Bắc, TP. Hà Nội có thể học tập công viên High Line ở New York (Mỹ). High Line vốn là công trình đường sắt trên cao có từ thập niên 1930, có độ dài hơn 2km và hình thù cong lượn hay thậm chí xuyên qua các khu nhà và cao ốc, giữa đại lộ số 10 và 11 ở khu phía Tây Manhattan. Mặc dù không thể rập khuôn, nhưng chúng ta có thể học lấy tinh thần của họ, khi đã dám biến một thứ tưởng như khô khan nhất thành nơi thư giãn đáng giá nổi tiếng cả thế giới.

High Line vốn là công trình đường sắt trên cao có từ thập niên 1930, hiện là công viên trên cao nổi tiếng của Mỹ. (Ảnh: KTS. Nguyễn Trần Bắc)

Tuyến đường sắt này ngưng hoạt động vào năm 1980. Năm 2004, tổ chức phi lợi nhuận Friends of the High Line đã đứng ra tổ chức cuộc thi thiết kế. Năm 2014, High Line đã chính thức mở cửa và trở thành một con đường xanh dài 1,45 dặm với hơn 500 loài thực vật và cây cối, một công viên tuyệt vời nằm trong lòng TP. New York.

Chúng ta có thể học tinh thần của các KTS. Mỹ khi họ đã biến một đường sắt hoang phế trên cao thành nơi dạo chơi đáng giá nổi tiếng cả thế giới. (Ảnh: KTS. Nguyễn Trần Bắc)

Chia sẻ về việc có cần thiết xây dựng các đại công viên, TS.KTS. Trương Ngọc Lân cho rằng, trước khi tính đến việc xây công viên lớn hay nhỏ thì phải xác định đối tượng phục vụ: "Trong nội thành thì công viên chỉ nên vừa phải, xét đến yếu tố giao thông thì không phù hợp để xây lớn, nên cân nhắc các công viên, vườn hoa nhỏ phục vụ cụm cư dân nhất định sẽ hữu ích hơn là tính đến các dự án lớn bởi nguy cơ lãng phí rất cao. Công viên trung tâm New York Mỹ là công viên lớn trong nội thành cũng chỉ tầm 200ha".

Bên cạnh đó cũng có thể quy hoạch một loại công viên lớn nữa ở ngoại ô để đáp ứng nhu cầu cắm trại, thư giãn cuối tuần, trekking, nhu cầu trải nghiệm hoang dã, có thể rộng hàng nghìn héc-ta. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy hoạch chuẩn chỉ, làm tới cùng, tránh giữa đường bỏ dở như một số công viên đang đắp chiếu hiện nay. Sự phân bố, thiết kế công viên nên phù hợp với từng nhu cầu, đối tượng.

Hà Nội đã và đang có những công viên lớn, song thật vô lý khi mà đa số người dân lại hững hờ, ngại đi công viên vì những lý do không đáng. (Ảnh: Ngọc Anh)

Vấn đề quy hoạch, phát triển các công viên, vườn hoa, tạo dựng cảnh quan là một điều hết sức quan trọng và cần thiết ở các đô thị lớn. Hà Nội đã và đang có những công viên lớn, song thật vô lý khi mà đa số người dân lại hững hờ, ngại đi công viên vì những lý do không đáng.

Trước kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TP. Hà Nội, người dân có quyền hy vọng và đang rất trông chờ vào những quyết sách của lãnh đạo thành phố. Việc đổi mới các công viên ở Hà Nội và câu chuyện quản lý, sử dụng đất hiệu quả trong các công trình công cộng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top