Aa

Xu hướng chuyển động của dòng tiền

Thứ Hai, 07/12/2020 - 13:43

Sự chuyển động của dòng tiền vừa là kết quả, vừa là tác nhân của yếu tố lãi suất, chuyển từ kênh lãi suất thấp lên kênh lãi suất cao. Xu hướng chuyển động dòng tiền hiện nay ra sao?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau 11 tháng năm 2020 tăng 0,08% - thuộc loại thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao trong 11 tháng đầu năm đang có xu hướng giảm. Giá dịch vụ giáo dục tăng cao vào đầu năm học, nay tăng chậm lại. Còn giá xăng dầu gần đây tăng cao, nhưng do 10 tháng đầu năm giảm sâu (13,38%), nên tính chung cả năm sẽ vẫn giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế 11 tháng tăng 2%, nhưng nếu trừ yếu tố giá thì giảm 2% - ngược chiều với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 9,1%). Điều đó chứng tỏ, tiêu dùng giảm thì CPI khó có thể tăng, làm cho dòng tiền chuyển động vào kênh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng không tăng, thậm chí không ít người còn rút vốn ra, trả lại các cửa hàng đã thuê, bán khách sạn, bán công trình đầu tư…

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục giảm đến mức khá thấp so với nhiều năm qua, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp xa so với cùng kỳ và so với định hướng cả năm.

Giá vàng tăng phi mã bắt đầu từ năm 2019, đến đầu tháng 8/2020 đã vượt xa đỉnh cách đây 10 năm khi giá vàng thế giới đạt 2.087 USD/ounce, giá vàng trong nước đạt 62 triệu đồng/lượng. Nhiều dự báo trước đó từ quốc tế đến trong nước cho rằng, giá vàng thế giới có thể lên đến 2.500 - 3.000 USD/ounce và giá vàng trong nước có thể lên đến 70 - 80 triệu đồng/lượng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/lượng.

Người viết đã cho rằng, đó là những dự báo khủng sẽ gây tác hại khủng và đưa ra dự đoán, giá đỉnh vàng trong nước năm 2020 chỉ ở mức 60 triệu đồng/lượng. Thực tế, sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 8, giá vàng đã liên tục trồi sụt và giá vàng trên thế giới hiện chỉ còn trên dưới 1.850 USD/ounce, giá vàng trong nước chỉ còn trên dưới 56 triệu đồng/lượng.

Người viết cho rằng, giá vàng tới đây có tác động bởi 2 sự kiện lớn. Trên thế giới, đó là kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Ở trong nước, đó là tỷ giá VND/USD, sau mấy năm tăng thấp và giảm, có thể tăng trở lại, khi tỷ giá thương mại đã chuyển sang mang dấu âm (tỷ giá thương mại mang dấu âm thì nhập khẩu có lợi, xuất khẩu gặp bất lợi). Tỷ giá VND/USD tăng sẽ làm cho giá vàng ở trong nước tính bằng VND sẽ tăng.

Tuy nhiên, gần đây, tỷ giá VND/USD trung tâm giảm và giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Hơn nữa, lượng tiền khủng do các nước trên thế giới đưa ra (lên đến gần 20.000 tỷ USD, chiếm tới 23% GDP toàn cầu) sẽ làm cho lạm phát thế giới tăng và vàng sẽ là nơi trú ẩn của dòng tiền. Như vậy, giá vàng vẫn có 2 xu hướng ngược nhau, từ nay đến hết năm, các xu hướng trên vẫn chưa rõ rệt.

Ảnh minh họa.

Giá USD sau 11 tháng năm 2020 chỉ tăng 0,14%, bình quân 11 tháng giảm 0,02%. Với việc giảm tỷ giá VND/USD mới đây, khả năng năm 2020 sẽ là năm thứ hai liên tiếp giá bình quân giảm. Với diễn biến giá USD như trên, với dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục, sẽ góp phần làm cho lòng tin vào đồng tiền quốc gia tăng lên, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm thiểu…, thì việc đầu tư vào ngoại tệ sẽ không hiệu quả, hoặc nếu có lãi thì thấp hơn việc gửi tiết kiệm.

Giá bất động sản gần đây tăng lên ở một số nơi, một số loại sản phẩm, một mặt do giá vàng giảm, do nhu cầu đầu tư xây dựng đón lõng kinh tế dần hồi phục khi Covid-19 được kiểm soát tốt hơn… Tuy nhiên, giá tăng chỉ ở một số nơi, một số loại sản phẩm, chứ xét trên mặt bằng chung thì mới chỉ tăng nhẹ gần đây; một số nơi, một số loại sản phẩm không tăng, thậm chí còn giảm.

VN-Index sau khi trồi, sụt trong những tháng đầu năm, từ tháng 9, tháng 10 đến nay có xu hướng tăng lên và đang tiến đến vượt qua mốc 1.000 điểm, thậm chí có thể cán mốc đỉnh điểm đã đạt trước đây. Đây là kết quả, cũng là tín hiệu, tiền đề cho việc hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, VN-Index chưa thể bốc cao, khi Covid-19 vẫn bùng phát trở lại ở nhiều nước…

Lãi suất tiết kiệm, về danh nghĩa, bảo đảm an toàn và phù hợp với những đối tượng, những khoản tiền lớn tạm trú khi chờ cơ hội đầu tư, chưa biết đầu tư vào đâu hoặc không dám đầu tư; lại có lãi suất thực trong nhiều năm. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, lãi suất tiết kiệm đã giảm xuống, do CPI tăng thấp, ngân hàng thương mại đang “thừa tiền”, tốc độ tăng tín dụng thấp hơn cùng kỳ năm trước và thấp xa so với định hướng cả năm… Lãi suất tiết kiệm chưa có khả năng tăng lên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top