Aa

Bất động sản du lịch và kỳ vọng “lên hương“ nhờ những xu hướng mới hậu Covid-19

Hoàng Trang
Hoàng Trang hoangtrang.98ajc@gmail.com
Thứ Hai, 20/12/2021 - 06:15

Bối cảnh mới đặt ra cho bất động sản du lịch phải có sự thay đổi về tư duy phát triển, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, 3 quý đầu năm 2021, có khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán, tỷ lệ hấp thụ lên đến 30 - 40%. Đây được coi là tỷ lệ khá cao trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Các chuyên gia đánh giá, sang đầu năm 2022, thị trường bất động sản du lịch sẽ khởi sắc hơn nhờ những nhu cầu mới xuất hiện trên thị trường. Đây cũng sẽ tiếp tục là thị trường hút dòng vốn đầu tư dài hạn với những sản phẩm bài bản, đồng bộ của các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, những khó khăn trên thị trường vẫn tồn tại, đặc biệt liên quan đến vấn đề pháp lý, thủ tục khiến tiến độ nhiều dự án bị đình trệ, gây lãng phí nguồn lực, đồng thời tại không ít dự án, mức độ rủi ro vẫn cao do chưa làm rõ được hình thức sở hữu, ảnh hưởng đến các giao dịch mua bán trên thị trường. 

Xu hướng "du lịch để tái tạo cuộc sống" dẫn dắt thị trường

Với kinh nghiệm 12 năm nghiên cứu bất động sản du lịch, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNGroup nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng là dòng sản phẩm mang tính thời đại, có sự phù hợp và bền vững trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Thành khẳng định, khi đại dịch được kiểm soát thì số lượng người mong muốn đi du lịch sẽ càng lớn. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng đã bắt đầu có sự thay đổi, không chỉ đơn thuần là tham quan, giải trí mà chú trọng hơn đến nhu cầu thư giãn, chăm sóc sức khoẻ, trải nghiệm văn hoá, nghỉ dưỡng một cách thực chất hơn. 

Đặc biệt, với khách du lịch nước ngoài, họ thường có xu hướng đi du lịch với phương châm tận hưởng sự thoải mái một cách đúng nghĩa, nên từ cách mang hành lý đến việc chọn địa điểm nghỉ dưỡng đều có sự khác biệt. Điều này đặt ra cho các chủ đầu tư phải có những đổi mới trong chiến lược phát triển các mô hình kinh doanh sao cho phù hợp với nhu cầu khách hàng của mình.   

“Những người có kinh nghiệm và hiểu biết về du lịch thường chọn những nơi có nhiều di tích lịch sử, cảnh quan yên bình, có hệ thực vật hoang sơ. Du lịch là để tái tạo cuộc sống. Những chuyến du lịch này sẽ mang đến sự kết nối tình yêu thương và cảm xúc cho gia đình. Mỗi chuyến du lịch kết thúc sẽ để lại cho du khách nhiều giá trị. Đây là xu hướng mà các chủ đầu tư hướng đến sau đại dịch”, đại diện VNGroup nói.

Bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe
Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe ngày càng được ưa chuộng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, thay vì đi du lịch một cách vội vàng, bó hẹp thời gian, khách hàng hiện nay hướng tới việc đi du lịch nhằm thư giãn, chăm sóc sức khỏe, đề cao sự thoải mái mà không bị bó buộc. Để làm được điều này, các nhà đầu tư phải hiểu được tâm lý khách hàng, thị hiếu của thị trường để phát triển bất động sản theo xu hướng đa dạng, sáng tạo. 

"Bất động sản du lịch nên hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đối với các cơ sở ở địa phương nên áp dụng văn hóa bản địa đưa vào không gian kiến trúc của khu nghỉ dưỡng hay biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống để thu hút khách hàng. Đặc biệt, các khu vực miền núi phía Bắc có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ nên nếu những khu vực này được khai thác tốt sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cả các khu vực ven biển", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Bất động sản nghỉ dưỡng miền núi
Bất động sản nghỉ dưỡng miền núi lên ngôi

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, các khu nghỉ dưỡng tại nông thôn, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, các khu vực vành đai thành phố… đều có nhiều tiềm năng, tuy nhiên còn đang bị bỏ ngỏ và chưa được khai thác. Trong khi các sản phẩm nghỉ dưỡng cuối tuần còn đang thiếu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh không thể di chuyển xa, có thể biến những khu vực này thành những khu nghỉ dưỡng cuối tuần phục vụ nhu cầu nghỉ ngắn, đi lại trong ngày của cư dân đô thị.

Để làm bất động sản nghỉ dưỡng, ngoài tiềm lực về tài chính, nhà đầu tư cần hiểu về xu hướng và sản phẩm, nếu không sẽ cho ra các sản phẩm không phù hợp. Nhiệm vụ của nhà đầu tư là khai thác và tận dụng tối đa các thuận lợi về điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông, di tích lịch sử, văn hóa bản địa và các tiện ích nội khu của dự án… hơn nữa phải theo hướng gìn giữ và bảo tồn thì các dự án sẽ có khả năng thành công cao.  

Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển bất động sản du lịch

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch Việt Nam được xem là một hiện tượng, không ngừng tăng trưởng liên tục và ghi nhận kỳ tích đột phá và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Theo đó, bất động sản du lịch cũng có sự phát triển mạnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, do pháp luật vẫn "đi sau" nên bất động sản du lịch thời gian qua vẫn chưa phát triển tương xứng với các tiềm năng. Mặt khác, sự phát triển ồ ạt trong bối cảnh thiếu khung pháp lý điều chỉnh đã dẫn đến có thời điểm các sản phẩm bất động sản du lịch có dấu hiệu bão hoà, dư thừa. Việc đầu tư chưa thật sự đặc sắc, chưa bắt kịp được xu hướng du lịch hiện nay khiến cho lợi nhuận thu được không hấp dẫn.

Chủ tịch VNGroup Vũ Văn Thành cũng nhìn nhận, nếu so sánh trong khu vực, từ số lượng các dự án cho đến các căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn, resort… thì Việt Nam chỉ đạt khoảng 35% của Thái Lan mặc dù chúng ta có điều kiện, lợi thế hơn rất nhiều để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo ông Thành, dịch bệnh khiến cho các hoạt động giao dịch bị chững lại nhưng cũng là một giai đoạn giúp hạn chế bội cung, tạo “lằn ranh đỏ” cảnh báo những cá nhân, doanh nghiệp tay ngang không có nghề mà đi làm bất động sản. Hầu như các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trước khi đầu tư thường không nghiên cứu về sản phẩm, thị trường cũng như đối tượng khách hàng là ai… nên đa phần làm xong các dự án bị "mắc cạn", không thể vận hành hoặc nếu vận hành thì cũng lỗ và lại rao bán.

Để thị trường sẵn sàng bước vào chu trình phát triển ổn định mới, vấn đề đặt ra là phải có các yếu tố “cần và đủ” cũng như phải hoàn thiện các yếu tố này sớm nhất để bất động sản nghỉ dưỡng có thể hồi phục và bứt phá trong trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, "để thúc đẩy phát triển ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia, dựa trên tầm nhìn của từng địa phương để phân bổ mô hình phát triển các loại hình du lịch cụ thể sao cho phù hợp với từng khu vực xây dựng". 

Nguyễn Mạnh Hà, Bất động sản nghỉ dưỡng
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản du lịch có thể phát triển "lên hương" trong thời gian tới hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn của các chủ đầu tư trong việc đưa ra các chiến lược, kế hoạch thu hút khách hàng phải mang tính đặc sắc và có sự khác biệt, độc đáo. Các mô hình du lịch phải được thay đổi mới mẻ và kết hợp phát triển đa mục tiêu.

Hơn nữa, năng lực triển khai các dự án của các chủ đầu tư cũng không kém phần quan trọng. Các nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, triển khai dự án một cách chuyên nghiệp và bài bản để những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng phát triển theo đúng xu hướng đã định ra, đem lại hiệu quả thực sự khi đưa vào sử dụng.

Ông Hà cũng cho hay, các dự án nghỉ dưỡng thường là đất thương mại, dịch vụ chỉ có thời hạn sử dụng là 50 năm. Tuy nhiên, thời gian từ lúc triển khai, quy hoạch và giao đất nhiều khi mất đến hàng chục năm tương đương với khoảng 20% thời gian của dự án. Đến lúc có thể bán sản phẩm thì chỉ còn khoảng 30 năm thì làm sao có thể thu hút được khách hàng, các chủ đầu tư vào kinh doanh được. Do đó, cần phải đẩy nhanh vấn đề thủ tục, pháp lý để tháo gỡ cho các dự án đầu tư bất động sản du lịch. 

“Thực tế là bất động sản nghỉ dưỡng phát triển quá nhanh dẫn đến các cơ chế chính sách quản lý, thúc đẩy không theo kịp… Trong bối cảnh mới, chúng ta cần phải sửa đổi các chế độ chính sách, các luật pháp sao cho việc quản lý là để thúc đẩy và phát triển chứ không phải quản lý là để bóp nghẹt các dự án", ông Hà khẳng định.

Còn ông Vũ Anh Hà, Giám đốc Kinh doanh Cổ phần Đầu tư và phát triển Du lịch Vân Đồn (CEO Group) đề xuất, cần sớm hoàn thiện và áp dụng hộ chiếu vắc-xin không chỉ là ở Phú Quốc mà còn ở các khu vực khác nữa, để hỗ trợ đắc lực cho bất động sản nghỉ dưỡng, các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị quản lý du lịch… sớm có thể hoạt động bình thường trở lại.

Hộ chiếu vaccine cho du lịch
Kỳ vọng hộ chiếu vắc-xin hỗ trợ đắc lực cho bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động trở lại (Ảnh: DW)

Theo ông Vũ Anh Hà, trong giai đoạn dịch bệnh, thị trường bất động sản du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, khi tình hình dịch được kiểm soát, du lịch nghỉ dưỡng sẽ bật lại rất mạnh mẽ. Để chuẩn bị cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vượt lên trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm, đây là loại hình đem lại nhiều giá trị, đóng góp rất nhiều vào GDP. Từ 8h tối đến 6h sáng hôm sau là khoảng thời gian hấp dẫn thu hút nhiều lượng ngoại tệ. Đây chính là mục tiêu lớn nhất của phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới”, ông Hà kiến nghị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top