Việc đẩy mạnh đầu tư và cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kết nối giao thông giữa các vùng và khu vực cảng biển của Chính phủ trong thời gian qua đã giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cho nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Việt Nam dần trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với các tập đoàn lớn của nước ngoài.
Thêm vào đó, đây cũng là yếu tố thuận lợi, nâng cao tính cạnh tranh cho các khu công nghiệp được phát triển tại các tỉnh lân cận khi mà diện tích cho thuê tại các khu công nghiệp ở những địa bàn truyền thống như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Bình Dương gần như không còn.
Ông Chí Vũ - Trưởng phòng Kinh doanh - Dịch vụ Khu công nghiệp Colliers Việt Nam nhận định, sự phát triển cơ sở hạ tầng và logistics tại Việt Nam giúp các quy trình sản xuất hàng loạt cũng như vận chuyển dễ dàng và thuận tiện hơn. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm địa điểm thuê trong các khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh kể từ quý II/2022 và kéo dài trong năm 2023.
Theo ông Vũ, để đẩy mạnh thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, cần phải đặc biệt chú ý tới các yếu tố như cơ sở hậu cần, hạ tầng và mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trên thực tế, phần lớn quỹ đất công nghiệp đều được dùng cho mục đích sản xuất thay vì phân bổ thêm để xây dựng các cơ sở hậu cần hay công trình phụ trợ. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các nước lân cận sang Việt Nam đã làm cho nhu cầu phát triển cơ sở hậu cần tăng nhanh.
Vì vậy, bên cạnh việc cải thiện quy trình thực hiện các thủ tục thúc đẩy đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính của Chính phủ, giúp các nhà đầu tư khu công nghiệp phát triển dự án mới dễ dàng hơn, thì trong tương lai, khi quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà phát triển cũng cần có quy hoạch chi tiết hơn, phân bổ diện tích cho chức năng về hậu cần, thương mại…
Mặt khác, theo xu hướng của thế giới, việc đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội đã trở thành hướng phát triển tất yếu. Việt Nam đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ chuyển đổi thí điểm ba khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai và Hải Phòng sang mô hình khu công nghiệp sinh thái theo chuẩn quốc tế trong giai đoạn 2020 - 2023, Chính phủ đã ban hành nghị định 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/05/2022, quy định cụ thể về mô hình khu công nghiệp sinh thái, đây là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu là đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.