Đại diện hộ dân sinh sống ở nhà số 37, 39, 41 ngõ Trung Tả kể lại, họ đã sống cận kề nguy hiểm suốt hàng chục năm qua. Theo quan sát của PV Reatimes, ở tầng 1 - 2 ngôi nhà 33 và 35, tường hai nhà cách nhau gần 1m nhưng lên đến tầng thượng, hai phần tường gần như chạm nhau, đổ dựa vào nhau khiến lớp vữa xô nứt. Phần sau của ngôi nhà số 35 đang nghiêng về 2 ngôi nhà số 37, 39 nằm nép sâu trong ngõ nhỏ trông khá nguy hiểm. Đây là nơi ở của gần 20 nhân khẩu.
“Nhà 35 mà đổ sầm xuống thì toàn bộ 2 nhà cấp 4 số 37, 39 và nhà số 41 bên cạnh cũng đổ theo” - một người dân trong ngõ Trung Tả hoang mang tới mức khẳng định “chắc như đinh đóng cột”.
Còn ông Phạm Bá Hoa – chủ hộ số 41 đã liên tục gửi đơn “cầu cứu” khi mỗi ngày phải chứng kiến ngôi nhà số 35 nghiêng dần về phía nhà mình. Năm 2011, ông đã thay mặt những hộ dân bị ảnh hưởng làm đơn kiến nghị đến UBND phường Thổ Quan đề nghị xem xét, giải quyết.
Vì đây là nhà dân, không phải trường hợp nhà cổ, di tích cần bảo tồn nên sau khi kiểm tra, UBND phường yêu cầu những người chịu ảnh hưởng phải tự khảo sát, đánh giá hiện trạng theo đúng Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về xử lý các công trình có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo cho an toàn khai thác, sử dụng. Đồng thời, phường yêu cầu các hộ dân tự “liên hệ Sở Xây dựng Hà Nội và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý”. Nhưng khi người dân “gõ cửa” Sở Xây dựng thì nhận được câu trả lời: Không thuộc thẩm quyền. Và Sở Xây dựng chỉ về… UBND quận Đống Đa.
Trước những nguy hiểm rình rập cuộc sống của người dân, UBND phường đã triệu tập các hộ dân, họp hàng chục lần để thống nhất phương án lựa chọn đơn vị khảo sát đánh giá. Phường đã thống nhất phương án là 2 nhà số 33, 35 thuê công ty xử lý lún nghiêng sửa chữa, nắn chỉnh toàn bộ các nhà nhưng 5-6 năm trôi qua, chủ sở hữu hai nhà không chịu thuê với lý do chi phí cao.
Sau khi Hà Nội xảy ra vụ sập nhà ở số 43 Cửa Bắc, ông Phạm Bá Hoa lại tiếp tục gửi đơn “đánh động” đến chính quyền phường Thổ Quan, Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Đống Đa đề nghị giúp đỡ giải quyết.
Gần đây nhất, ngày 4/10/2016, UBND phường tiếp tục triệu tập các hộ dân liên quan đến “tháp nghiêng” ngõ Trung Tả để tìm cách giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, dù đã gửi giấy mời họp cách đó vài ngày, cuộc họp vẫn “khuyết” đại diện hộ dân số 33 – ngôi nhà có độ nghiêng nguy hiểm nhất.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan (quận Đống Đa) cho biết, sau cuộc họp, chủ hộ 41 đã đồng thuận phương án giao Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến khảo sát, đánh giá độ nghiêng và tình trạng nguy hiểm của các hộ. Chủ nhà 35 đồng ý phá dỡ vì quá nguy hiểm. Riêng ngôi nhà 33 chưa có sự thống nhất được giữa các thành viên nên không đến họp.
Vì chưa có sự đồng thuận của 100% hộ dân liên quan nên phương án xử lý vẫn… “treo”. Đến nay, công tác khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm của các nhà nghiêng trong ngõ Trung Tả vẫn chưa được thực hiện. Chẳng ai biết chất lượng công trình đang ở mức độ nào?.
Trong khi chính quyền sốt sắng họp lên họp xuống nhiều lần thì các thành viên trong chính ngôi nhà nghiêng số 33 vẫn cố thủ, “điếc không sợ súng”. Thậm chí, nhiều hàng xóm xung quanh khi trao đổi với PV cũng cho rằng: “vẫn có thể ở được!”. UBND phường và quận cần có động thái quyết liệt nhắc nhở, thúc giục để hiệu ứng nghiêng domino không gây nguy hiểm cho các hộ xung quanh; khẩn trương sửa chữa, nắn chỉnh ngôi nhà để đảm bảo an toàn cho cư dân trong ngõ Trung Tả./.