Aa

Yếu tố nào sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp trong năm 2021?

Thứ Tư, 03/03/2021 - 14:06

Lãi suất tiền gửi và liên ngân hàng giảm trong những ngày vừa qua và việc một số nhà băng đã đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp nên thị trường đang kỳ vọng mặt bằng cho vay sẽ tiếp tục được giảm thêm.

Hiện nay, một số ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay ngay từ những ngày đầu năm. Tín hiệu này khiến thị trường kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng giảm tiếp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp khơi thông nền kinh tế vốn đang rất khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19.

mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021
Một số ngân hàng tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho khách hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dòng tiền dồi dào

Trong tuần vừa qua (22 - 26/2), Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trên thị trường mở và hút ròng 26.600 tỷ đồng thông qua đáo hạn các khoản vay trên kênh cầm cố (OMO).

Mặc dù bị hút ròng nhưng lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục có xu hướng giảm về mặt bằng trước Tết Nguyên đán. Chốt tuần trước, lãi suất liên ngân hàng dừng ở mức 0,33%/năm (giảm 77 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 0,54%/năm (giảm 67 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 tuần.

Theo các chuyên gia tài chính, diễn biến vẫn thể hiện tính mùa vụ mọi năm. Tức là, lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh khiến Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ thanh khoản dịp gần Tết Nguyên đán và khi thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại sau kỳ nghỉ thì nhà điều hành hút ròng lại, lãi suất cũng hạ nhiệt dần.

Tiền dồi dào, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất từ 10 - 40 điểm cơ bản đối với tiền gửi khách hàng cá nhân nhưng giữ nguyên với lãi suất tiền gửi tổ chức, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm khách hàng này.

Hiện, lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp trong tháng Hai đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.  

Trong một báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết đối với kỳ hạn 6 tháng, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ giảm 0,03% xuống 5,39%.

Trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn áp dụng mức lãi suất trung bình 4,74% giảm 0,15%.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ và quy mô lớn giảm lần lượt 0,02% và 0,03%.

"Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,5% đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động cao nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng Quốc dân là 6,05% ở kỳ hạn 6 tháng; HDBank và Ngân hàng Indovina cùng 6,9% ở kỳ hạn 12 tháng," bản tin của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính ngân hàng, những năm trước, lãi suất tiền gửi thường có xu hướng tăng vào dịp gần Tết nhằm huy động nguồn vốn từ nguồn lương, thưởng của người lao động. Tuy nhiên năm nay, lãi suất tiền gửi lại giảm vào dịp sát Tết. Nguyên nhân được lý giải từ việc các ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn từ cuối năm 2020 trong bối cảnh tín dụng chưa tăng tương xứng.

Kỳ vọng duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Ngay tuần đầu sau Tết Tân Sửu, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giảm bớt khó khăn vượt qua đại dịch cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2 - 22/5.

Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch COVID-19; giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng này giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.

Bên cạnh đó, BIDV cũng triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô 10.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi theo từng kỳ hạn từ 3 - 9 tháng với lãi suất từ 3,8% - 6,5%/năm.

Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, HDBank triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, lãi suất hấp hẫn chỉ từ còn từ 3%/năm tuỳ chương trình.

Đại diện Công ty Chứng khoán SSI phân tích hành động tiên phong giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trên đã gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới.

Tại báo cáo triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho rằng, có rất nhiều các yếu tố để thị trường tiếp tục hình thành một mặt bằng lãi suất thấp.

Theo VCBS, thứ nhất các ngân hàng Trung ương được dự báo sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong khoảng thời gian dài. Thứ hai, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Thứ ba, xu hướng tăng của lãi suất huy động những năm trước chủ yếu đến từ việc huy động nhằm đáp ứng các chỉ số an toàn và cạnh tranh thu hút khách, cũng như có nguồn lực cho vay tín dụng. Sang năm 2021, dưới động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cùng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, xu hướng tăng lãi suất huy động khó có thể trở lại.

Kéo theo đó, VCBS kỳ vọng tiếp tục có một phần tiền gửi dịch chuyển sang các kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn.

“Đây tiếp tục được xem là động lực tăng trưởng nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư tổ chức vẫn luôn hiển hiện và càng mãnh liệt hơn trong bối cảnh lãi suất thấp,” báo cáo của VCBS nêu rõ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết ngành sẽ tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ, khoản lãi đến hạn và cho phép các tổ chức tín dụng đánh giá một cách thực tế chất lượng các khoản tín dụng để trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự an toàn nền tài chính quốc gia trong trung hạn cũng như dài hạn.

Cũng theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đặt mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%, dù vậy sẽ có điều chỉnh mục tiêu khi cần thiết, có thể lên đến 14% - 15% tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Về phía doanh nghiệp, mặc dù cũng đã được giảm lãi suất cho vay ngay từ đợt đầu nhưng do đại dịch bùng phát trở lại nên ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối vận hành Công ty Golden Gate vẫn mong muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất đối với các khoản vay mới có thể tạo cú hích sau mùa dịch này.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt lại cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi đó lạm phát cũng tăng trở lại với chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng Hai cao nhất trong vòng 8 năm gần đây thì lãi tiền gửi tiết kiệm nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam bị “nén lại” trong năm 2020 sẽ là tiền đề để “bung” ra phục hồi, phát triển mạnh trong năm 2021. Theo đó, khi nền kinh tế khôi phục được tốc độ tăng trưởng cao, thì nhu cầu về vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp sẽ tăng lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên… khi đó lãi suất sẽ nhích lên.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này nhận định, mặt bằng lãi suất sẽ không tăng quá nhanh mà sẽ nhích dần dần./.

Thúy Hà (Vietnam+

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top