Aa

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Vì sao chưa hợp lý?

Thứ Ba, 14/09/2021 - 06:30

Hãng hàng không lớn mới đây tái đề xuất áp giá sàn vé máy bay nhưng ngay lập tức gặp phản đối của các chuyên gia bởi không đúng Luật Cạnh tranh, ảnh hưởng đến kích cầu và sự phục hồi của nền kinh tế.

Còn với khách hàng sử dụng dịch vụ bay giá rẻ, đây chắc chắn là điều không ai muốn.

Áp sàn giá vé máy bay - Luận điểm chưa thực tế

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Mức tối thiểu vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định, tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 đồng đến 750.000 đồng một chiều. Thời gian dự kiến từ 1/11/2021 đến hết tháng 10 năm 2022.

Theo Cục Hàng không, khung này cũng sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không trong nước, cũng như xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ. Đề xuất đưa ra nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước.

áp giá sàn
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Huyền Minh)

Không thể phủ nhận rằng, dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các doanh nghiệp, nhưng các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch đứng đầu nhóm bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong hai nhóm nói trên, riêng Vietnam Airlines được tiếp cận khoản vay lớn với lãi suất 0% nhằm phục hồi và tái tạo hoạt động kinh doanh sau dịch. So với các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để vực lại hoạt động của doanh nghiệp sau dịch bệnh.

Nhìn ở góc độ khác, vé máy bay giá rẻ đã đem lại cơ hội cho nhiều người thu nhập thấp có thể tiếp cận với dịch vụ di chuyển nhanh, giúp họ thuận tiện hơn trong việc đi làm, thăm nom người thân hoặc ước mơ du lịch xa. Nhất là trong dịch bệnh, sau giãn cách, thu nhập bị cắt giảm thì việc các hãng hỗ trợ giá vé thấp cho người tiêu dùng là cần thiết. 

Mức giá sàn hiện nay là 0 đồng, như vậy, nếu kiến nghị của Vietnam Airlines thành hiện thực thì "thị trường bay" sẽ không còn giá vé 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Với đường bay đông khách nhất là Hà Nội - TP.HCM, khách hiện nay chỉ cần trả khoảng 500.000 đồng đã bao gồm thuế, phí, nhưng nếu áp giá sàn thì giá vé 1 chiều có thể sẽ tăng gấp 3 lần.

Giá vé máy bay dự kiến nếu áp giá sàn như đề xuất
Đường bay Tối thiểu (sàn) Tối đa (trần)
<500 km (nhóm bay phát triển KT-XH) 320.000 đồng/vé/chiều 1,6 triệu đồng vé/chiều
<500km với nhóm bay khác 340.000 đồng/vé/chiều 1,7 triệu đồng vé/chiều
500 - 850 km 440.000 đồng/vé/chiều 2,2 triệu đồng vé/chiều
850 - 1.000 km 560.000 đồng/vé/chiều 2,79 triệu đồng vé/chiều
>1.280 km 750.000 đồng/vé/chiều 3,75 triệu đồng vé/chiều

 

Lập luận của Cục Hàng không cũng chưa thực tế bởi dịch bệnh đã tác động đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế, khiến hơn 80.000 doanh nghiệp phá sản và hàng triệu người thất nghiệp và thậm chí xuất hiện nạn đói nhiều hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội. 

Thiết nghĩ vì lợi ích của doanh nghiệp lớn có được bền lâu là nhờ cơ cấu lại doanh nghiệp, cắt giảm chi tiết, lập kế hoạch mới sau dịch để phục hồi thay vì tăng giá vé, nhìn vào túi tiền khách hàng. Các doanh nghiệp luôn biết cách để đạt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Nếu bây giờ áp giá sàn, các doanh nghiệp hàng không càng có cớ chính đáng để không giảm giá, chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.

Indonesia là nước duy nhất trên thế giới áp giá sàn nhằm hạn chế các hãng hàng không bán giảm giá, với mức giá sàn bằng 35% mức giá trần. Trước đây Indonesia là một trong những nước có giá vé máy bay rẻ nhất thế giới, tuy nhiên hiện nay giá vé lại đã tăng rất cao, khiến lượng khách bay sụt giảm mạnh, tỷ lệ khách đi du lịch cũng ít đi, ảnh hưởng mạnh đến ngành du lịch nước này.

Không thể tránh khỏi phản đối của doanh nghiệp cùng ngành và khách hàng

Theo Điều 28 Luật Cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh vận tải hàng không hiện không phải là lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Giá thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều này nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có quyền đưa ra giá vé, miễn là không vượt qua giá trần mà Nhà nước quy định. Nếu áp dụng giá sàn vé máy bay thì đây là hành vi trái với Luật giá và Luật Cạnh tranh, đi ngược với chính sách, môi trường cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế thị trường. Được biết, ở các nước phát triển không quy định khung giá vé máy bay như Việt Nam.

Nguyên tắc cơ bản của thị trường là phải có sự cạnh tranh. Có cạnh tranh mới có sự phát triển, cạnh tranh để tạo ra chất lượng hàng hóa, dịch vụ là tốt nhất mà giá thành lại rẻ. 

Quay lại câu chuyện vĩ mô hơn, các chuyên gia cho rằng, áp giá sàn cho vé máy bay là không hợp lý, triệt tiêu cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng bay, mất cơ hội chọn lựa vé rẻ của khách hàng.

Trong tình hình ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay thì nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ là phải làm thế nào để có những giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất mà vẫn có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia. 

Nhóm doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh không kém gì hàng không là du lịch. Trao đổi với Reatimes, chị Nguyễn Hải Yến (Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Vũ Gia - Vũ Gia Travel), cũng là đơn vị phân phối vé máy bay cấp 2 cho các công ty du lịch tại Hà Nội cho rằng: "Việc áp giá sàn hoặc khung vé máy bay là phi thị trường. Có giá sàn sẽ khiến chi phí vé máy bay tăng lên, từ đó đẩy giá thành tour tăng theo. Nếu áp dụng giá sàn, việc phục hồi của ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều tour du lịch trong gói combo hoặc gói vé đoàn; giá vé máy bay chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo đó, giá vé tăng bao nhiêu %, giá đoàn tăng một tỷ lệ chỉ thấp hơn 1 nửa mức tăng trên".

Theo quan sát của người làm trong lĩnh vực liên quan chính đến ngành hàng không, mỗi hãng có phân khúc khách hàng, thị phần nhất định như dòng khách bình dân, trung cấp hoặc cao cấp. Các hãng có thể cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ ưu tiên... thay vì đề xuất áp giá sàn vé máy bay để tạo lợi thế nghiêng về một hãng nào đó, ảnh hưởng đến quyền lợi và thiệt thòi cho khách hàng.

Đánh giá về việc nên áp giá sàn vé máy bay trong thị trường mở hay không, PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho biết, cơ quan chức năng có thể điều chỉnh giá trần và giám sát tác động tới thị trường nhưng cần giải trình chi phí của doanh nghiệp hợp lý. Hãng nào lợi dụng tăng quá cao thì người dùng vẫn có cơ hội lựa chọn hãng khác hoặc chuyển hẳn sang phương thức di chuyển khác. Ngược lại, không nên áp giá sàn vì chắc chắn người tiêu dùng không có lựa chọn, còn giá trần thì khác. 

Việc áp dụng chung giá sàn khiến khách hàng không có sự chọn lựa phù hợp với nhu cầu. Với hãng bay, đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, bóp nghẹt phát triển của đối thủ và các ngành kinh tế liên quan. Thiết nghĩ, sau đại dịch, các doanh nghiệp nhất là hàng không và du lịch cần có những chiến lược phục hồi và cùng bắt tay nhau đẩy mạnh lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao và lượng khách hàng mở rộng. Giá vé máy bay linh động sẽ kích thích việc đi lại sau dịch của người dân, kéo theo sự "hồi sinh" của các ngành nhà hàng, khách sạn, thương mại, đầu tư… và nền kinh tế cũng sẽ phục hồi nhanh chóng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top