Aa

Nhiều kỳ vọng cho không gian đô thị ven sông Nha Trang

Thứ Hai, 04/07/2022 - 06:15

TP. Nha Trang có hệ thống sông ngòi phong phú. Nhìn chung khu vực ven sông ở Nha Trang còn khá tĩnh lặng. Nhiều khu dân cư nằm cạnh trung tâm TP. Nha Trang nhưng vẫn có phần tách biệt, chất lượng đô thị khá thấp...

LTS: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu dân cư dọc bờ sông Cái Nha Trang. Điều này đem đến nhiều kỳ vọng trong tương lai không xa, không gian đô thị ven sông ở TP. Nha Trang sẽ thay đổi với tầm nhìn mới, ý tưởng đột phá.

Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, việc phát triển không gian đô thị ven sông không chỉ góp phần thay đổi diện mạo khu vực ven sông nói riêng ở Nha Trang theo hướng hiện đại, mà còn giảm tải cho khu vực thương mại ven biển; tạo đột phá về hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế - xã hội... Trên cơ sở này, ông Phan Việt Hoàng đã có những chia sẻ cụ thể với Reatimes liên quan đến những nội dung về phát triển không gian đô thị khu vực ven sông tại TP. Nha Trang.

Nha Trang có hệ thống sông ngòi phong phú, chảy trong lòng thành phố.

PV: Nha Trang có nhiều con sông chảy trong lòng thành phố rồi đổ ra biển, rất thuận lợi để phát triển thành các khu đô thị ven sông. Tuy nhiên, đến nay khu vực ven sông chưa có nhiều điểm nhấn, thậm chí nhiều khu dân cư còn có khá lụp xụp, đường xá nhỏ hẹp. Theo ông, tại sao quỹ đất lớn ven các con sông chảy qua TP. Nha Trang rất đắc địa, nhưng chưa được khai thác hiệu quả ?

Ông Phan Việt Hoàng: Nhìn lại lịch sử phát triển đô thị ở các quốc gia trên thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để quần tụ con người sinh sống, từ chỗ là nguồn nước để làm nông và sinh hoạt đã hình thành những điểm dân cư nông thôn và là tuyến giao thông – thương mại để phát triển các điểm dân cư đô thị. Hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn liền với dòng sông. Tuy nhiên, do sông ngòi Việt Nam có chế độ thủy văn tương đối phức tạp (mực nước chênh lệch theo mùa lớn, lũ lụt vào mùa mưa) cộng thêm tình hình biến đổi khí khậu nên việc khai thác cảnh quan hai bên bờ sông tương đối khó khăn. Tới những năm cuối thế kỷ 20, các đô thị Việt Nam mới bắt đầu quan tâm tới vai trò của dòng sông trong tạo dựng cảnh quan. Đến nay, chúng ta vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông đúng nghĩa, dọc theo bờ sông và phát huy, khai thác tối đa những giá trị mà sông nước mang lại để trở thành nguồn lợi, nguồn thu, nguồn sống chính của cư dân tại đó.

Trước đây, việc phát triển kinh tế, xã hội nói chung và đô thị nói riêng thường chỉ chú trọng khai thác triệt để giá trị của đất đai vì dễ làm và nhanh thu hồi vốn khiến cho thị phần kinh tế sông nước bị lép vế so với các tòa nhà cao tầng bám biển, sự chênh lệch khiến cho quỹ đất khai thác sẽ dần cạn kiệt làm cho môi trường sống của cư dân đô thị ngày càng ngột ngạt nhất là những địa phương ven biển có ngành du lịch phát triển. Mới đây, trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 đã định hướng thành phố sẽ phát triển theo hướng đô thị đa trung tâm, với các trung tâm chính tại các khu vực: Sân bay Nha Trang cũ, dọc hai bên sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái Đồng Trũng phía Nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre, dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh các công viên trong mỗi khu đô thị. Để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP. Nha Trang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn xã hội hóa) kỳ vọng trong thời gian tới TP. Nha Trang sẽ có sự phát triển đa dạng và cân đối hơn giữa các vùng so với trước đây.

PV: Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển không gian đô thị ven sông ở Khánh Hòa bị "lãng quên" là bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ "nhớ" đến việc phát triển các khu đô thị, các dự án hướng biển. Quan điểm này liệu có đúng, thưa ông?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong ký ức của những người dân thành phố biển Nha Trang, ngày mới giải phóng chỉ có vài khách sạn dọc theo đường Trần Phú cao nhất chỉ 4 - 5 tầng gần như ít có khái niệm về dáng vẻ đô thị. Các xã vùng ven, kinh tế vẫn còn thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, giao thông kém phát triển. Đến hiện tại, Nha Trang đã vươn mình trở thành một đô thị du lịch năng động sáng tạo. Không gian đô thị ngày càng mở rộng, khách sạn cao tầng mọc lên san sát, giao thương phát triển… đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố biển. Những năm qua, Nha Trang đã từng bước tạo dựng được hình ảnh đô thị thông minh đáng sống, nhờ tính năng động nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ra đời đáp ứng kịp thời sự gia tăng mạnh mẽ của lượng khách du lịch đến từ nội địa và quốc tế.

Ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa.

Tuy nhiên, thành phố đang đứng trước sức ép về quỹ đất phát triển ngày càng hạn hẹp. Mới đây, UBND TP. Nha Trang vừa phát đi Thông báo về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040. Theo đó, Báo cáo Thuyết minh điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 cũng đã làm rõ những định hướng chiến lược phát triển không gian đô thị tổng thể. Nha Trang sẽ nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở (bao gồm hệ thống mặt nước biển, sông, hồ, đầm gắn với hệ thống công viên, quảng trường công cộng ven biển, ven sông…, làm định hướng, tạo bản sắc và nâng cao giá trị cho không gian xây dựng, thúc đẩy, đồng thời kiểm soát các không gian phát triển đô thị và du lịch. Đặc biệt, các trọng tâm phát triển đô thị tại thành phố bao gồm: Dải đô thị ven biển; dải đô thị dọc sông Cái, các khu đô thị sinh thái... Với định hướng phát triển đa dạng sẽ góp phần cân đối giữa khu vực bám biển phía đông đường Trần Phú với các khu vực còn lại của thành phố.

 PV: Trên thế giới đã có nhiều hình mẫu về việc quy hoạch đô thị ven sông, biến khu vực từng bị bỏ hoang trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế năng động. Ở nước ta, các vùng đất cũng đã có nhiều đột phá phát triển kinh tế được gắn liền với những con sông như sông Hàn (Đà Nẵng), sông Sài Gòn (TP.HCM)…  Theo ông, nếu chú trọng phát triển các khu đô thị ven sông, hình hài TP. Nha Trang sẽ có những thay đổi như thế nào ?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong thời đại công nghệ, chúng ta đều biết tại các đô thị phát triển, những dòng sông chảy qua trung tâm thành phố luôn được khai thác để trở thành một nguồn tài nguyên đặc biệt. Đô thị ven sông thực tế đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đã có nhiều quốc gia thành công trong việc quy hoạch và tạo nên các khu đô thị ven sông, vừa tạo nên không gian sống tốt cho cộng đồng. Việc phát triển không gian đô thị ven sông không chỉ góp phần thay đổi diện mạo khu vực ven sông nói riêng ở Nha Trang theo hướng hiện đại, mà còn giảm tải cho khu vực thương mại ven biển.

Các chuyên gia nhận định rằng việc phát triển không gian đô thị ven sông ở Nha Trang sẽ tạo nên những đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng...

Hệ thống sông ngòi tại Nha Trang rất đa dạng, đặc biệt là Sông Cái giữ một vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển đô thị Nha Trang xưa và Khánh Hòa ngày nay nhưng người dân địa phương nhiều năm qua không dễ dàng tiếp cận cảnh quan ven sông Cái để hưởng gió mát và cảnh đẹp ven sông. Đến năm 2023 cũng là dịp kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển Khánh Hòa (1653 - 2023). Việc xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm nhằm triển khai cụ thể Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã được triển khai hiệu quả, trong đó công tác lập quy hoạch chung đóng vai trò rất quan trọng. Với câu chuyện về ý tưởng làm đô thị ven sông ở Nha Trang có thể nói là dù vẫn còn những quan điểm trái chiều khi thực hiện dự án, nhưng tư duy làm đô thị ven sông là rất đáng hoan nghênh và trân trọng của nhà đầu tư. Bản thân đô thị ven sông cũng có thể tạo nên các đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng... cho cả thành phố, thậm chí khu vực. Đương nhiên, cùng với đó, bao giờ cũng có cả những trăn trở, nghĩ suy về việc làm sao để dự án được triển khai hiệu quả, tránh lợi dụng quy hoạch để trục lợi, tạo nên được không gian sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên... cho người dân.

Các dự án phát triển đô thị du lịch dọc 2 bên bờ sông Cái sẽ phát triển không gian cảnh quan sông và công viên ven sông, tạo nên mặt tiền mới của đô thị.

PV: UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu dân cư dọc bờ sông Cái Nha Trang. Theo quy hoạch, tương lai khu vực này sẽ có nhiều thay đổi, với sự hình thành của hệ thống trung tâm đô thị. Đáng chú ý, về quy hoạch không gian chiều cao khu vực trung tâm đa chức năng phát triển mới tại khu vực ven sông Cái có chiều cao xây dựng tối đa là 40 tầng; tại khu vực ven sông Bà Vệ, chiều cao xây dựng tối đa là 35 tầng. Theo ông, việc phát triển không gian đô thị ven sông cần lưu ý những gì để đảm bảo cảnh quan, phát triển hài hoà với không gian đô thị chung của TP. Nha Trang, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong các đô thị phát triển hiện nay của các nước trên thế giới và không riêng gì Việt Nam, hình thái đô thị ven sông được các nhà quy hoạch đặc biệt chú trọng và quan tâm rất nhiều. Bởi lẽ, dòng sông chạy trong lòng đô thị có yếu tố lịch sử lâu đời, nơi đó thường là lưu vực di chuyển của các phương tiện tàu bè nối liền các điểm dân cư trong khu vực và nối liền các hệ thống cảng biển đầu mối để vận chuyển hàng hóa. Đứng ở góc độ của giới chuyên môn, của các nhà làm quy hoạch, dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển các đô thị. Và về bản chất, thì việc phát triển các đô thị ven sông là sự kế thừa tiếp nối lịch sử hàng ngàn năm của các thế hệ cha ông đi trước.

Đô thị ven sông thực tế không phải là điều gì quá mới mẻ, mà đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Như đã nói ở trên, đã có nhiều bài học thành công trong việc quy hoạch và tạo nên các khu đô thị ven sông, vừa tạo nên không gian sống tốt cho cộng đồng, vừa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Khi giai đoạn đất nước chuyển mình đổi mới chúng ta có rất nhiều chuyên gia và du học sinh được đi học tập ở Nga và Pháp là những nơi nổi tiếng về quy hoạch và kiến trúc, đã được chứng kiến rất nhiều thành công khi phát triển các khu đô thị ven sông, như là: Sông Neva (Saint Petersburg) hay sông Seine (Paris) mặc dù ở Việt Nam tiềm năng và quy mô có thể chênh lệch nhưng tổng quan thì đây là loại hình có khả năng khai thác kinh tế tốt.

Dự án đường Vành đai 2 được đưa vào khai thác đầu năm 2021 đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho khu vực ven sông Quán Trường, TP. Nha Trang.

Dòng sông là tài sản đặc biệt có tính hữu hình và vô hình nên khi quy hoạch khu vực hai bên sông sẽ tạo cơ hội lớn nhất cho cư dân đô thị tiếp cận sông. Như thế, chúng ta không chỉ quy hoạch những dải đất ven sông, mà cả những tuyến đường kết nối ra sông nhằm dễ dàng cho khu vực nằm sau lưng mặt tiền sông được tiếp cận. Do vậy, tác động với dòng sông trong đô thị cần quan tâm đến tính liên kết tự nhiên từ dòng sông dẫn vào sâu trong đô thị và kiến trúc đô thị hai bên từ hình thái, cấu trúc, mật độ, độ cao… phụ thuộc vào từng con sông lớn hay nhỏ. Về mật độ xây dựng, cần tránh tình trạng hàng rào bê tông chắn theo sông, nên tổ chức thành từng cụm cách xa nhau để có khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tạo độ thông thoáng tránh tạo thành một bức tường bê tông phản cảm. Người dân cần một không gian công cộng mở thân thiện.

Xuất phát từ mục đích của quy hoạch sử dụng đất là để cải thiện phúc lợi của cá nhân và cộng đồng. Nhà quy hoạch cần tạo ra môi trường công bằng, lành mạnh, hiệu quả và hấp dẫn cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Các nhà quy hoạch cần tham khảo ý kiến ​​người dân, các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương, các nhà đầu tư phát triển và các cơ quan kỹ thuật khác nhằm tăng cường hỗ trợ và cam kết thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, không có nghĩa là các nhà quy hoạch phải làm những gì các bên liên quan muốn, nhưng họ phải xem xét đa mục tiêu của các bên liên quan, và chứng minh rằng có thể đạt được các mục tiêu này một cách tốt hơn thông qua các biện pháp quy hoạch được đề xuất. Nhiệm vụ của các nhà quy hoạch là vừa đáp ứng nhu cầu của các bên, vừa đóng vai trò lãnh đạo về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Khu vực được quy hoạch xây cầu mới vượt sông Quán Trường (TP. Nha Trang), kết nối đường với đường đi sân bay Cam Ranh.

PV: Việc quy hoạch đồng bộ không gian đô thị ven sông không chỉ tạo điểm nhấn đô thị, mà còn hình thành, phát triển nhiều loại hình du lịch độc đáo gắn với bản sắc văn hoá địa phương, như: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch thể thao… Theo ông, việc phát triển đô thị ven sông sẽ giúp TP. Nha Trang có thêm những cơ hội gì trong phát triển du lịch?

Ông Phan Việt Hoàng: Ở nhiều quốc gia, các tòa tháp ven sông chính là điểm nhấn cho các tuyến đường hướng từ trong đô thị ra để tạo liên kết theo trục ngang, nhưng ở Nha Trang, Khánh Hòa ưu điểm lại là biển. Một điểm chung tạo nên thành công cho các đô thị ven sông, ở các quốc gia đi trước đó là việc xác định sẵn từ khâu quy hoạch. Trong đó, ngoài việc làm tốt công tác quy hoạch, tạo ra các khu đô thị đáng sống, tạo nên động lực tăng trưởng, thì còn đó cả những câu chuyện bảo tồn văn hóa, bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương... tránh việc quy hoạch đô thị ven sông thành miếng mồi ngon cho các doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận.

"Ở một số đô thị lớn các con sông được coi là trái tim của địa phương và người dân. Việc quy hoạch đồng bộ cho toàn khu vực đã giúp người dân cũng như các du khách một lần nữa được kết nối với dòng sông và các di sản văn hóa tại địa phương", ông Phan Việt Hoàng chia sẻ. 

Trước đây, có giai đoạn TP. Thượng Hải (Trung Quốc) được xem là một hình mẫu về không gian và kinh tế của các thành phố châu Á với bản sắc lịch sử và không gian xanh nhờ khai thác con sông Hoàng Phố.

Nếu so sánh với các thành phố lớn thì thị phần kinh tế sông nước ở Nha Trang, Khánh Hòa không thể bằng, tuy nhiên nếu có định hướng đúng đắn thì sự kết hợp giữa sông và biển có thể năng cao năng lực cạnh tranh du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Khu đô thị ven biển Nha Trang phát triển mạnh mẽ.

PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia bất động sản, theo ông, việc quy hoạch khu vực ven sông tại Nha Trang sẽ giúp gì cho địa phương trong công tác thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời góp phần gia tăng giá trị bất động sản như thế nào?

Ông Phan Việt Hoàng: Trong định hướng phát triển toàn tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Nha Trang được định hướng là đô thị hạt nhân. Để tạo tiền đề cho việc từng bước thực hiện các chiến lược phát triển dài hạn cho đô thị Nha Trang, trong giai đoạn trước mắt tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các dự án kêu gọi đầu tư: Các dự án chỉnh trang, nâng cấp chất lượng của các đô thị hiện hữu; các dự án quan trọng trong việc thực hiện các chiến lược phát triển đô thị; các dự án có khả năng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các dự án khác trong đô thị; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính, kết nối các khu chức năng... Ngoài ra, còn có các dự án phát triển đô thị du lịch dọc 2 bên bờ sông Cái nhằm phát triển không gian cảnh quan sông và công viên ven sông làm trung tâm, tạo nên mặt tiền mới của đô thị. Tạo lập hình ảnh thành phố ven sông, thuận lợi phát triển dịch vụ và du lịch sinh thái với nền tảng vốn có.

Cùng với việc hạ tầng mới được đầu tư, không gian đô thị mới ven sông sẽ khuyến khích, thúc đẩy người dân được có cơ hội phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, thị trường bất động sản... đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Khi các dự án hai bên bờ sông được hoàn thành, cùng với hình thành các bến tàu - thuyền ven sông, sẽ góp phần đáng kể đối với việc phát triển kinh tế của địa phương. Các dự án sẽ mang lại niềm tự hào cho người dân TP. Nha Trang đối với cảnh đẹp sông sẽ giúp khai thác hiệu quả quỹ đất và không gian kiến trúc cảnh quan đô thị ven sông, đồng thời giúp giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Một góc đô thị Nha Trang.

PV: Ngoài cơ hội, theo ông, việc phát triển không gian đô thị ven sông ở Nha Trang sẽ có thách thức, khó khăncần đối diện?

Ông Phan Việt Hoàng: Hiện nay, trong quá trình lập quy hoạch đô thị các yếu tố của khí hậu, khí tượng, thủy văn đã được tính toán đến. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đầu vào của các nội dung này thường dựa trên số liệu lịch sử về khí tượng thủy văn mà chưa tính đến các kịch bản của biến đổi khí hậu như lượng mưa tăng đột biến, tập trung và dịch chuyển vào một số vùng và nước biển dâng kết hợp với triều cường. Cho nên vấn đề đặt ra cho quy hoạch không gian kiến trúc và san nền, thoát nước phải xem xét lại các quy hoạch về thủy lợi, thoát nước từ cấp vùng đến cấp đô thị với các giải pháp ứng phó phù hợp và toàn diện từ xây dựng hạ tầng tới cơ chế điều hành. Trong đó công tác quản lý xây dựng đô thị tuân thủ cốt nền và các vùng cấm phát triển đã được quy hoạch xác định là đặc biệt quan trọng.

Thoát nước thải và xử lý nước thải tại các đô thị Việt Nam cũng là một vấn đề khá bức xúc. Các đô thị hầu hết vẫn đang vận hành hệ thống thoát nước chung. Đây thực sự là vấn đề lớn đặt ra cho quy hoạch đô thị bởi khi xảy ra lũ lụt, úng ngập thì nước thải hòa lẫn cùng nước mưa, nước lũ phát tán ra nguồn tiếp nhận và gây ô nhiễm môi trường. Cách tiếp cận trong quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải cũng cần phải xem xét tới các giải pháp xử lý phân tán theo cụm đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường. Việc quy hoạch xây dựng các công trình đầu mối xử lý nước thải tập trung cần được xem xét kỹ lưỡng do chi phí đầu tư là rất cao trong bối cảnh chúng ta chưa có hệ thống mạng lưới thu gom tách riêng nước mưa và nước thải.

PV: Trân trọng cảm ơn ông !  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top