Quảng Nam: Tìm bản sắc quy hoạch, xây dựng đô thị sông - biển
Quảng Nam định hướng quy hoạch, xây dựng đô thị ven biển, ven sông theo triết lý “thuận thiên”, đi trước đón đầu để có hướng quản lý, đầu tư, xây dựng, phát triển bền vững.
LTS: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.
Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Với bờ biển trải dài 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Với đường bờ biển dài gần 125km, không gian kinh tế vùng ven biển, bãi biển, không gian trên - dưới đáy biển và trên các đảo tại tỉnh Quảng Nam được thiên nhiên ưu ái cho những lợi thế lớn. Đặc biệt, Quảng Nam có nhiều con sông lớn giàu tiềm năng phát triển đô thị ven sông như sông: Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Tam Kỳ… cùng các điều kiện tài nguyên, văn hóa và các cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn phục vụ cho xây dựng và phát triển bất động sản, du lịch, dịch vụ.
Theo TS.KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA), Quảng Nam là một trong 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong những tỉnh có nhiều tài nguyên cảnh quan thiên nhiên đẹp, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hoá (nơi có 2 di sản văn hóa thế giới) và có tiềm năng đa dạng để phát triển kinh tế biển. Chuỗi đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), TP. Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Bàn, đô thị Nam Hội An, TP. Tam Kỳ, Chu Lai - huyện Núi Thành...
Trong khi đó, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, nhìn nhận rằng: “Công tác quản lý quy hoạch, quy hoạch các đô thị của Quảng Nam trong thời gian qua đã đi đúng hướng và tạo nên một diện mạo khởi sắc. Các thời kỳ trước lãnh đạo phải quan tâm đến quy hoạch thì mới có TP. Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành… như bây giờ. Có lẽ, không có nơi nào cứ vài ki-lô-mét lại có một dòng sông, không nơi đâu có những con sông đẹp như Quảng Nam. Con sông phía Bắc Hội An là sông Cổ Cò, đây là một con sông lạ lùng nhất và thơ mộng nhất, bắt đầu từ Hội An trở vào là sông Trường Giang chạy dọc ra biển. Vì vậy, quan trọng là tổ chức không gian ấy để ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ chức không gian cho sự phát triển của du lịch là điều bức thiết. Đây không chỉ là câu chuyện của Quảng Nam, phân tích không chỉ riêng Quảng Nam mà là cả vấn đề về liên kết vùng Duyên hải miền Trung”.
Liên quan đến việc liên kết vùng, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng: “Trong quy hoạch, có một vấn đề rất quan trọng phải đặt ra là quy hoạch phát triển đô thị trong mối quan hệ với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Ở khu vực tiếp giáp Đà Nẵng cho đến Quảng Ngãi, đô thị Điện Bàn được đánh giá là có tính chất đặc thù khi tiếp giáp với Đà Nẵng, có tính chất địa lý như một không gian mở rộng về phía Nam của đô thị Đà Nẵng, mở rộng về phía Bắc của TP. Hội An. Trong khi Đà Nẵng mở rộng về phía Bắc thì vướng đèo Hải Vân, mở rộng về phía Tây thì hướng núi, mở rộng về phía Nam thì phải vào đến khu vực Điện Bàn. Nên đô thị Điện Bàn là một đô thị biển nhưng nó như một không gian mở rộng về phía Nam của đô thị Đà Nẵng và đồng thời là đô thị mở rộng về phía Bắc của TP. Hội An. Lý do là Hội An phía Nam tiếp giáp với sông Thu Bồn, không còn cơ hội mở rộng đô thị di sản này về phía Nam được. Muốn đô thị Hội An không bị áp lực thì chỉ có thể mở rộng về phía Bắc và phía Tây Bắc tức là mở rộng về đô thị Điện Bàn”.
Vấn đề phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển đô thị ven biển, ven sông theo hướng sinh thái và bền vững đã được các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch đô thị đưa ra gần 20 bài phản ánh, nghiên cứu chất lượng được đánh giá là nguồn tư liệu có độ tin cậy cao liên quan đến vấn đề phát triển đô thị trên địa bàn Quảng Nam nói riêng và khu vực Miền Trung nói chung.
Trong đó, các nội dung được tập trung phân tích bao gồm: Xác định vai trò, vị thế và xu hướng của đô thị ven biển, ven sông khu vực Duyên hải Miền Trung trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của các địa phương; Đánh giá thực trạng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ven biển, ven sông kết nối liên vùng theo hướng phát triển bền vững; Thực trạng và xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển của khu vực Duyên hải Miền Trung và tỉnh Quảng Nam.
"Trong quy hoạch, có một vấn đề rất quan trọng phải đặt ra là quy hoạch phát triển đô thị trong mối quan hệ với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung", Chủ Tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh.
Nhiều tham luận đã chỉ ra những tồn tại và một số hạn chế trong quy hoạch xây dựng tại Quảng Nam như: Thực tế các dự án ven biển (bao gồm dự án đô thị) đều bị chậm tiến độ do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại nhiều khu vực như: Toàn bộ vệt ven biển dọc ven sông Cổ Cò, qua địa bàn TP. Hội An và thị xã Điện Bàn, với hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở, khu đô thị đã và đang đầu tư, xen lẫn các tòa nhà cao tầng là các khu dân cư làng quê và thửa đất nông nghiệp.
Nhiều hình hài đô thị bị “loang lổ” khi thiếu kế hoạch sử dụng đất chính xác, thiếu công cụ kiểm soát trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị. Ngoài ra, vấn đề nước biển dâng và xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến các đô thị tại Quảng Nam như: đô thị Hội An, đô thị Vĩnh Điện, một phần đô thị Tam Kỳ, Núi Thành và khu vực Tam Hòa ở ven biển phía Nam Quảng Nam.
Trước những thực trạng nêu trên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học có ý kiến cho rằng vùng ven biển phía Đông Quảng Nam đang có cơ hội lớn để trở thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hệ sinh thái, văn hóa đa dạng; Kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ và nên được chú trọng để trở thành chuỗi đô thị - trung tâm dịch vụ, du lịch - công nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Từ đó, giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị ven sông, Quảng Nam cần lưu ý đến thủy văn, địa hình của từng dòng sông để xây dựng đô thị phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình lũ lụt hằng năm.
Nhìn về hướng đi cho quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông của tỉnh Quảng Nam sắp tới, ông Lê Trí Thanh, Chủ Tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra chiến lược phát triển chung và cũng đề nghị các chuyên gia góp ý, nâng tầm cho nhiều đô thị trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Với đô thị di sản Hội An, hiện nay đây là một đô thị nén vùng lõi đang chịu sức nặng có thể nói là lớn nhất cả nước. Nên hướng đi của Quảng Nam là duy trì phát triển và bảo tồn được đô thị di sản Hội An nhưng cũng giải quyết được những vấn đề cần thiết đối với cư dân khu vực phố cổ, sự cần thiết phát triển tất yếu của một TP. Hội An. Nếu không chính sự phát triển của du lịch, sự phát triển nội tại của TP. Hội An hiện nay sẽ làm gia tăng quá trình hủy hoại di sản này.
Tiếp theo là đô thị của Duy Xuyên, Thăng Bình: hiện có điều kiện phát triển rất tốt khi bám sông Trường Giang, sông Thu Bồn nên có cơ hội để khai thác đất khu vực ven biển, ven sông với những điều kiện tự nhiên rất rộng lớn. Đối với Duy Xuyên là một đô thị phía Nam của sông Thu Bồn trải dọc và đối xứng với phía Bắc, đô thị Duy Xuyên với vùng lõi là di sản văn hóa Mỹ Sơn.
Bên cạnh đó, đô thị Thăng Bình có quỹ đất lớn, đặc biệt là khu vực ven biển nên hướng đi sẽ là tổ chức không gian, tổ chức đô thị như thế nào và chịu tác động ra sao của biến đổi khí hậu để thiết kế đô thị chống chịu được với thiên tai và với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của khu vực vùng cát ven biển, nhưng vẫn khai thác lợi thế của đô thị Thăng Bình.
Với đô thị Tam Kỳ: đây là một đô thị hành chính của tỉnh Quảng Nam, vậy nên định hướng như thế nào để trở thành đô thị trung tâm của vùng, mang tính chất là hành chính nhưng tác dụng là thúc đẩy và liên kết vùng. Trong khi đó, đô thị Núi Thành là một đô thị ven biển, ven vịnh có điều kiện cơ sở hạ tầng rất đặc biệt khi các hạ tầng giao thông đầu mối, sân bay, cảng biển, đường sắt… đều hội tụ về đây. Đô thị Núi Thành có điều kiện liên kết với đô thị phía Nam là đô thị Dung Quốc (Quảng Ngãi), nơi đây có gần 100km đường bờ biển có thể khai thác được, có hệ thống sông chạy hướng Bắc Nam đó là sông Cổ Cò nối ở phía bắc Hội An, sông Trường Giang nối từ TP. Tam Kỳ ra phía Nam của Núi Thành, có hệ thống sông Thu Bồn, Vu Gia nối từ Tây sang Đông.
Hệ thống sông Bắc Nam có tính chất êm đềm nhưng hạn chế thoát lũ nên đến mùa mưa lũ gây ngập lụt lớn, thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, bão tố… Vì vậy, việc phát triển về phía Đông phải chống chịu thiên tai bão tố và giải quyết bài toán thiếu nước ngọt ở khu vực cát để phát triển sinh thái là vấn đề rất đáng lưu tâm...
Trên cơ sở đó, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá cao tiềm năng khi đô thị TP. Tam Kỳ được phát triển: “Đô thị Tam Kỳ là một trong những đô thị hướng biển rất tốt. Nếu phát triển đô thị thì phải tính đến TP. Tam Kỳ. Nếu Quảng Nam không có đô thị loại I đến khoảng năm 2025 thì rất khó phát triển, bởi đô thị trung tâm của tỉnh sẽ kéo theo sự phát triển của những đô thị khác và vấn đề kinh tế xã hội của địa phương”.
Có thể thấy, Quảng Nam, Đà Nẵng được xem như “cầu nối” hai miền Bắc - Nam vùng Duyên hải Miền Trung. Nên việc quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, ven sông với nhiều “kế sách” được các chuyên gia đưa ra trên cơ sở triết lý quy hoạch “thuận thiên” hy vọng sẽ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là phân bố, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên… Từ đó, hiện thực hóa chiến lược và khát vọng: Phát triển Quảng Nam theo hướng: Hiện đại - Xanh - Thông minh và Bền vững./.
"Sân bay Chu Lai rất đặc biệt, một chuyên gia Mỹ đã nói rằng đây là sân bay duy nhất của Đông Nam Á có thể làm trung tâm về hành khách và hàng hóa khi các hành lang quốc gia từ đường bộ, đường sắt, đường thủy… đều hội tụ về đây. Vì vậy, quy hoạch cũng nên tập trung vào khu vực này. Ngoài ra, việc quy hoạch những con sông, mà sông Quảng Nam lại rất đặc biệt khi sông lại hình thành di sản nữa. Sông, suối là hiện thực của di sản Hội An và Mỹ Sơn", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.