Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ Dự thảo Luật và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân được dư luận xã hội quan tâm. Các ý kiến thảo luận đều cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm, tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp, mang lại kết quả thực chất, khách quan, tránh tối đa việc hình thức và lãng phí.
Làm rõ nội hàm "Nhân dân" trong việc lấy ý kiến
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến Nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất là rất quan trọng. Thực tế, có rất ít luật tổ chức lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi, trừ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ việc lấy ý kiến Nhân dân trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật thông thường như thế nào. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ý kiến, nếu theo tinh thần "mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “Nhân dân” trong lấy ý kiến Nhân dân được xác định như thế nào? Bao gồm người dân, doanh nghiệp hay những đối tượng nào?
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần xác định rõ những đối tượng lấy ý kiến để có phương thức thực hiện cụ thể, hiệu quả, tránh chung chung, không rõ ràng.
Bổ sung thêm góc nhìn khác, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, cần xem xét trong quá trình xây dựng Luật đã lấy ý kiến của những đối tượng nào, để tạo điều kiện, ưu tiên cho những đối tượng chưa được lấy ý kiến, nhằm đảm bảo thu thập được ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi một cách đầy đủ, toàn diện và rộng khắp.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng lưu ý việc lấy ý kiến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Tờ trình đang trình bày theo chủ thể tổ chức lấy ý kiến. Trong khi đó, dự án Luật Đất đai rất phức tạp và có phạm vi rộng, nên cần xác định rõ ràng, cụ thể hơn nữa các nhóm đối tượng và gắn với vấn đề trọng tâm của nhóm đối tượng đó, tránh dàn trải, khó tổng hợp, và thiếu trọng tâm. Đồng thời, chú trọng lấy ý kiến của các hộ gia đình và các cá nhân; doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; các cơ quan Nhà nước và cả cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Ngoài ra, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cần xác định việc lấy ý kiến này là để tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong đông đảo người dân về những chính sách thể hiện trong dự thảo Luật, góp phần đảm bảo Luật sẽ được triển khai thuận lợi sau khi ban hành. Đồng thời, việc lấy ý kiến cũng sẽ nâng cao ý thức chấp hành của người dân, năng lực của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo Luật được thực thi hiệu quả.
Lấy ý kiến Nhân dân thế nào cho hiệu quả?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề, cần xem xét cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả và tránh hình thức. Nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề? Hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được?
Có ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị thể hiện theo 2 mục gồm lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật và lấy ý kiến theo nhóm nội dung trọng tâm, trọng điểm. Cơ quan tổ chức cá nhân căn cứ chức năng, nhiệm vụ sẽ tập trung góp ý sâu vào những vấn đề quan tâm liên quan. Đồng thời, quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh, hình thức lấy ý kiến là vấn đề rất quan trọng, đồng thời đề nghị trước khi lấy ý kiến cần tổ chức thật tốt công tác thông tin, tuyên truyền để đối tượng lấy ý kiến có nhận thức rõ ràng, hiểu biết sâu sắc về vấn đề mình cần đóng góp ý kiến. Đây là dự án Luật lớn, phạm vi rộng, liên quan rất nhiều vấn đề, nên công tác thông tin, tuyên truyền cần được chú trọng, đặc biệt cần chú ý đến ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Đối với công tác tổng hợp ý kiến, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị cần sử dụng đa dạng hóa, phối hợp các kênh tổng hợp ý kiến của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; của Chính phủ và chính quyền các cấp; của Mặt trận Tổ quốc và sử dụng song song các kênh này và đối chiếu lẫn nhau để đảm bảo minh bạch về thông tin.
Đồng thời, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị bổ sung nội dung bảo đảm công khai, tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm, nhằm để ý kiến Nhân dân được tập hợp đầy đủ và trung thực.
Thống nhất quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, nội dung lấy ý kiến Nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm; yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu, cần xác định rõ hơn mục đích của việc lấy ý kiến Nhân dân. Theo Tờ trình của Chính phủ, việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện hướng đến mục đích phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung nhiều nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý và xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của luật khi áp dụng.