Aa

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB: Việt Nam chuyển hướng nhanh sang hỗ trợ tăng trưởng là đúng đắn

Thứ Tư, 05/04/2023 - 12:45

Những chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ thời gian qua đến từ phía Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu ứng tích cực đối với các thành phần kinh tế.

“Trước sức ép lên khu vực tài chính và dư địa hiện có, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển hướng sang chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng các chính sách tiền tệ rất kịp thời và đúng đắn. Đó sẽ là một đột phá hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm 2023”, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra nhận định tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO), sáng 4/4.

Thực tế, kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.

Song theo ADB, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đang tác động đáng kể tới tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam. Năm 2023, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Đồng thời, chính sách tiền tệ cũng tiếp tục thắt chặt.

Chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị toàn cầu

Tuy nhiên, ADB vẫn đánh giá cao việc Việt Nam nhanh chóng chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng, thay vì thắt chặt và đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 như mục tiêu Chính phủ đặt ra, và tăng trưởng tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Trong khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang loay hoay giữa việc đảm bảo an toàn hệ thống hay mục tiêu lạm phát, ông Nguyễn Minh Cường đánh giá cao việc Việt Nam nhanh chóng chuyển hướng chính sách sang hỗ trợ tăng trưởng.

Thực tế, những chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ thời gian qua đến từ phía Ngân hàng Nhà nước đã mang lại hiệu ứng tích cực đối với các thành phần kinh tế. Trong tháng 3, đã có hai lần hạ lãi suất điều hành liên tiếp, đồng thời hạ lãi suất huy động, để tiến tới hạ lãi suất cho vay.

Phát biểu tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do Tuổi trẻ tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặc dù nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

“Thông điệp của NHNN là kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thêm trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ cơ sở này, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng. Bên cạnh đó, việc giãn/hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai”, ông Tú nói.

Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Cường nhận định, khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023 sẽ là động lực then chốt hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023 và 2024, thúc đẩy ngành xây dựng, bất động sản và các hoạt động kinh tế liên quan khác.

Trong dài hạn, chuyên gia ADB cho rằng, Việt Nam cần duy trì cải cách lĩnh vực tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường vốn.

Bên cạnh đó, mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, nhưng ADB cũng khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023.

Cuối cùng, theo ADB, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất quan trọng, cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022 sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, kết quả đạt được quý 1/2023 cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, kết quả này cũng đặt ra nhiệm vụ khẩn trương trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc, tranh thủ cơ hội để phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả quý 1/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Với mức tăng này, tăng trưởng GDP các quý còn lại theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).

“Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 05 năm là 6,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Kịch bản 2: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế quý 2/2023 là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP) song các quý 3 và quý 4 sẽ tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).

“Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top