Lợi ít, khó nhiều
Thành quả kinh tế Việt Nam năm 2022 bằng những con số tăng trưởng GDP 8,02%, lạm phát kiểm soát ở mức 3,15% là không thể phủ nhận. Nó tạo ra những nền tảng thuận lợi cho năm 2023 đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt trên ba khía cạnh: (i) Kinh tế vĩ mô ổn định; (ii) Sau độ trễ về thời gian các chính sách được hoàn thiện để gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân tích cực hơn; (iii) Với 100 triệu dân và văn hóa tiêu dùng đang dần hướng nội cũng là thị trường rất tốt cho doanh nghiệp Việt, bài toán còn lại là ở doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường đừng để thua ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, điều tôi muốn cảnh báo là không nên quá say sưa với thành tích ngắn hạn về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát để làm mờ đi những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023.
Về kinh tế vĩ mô, Việt Nam thường có độ trễ với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế thế giới. Điển hình như năm 1997, khủng hoảng tại Thái Lan thì đến năm 1999, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu “ngấm đòn” và điển hình là vụ án Epco - Tăng Minh Phụng xảy ra khiến hệ thống tài chính ngân hàng gặp khó khăn, phải tái cấu trúc.
Hay năm 2008, khủng hoảng kinh tế tại Mỹ khởi đầu từ việc cho vay dưới chuẩn, thì đến năm 2009, Việt Nam vẫn còn tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất, tín dụng bùng nổ với mức tăng trên 30%/năm, đến năm 2011, lạm phát đã bùng lên. Bất ổn kinh tế vĩ mô, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có vấn đề, nợ xấu gia tăng lên tới 17,2%. Chúng ta phải mất hơn 10 năm đề xử lý để Việt Nam mới lấy lại được đà tăng trưởng.
Đến chu kỳ này, bắt đầu từ cuối 2019 đầu 2020, kinh tế thế giới gặp phải đại dịch Covid-19, những đứt gãy về chuỗi cung ứng, khủng hoảng về năng lượng, logistics và đặc biệt là bùng nổ cuộc chiến Nga - Ukraine, làm cho câu chuyện khủng hoảng năng lượng và lương thực càng thêm trầm trọng.
Thời điểm cuối năm 2022, khi lạm phát ở các nước phát triển đã qua đỉnh nhưng nguy cơ kinh tế suy thoái vẫn đang hiển hiện. Mặc dù vậy, Việt Nam cần cảnh giác về độ trễ chu kỳ của chính mình. Nên nhớ, những lần trước khi khó khăn của thế giới qua đi thì chúng ta lại mới bắt đầu. Riêng với cộng đồng doanh nghiệp Việt, có thể nhận diện bốn khó khăn lớn dưới đây.
Thứ nhất, là tiếp cận vốn và lãi suất tăng cao là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, là khó khăn về đầu ra luôn thường trực, thậm chí với thị trường trong nước thì doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể thua ngay trên sân nhà.
Hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam ra thế giới cũng chưa nhiều, xuất khẩu hàng Việt Nam chủ lực của doanh nghiệp Việt vẫn là từ dệt may và nông thủy sản. Khi kinh tế của EU và Mỹ suy giảm sẽ làm lực cầu về hàng hóa Việt Nam cũng giảm sút.
Động lực cầu từ bên ngoài có thể hy vọng từ hoạt động mở cửa của Trung Quốc sau khi dỡ bỏ chính sách zero Covid. Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu tiểu ngạch sang nước này những mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, cũng sẽ rất khó khăn, vì Trung Quốc ngày càng áp đặt các tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc về nông sản.
Thứ ba, các yếu chi phí đẩy tiếp tục gia tăng làm giá thành hàng hóa tăng cao. Tiêu biểu có thể là sức ép tỷ giá, với tỷ giá tăng càng khiến giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của Việt Nam bị đẩy lên cao. Các chi phí khác kể cả logistics, hay cuộc khủng hoảng năng lượng khó lường sẽ khiến giá dầu còn bất định, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp Việt càng thêm khó lường.
Thứ tư, là các khó khăn từ nội tại của doanh nghiệp Việt Nam và các tác động từ môi trường kinh doanh. Vấn đề quản trị của doanh nghiệp Việt chưa thực sự tốt, chiến lược và các kịch bản để đối phó với khủng hoảng mới chỉ dừng lại ở nhóm nhỏ doanh nghiệp vừa và lớn. Khu vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hầu như chưa làm quen với các kịch bản đối phó với khủng hoảng, biến động kinh tế thế giới và vĩ mô.
Bên cạnh là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam rất thấp, 70% không có tay nghề và tầm chiến lược cũng như công tác làm thương hiệu của doanh nghiệp còn đang ở mức rất khiêm tốn.
Hơn nữa, các yếu tố từ môi trường kinh doanh làm gia tăng chi phí tuân thủ do pháp luật không đồng bộ, các cuộc thanh kiểm tra, gây mất thời gian, công sức, gây gián đoạn cho sản xuất kinh doanh.
Trợ lực cần thiết thực để doanh nghiệp vượt khó
Khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nói riêng khi bước sang 2023 sẽ còn gia tăng hơn năm 2022. Tôi cho rằng cần có nhiều trợ lực thiết thực từ Chính phủ và các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương tập trung vẫn là 2 chính sách "cốt tử" của kinh tế thị trường tài khóa và tiền tệ.
Về mặt vĩ mô, giải pháp thiết thực nhất là chính sách tài khóa. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nói, có thể sẽ tiếp tục giãn hoãn tiền thuê đất và trình Chính phủ giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Đây là biện pháp rất tốt, nhưng trong gói 350.000 tỷ đồng, thì một trong những biện pháp tốt nhất để kích cầu thị trường trong nước là Bộ Tài chính nên tiếp tục trình Chính phủ chính phủ, trình Quốc hội để kéo dài giảm thuế VAT về 8%, ít nhất đến hết năm 2023. Điều này giúp tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ tích cực đầu ra cho doanh nghiệp
Với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, gói này rất khó thực thi bởi hai lý do là từ phía doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định và các ngân hàng rất sợ sai, sợ bị thanh kiểm tra và hình sự hóa. Tôi đề nghị nên nghiên cứu chuyển hướng như sau thành 2 gói.
Gói thứ nhất, chuyển 20.000 tỷ đồng hình thành quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thành ở cấp trung ương và thành lập các chi nhánh ở địa phương trên cơ sở quỹ địa phương hiện tại. Số tiền này sẽ là vốn điều lệ ban đầu của quỹ để gia tăng khả năng bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn; đổi mới toàn bộ chính sách bảo lãnh bằng cách bảo lãnh tín chấp là chính, sử dụng tài sản thế chấp chỉ là thứ yếu; cơ chế vận hành cũng phải hoàn toàn khác với cơ chế hiện nay.
Gói 20.000 tỷ thứ hai, xem xét ủy thác cho các ngân hàng hoặc cho các công ty cho thuê tài chính để cho thuê mua sắm máy móc công nghệ. Ví dụ ủy thác cho các đơn vị cho thuê tài chính, họ sẽ phải chịu rủi ro nhưng được hưởng phí và lãi suất cho thuê ở mức tượng trưng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Từ đó giúp các doanh nghiệp đón bắt cơ hội mới phát triển tốt hơn trong trung dài hạn.
Bao trùm trong chính sách tài khóa vẫn là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ các cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trong năm qua, chúng ta có tỷ lệ giải ngân ở mức khá thấp, vì vậy đầu tư công giải ngân tốt hơn sẽ tạo công ăn việc làm, đầu ra cho doanh nghiệp Việt, nhất là những doanh nghiệp trong ngành xây dựng, xây lắp và các ngành vật liệu xây dựng đang rất ế ẩm như sắt, thép, vật liệu,...
Về chính sách tiền tệ, nhất là tín dụng. Thời gian vừa qua tôi đã kiến nghị không cần phải quản lý hạn mức tín dụng thì ngân hàng cũng không có tiền để cho vay. Do đó, cuối năm 2022 Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh room tín dụng, nhưng ngân hàng thương mại cũng không có đủ tiền để cho vay. Đây là điều hết sức khó khăn trong khi dòng vốn huy động bằng ngoại tệ lại được chuyển ra nước ngoài để đầu tư.
Cụ thể, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam quý 3/2022 sai số là -12 tỷ USD, so với mức sai số thông thường khoảng -5 tỷ USD, nghĩa là khoảng 7 tỷ USD đã ra khỏi biên giới. Trong khi các tổ chức tín dụng -1,7 tỷ USD, đồng nghĩa với việc huy động bằng ngoại tệ nhưng không cho vay được khiến họ phải đầu tư ra nước ngoài.
Điều này khiến chúng ta không tận dụng được nguồn lực để doanh nghiệp Việt phát triển.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu câu chuyện thực hiện hoán đổi ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, để ngân hàng thương mại có VND cho vay. Đồng thời, NHNN là cần trình Chính phủ xem xét cho lùi tiến độ thực thi Đề án chống đô la hóa, để nhu cầu cho vay bằng ngoại tệ của Việt Nam được xem xét mở rộng. Cùng với đó là lãi suất huy động trong dân bằng ngoại tệ có thể được điều chỉnh một chút để hút nguồn vốn đó vào trong hệ thống ngân hàng. Vì nếu gửi USD chỉ bằng lãi suất 0 đồng thì người dân sẽ tự trữ ngoại tệ ở nhà chứ không đem gửi ngân hàng, trong bối cảnh niềm tin vào hệ thống tài chính trong giai đoạn vừa qua đã có một số trục trặc.
Thêm một giải pháp vĩ mô nữa cần chú trọng là chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì.
Về vi mô, tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt từ trước đến nay đã tự vật lộn để tồn tại và phát triển, vì vậy, câu cửa miệng vẫn là “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Ngoài việc tự cứu mình, các doanh nghiệp nhỏ rất cần có sự hỗ trợ, tư vấn để lập ra những kịch bản, xây dựng chiến lược tốt hơn chống đỡ với các khó khăn và không thể không có những quỹ dự phòng đối mặt với rủi ro. Vì vậy, doanh nghiệp phải đổi mới lại cách quản trị, xây dựng các kịch bản đối mặt với biến động của nền kinh tế và thế giới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải cấu trúc lại sản xuất kinh doanh, thậm chí là chuyển hướng, bởi vì doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển hướng kinh doanh dễ hơn do mức độ rủi ro không lớn. Họ có thể chọn các ngành hàng, mặt hàng đang cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhắm vào sự thiếu hụt của thế giới trong khủng hoảng như về lương thực, thực phẩm khi Việt Nam đang rất có lợi thế.
Nhìn về dài hạn, có hai xu hướng hầu như doanh nghiệp trên thế giới rất quan tâm đó là phát triển doanh nghiệp xanh và quản trị phát triển bền vững ESG. Đây là cửa tốt nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ, nhưng về vĩ mô thì chính phủ vẫn phải có Quỹ đầu mối để tiếp cận với các nguồn vốn chuyển dịch năng lượng mà EU đã ký cam kết 15,5 tỷ USD. Hoặc Việt Nam có thể thành lập một ngân hàng khí hậu - một ngân hàng bán buôn tiếp quản nguồn vốn đó và sẽ làm thêm cả nhiệm vụ đầu tư.
Bên cạnh quá trình cấu trúc các ngân hàng yếu kém, chúng ta vẫn phải có những ngân hàng mới làm đầu mối tiếp cận nguồn vốn tăng trưởng và chuyển dịch năng lượng bền vững, tăng trưởng xanh. Nguồn vốn chuyển dịch tốt sẽ là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận được thêm tài chính cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
ThS. Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN)