1. Phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 16/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 1629 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước;
Đến năm 2030, tỉnh cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương; duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và thu ngân sách cao nhất cả nước.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở quan trọng để tỉnh có những bước đột phá, phát triển mạnh trong tương lai, qua đó tiếp tục duy trì vị thế trong tứ giác kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ.
2. Dự án hơn 5 tỷ USD vận hành thử nghiệm
Sau hơn 5 năm xây dựng và chuẩn bị, ngày 25/12/2023, dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã đưa vào vận hành thử nghiệm.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 5,1 tỷ USD, diện tích đất sử dụng 464 ha. Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời được xếp vào dự án trọng điểm quốc gia.
Theo kế hoạch, cuối tháng 1/2024, LSP sẽ đưa toàn bộ dự án đi vào vận hành thương mại. Khi đó, LSP sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin, tạo việc làm ổn định cho 1.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
3. Khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm
Tháng 6/2023, Bộ GT-VT phối hợp UBND tỉnh tổ chức khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm, gồm: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994). Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km; sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km.
Dự án cầu Phước An có tổng chiều dài khoảng 4,4km. Tổng mức đầu tư dự án gần 4.900 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp hơn 3.800 tỷ đồng. Tiến độ xây dựng dự án 5 năm kể từ ngày động thổ công trình.
Tuyến đường ĐT994 dài gần 77km kết nối Vũng Tàu - Bình Thuận. Tuyến đường được thiết kế mở rộng, nâng cấp với quy mô từ 6-8 làn xe, vận tốc 80km/h. Điểm đầu tuyến giao với đường 991B (TX.Phú Mỹ); cuối tuyến giao với Quốc lộ 55 (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc). ĐT 994 sau khi nâng cấp, mở rộng sẽ thay thế tuyến đường hiện hữu kết nối toàn bộ các khu vực kinh tế du lịch biển ở khu vực phía Đông, xuyên qua những khu du lịch ven biển đẹp nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu là Long Hải, Phước Hải, Bình Châu...
Các dự án này dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối tháng 5/2025 đến quý III/2026.
4. Khánh thành Kho cảng LNG Thị Vải
Ngày 29/10, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) khánh thành và đưa vào vận hành Kho cảng LNG Thị Vải. Sự kiện này mở đường nhập khẩu LNG quy mô 1 triệu tấn/năm; đồng thời chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu, đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Tính đến thời điểm hiện tại, Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG có quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam với bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT; bồn chứa có dung tích 180.000m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm. Giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm.
5. Cảng cạn đầu tiên chính thức đi vào hoạt động
Ngày 28/10, cảng cạn Phú Mỹ tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ) chính thức đi vào hoạt động. Đây là cảng cạn thứ 3 tại phía Nam và đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tích hợp, trọn gói các dịch vụ cốt lõi và dịch vụ logistics; trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng cạn của Việt Nam.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.992 tỷ đồng.
6. Siêu tàu container lớn nhất thế giới cập cảng Cái Mép - Thị Vải
Tháng 3/2023, cảng Quốc tế Gemalink (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải) đón siêu tàu container M/V OOCL Spain với sức chở 24.188 TEU của hãng tàu OOCL trên chuyến hành trình đầu tiên kết nối Á-Âu.
Tàu M/V OOCL Spain có tổng chiều dài 399,9m, rộng 61,3m, trọng tải 224.850 tấn, được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.
7. Hai lễ hội được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Ngày 14/2/2023, Bộ VHTTDL đã ban hành các quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cụ thể, Bộ VHTTDL quyết định công nhận 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu có Lễ hội Dinh Cô (TT.Long Hải, huyện Long Điền) và Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam (TP.Vũng Tàu).
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam diễn ra từ 16 đến 18/8 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách. Lễ hội được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư Vũng Tàu duy trì từ hơn 100 năm nay, với các nghi thức mang đậm nét đặc trưng văn hóa miền biển. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân được trải nghiệm các nghi thức trong phần lễ và các trò chơi dân gian độc đáo ở phần hội như: rước cá Ông từ biển về, đánh trống, chiêng, hát bả trạo.
Lễ hội Dinh Cô (TT.Long Hải, huyện Long Điền) được tổ chức tại Dinh Cô, dưới chân núi Kỳ Vân, diễn ra từ ngày 10 đến 12/2 Âm lịch. Lễ hội thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần, cũng là sự kết hợp của lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long). Lễ hội là dịp để ngư dân cầu mong cho mưa gió thuận hòa, bình yên khi đi biển đánh bắt và ghe thuyền về đầy cá tôm.
8. Tuần lễ du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu
Diễn ra từ ngày 17 đến 19/11, các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đa dạng, phong phú gồm không gian ẩm thực, hội chợ OCOP, check in với mô hình tượng cát, biểu diễn dù lượn, giải chạy “Vung Tau Discovery night run 2023”, lễ hội diều, diễn đàn phát triển du lịch xanh, giải golf giao hữu… các hoạt động được tổ chức chủ yếu ở 2 địa bàn du lịch trọng điểm Bãi Sau (TP.Vũng Tàu) và Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc).
Tuần lễ Du lịch được đánh giá tạo cú hích cho mùa du lịch thấp điểm, thu hút hơn 100 ngàn lượt du khách.
9. Các hoạt động tri ân Anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), ngày 19/7, Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo.
Cũng trong ngày 19/7, tại huyện Côn Đảo diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước như: tổ chức lễ giỗ các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước tại Đền thờ Côn Đảo; gặp mặt các cựu tù chính trị Côn Đảo ở khắp mọi miền đất nước; thăm, tặng quà gia đình cựu tù chính trị và gia đình người có công đang sinh sống tại huyện Côn Đảo; lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Hàng Dương; cầu truyền hình chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” kết nối giữa Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Liệt sĩ A1 (tỉnh Điện Biên); thăm Bảo tàng Côn Đảo và di tích nhà tù…
10. Lần đầu tiên Bà Rịa-Vũng Tàu vào Top 5 về PCI
Lần đầu tiên, Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 4, góp mặt trong Top 5 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước với 70,26 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2021 (năm 2021, Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 9/63 tỉnh, thành trong cả nước).
Đây là mức cao nhất Bà Rịa-Vũng Tàu đạt được trong nhiều năm qua. Kết quả này giúp Bà Rịa-Vũng Tàu vươn lên vị trí thứ nhất trong khu vực Đông Nam Bộ.
Tỉnh đã thiết lập trang thông tin PCI và fanpage PCI trên mạng xã hội để phổ biến thông tin về các hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Với các mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang được các DN đánh giá rất cao về cải cách hành chính, giúp địa phương đạt và vượt các tiêu chí xếp hạng của PCI./.