Aa

10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2020

Thứ Ba, 22/12/2020 - 10:58

Bất chấp một năm đầy thử thách, ngành ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng. Cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước lần đầu có nữ Thống đốc

Sáng 12/11/2020, Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường báo cáo Quốc hội kết quả kiểm phiếu phê chuẩn bổ nhiệm 3 thành viên Chính phủ.

Kết quả, đã có 467 đại biểu Quốc hội (chiếm 97,08%) tán thành phê chuẩn bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2020

Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968, quê quán tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Bà có trình độ thạc sỹ kinh tế phát triển.

Được biết, bà Hồng là cựu học viên khóa 4 trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà có gần 30 năm công tác trong ngành ngân hàng. Vào tháng 1/1991, bà bắt đầu làm việc tại Vụ Quản lý Ngoại hối.

Sau đó, bà chuyển công tác sang Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước. Tại đây, bà từng đảm nhiệm các chức vụ như Trưởng phòng Cán cân thanh toán quốc tế, Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước .

Sự nghiệp của bà Hồng bắt đầu có sự thay đổi lớn khi Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định bổ nhiệm bà giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào ngày 16/8/2014.

Theo phân công, bà Hồng trong vai trò Phó Thống đốc có nhiệm vụ giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm, đồng thời phụ trách công tác chính sách tiền tệ; các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng trung ương; dự báo, thống kê; cán cân thanh toán quốc tế; theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, ngoài nước; công tác thông tin tuyên truyền, báo chí và là người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, bà cũng đảm nhận các vai trò như Trưởng Ban Điều hành quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, Trưởng Ban điều hành nghiệp vụ thị trường mở và Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng.

Ngoài ra, bà Hồng cũng có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê, Sở Giao dịch, Thời báo Ngân hàng và Tạp chí Ngân hàng.

Sau 5 năm tròn giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngày 16/8/2019, bà đã được Thủ tướng tái bổ nhiệm chức vụ này.

Việc Quốc hội bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước là sự kiện gây chú ý bởi bà là nữ Thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước.

Sự ra đời của Thông tư 01/2020/TT-NHNN

Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cơ quan này chỉ cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đối các khoản giải ngân trước ngày 23/1/2020.

Số liệu cập nhật đến ngày 9/11/2020 cho thấy các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.183 khách hàng với dư nợ 341.855 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 552.725 khách hàng với dư nợ 931.018 tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đạt 2.017.761 tỷ đồng cho 356.385 khách hàng.

Liên tiếp hạ lãi suất

Ngày 1/10/2020, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ các mức lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3%/năm xuống 2,5%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm.

Đặc biệt, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%.

Tất cả các biện pháp trên đều nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp vốn rẻ cho ngân hàng, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND để đáp ứng nhu cầu vốn ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Tính chung từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt hạ lãi suất điều hành. Riêng trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng đã giảm từ mức 5%/năm hồi đầu năm xuống còn 4%/năm như hiện tại. Trong khi đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn theo Thông tư 39 đã giảm từ 6%/năm xuống chỉ còn 4,5%/năm.

Các động thái hạ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước cùng với nhu cầu tín dụng yếu đã khiến lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại hạ rất mạnh.

Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 2,5 - 3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9 - 5,8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

Vùng lãi suất tiền gửi hiện tại đã thấp hơn mức cuối năm 2019 từ 1,5% - 3%/năm và đang là vùng thấp lịch sử.

Dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua USD

Những tháng cuối của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào USD. Dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ cán mốc 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, những năm gần đây, nhờ chính sách ổn định tỷ giá và lãi tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bằng 0, hiện tượng đô la hóa đã giảm đáng kể. Do đó, đối với chính sách ngoại tệ, chỉ cần duy trì ổn định tỷ giá là được, không cần phải dùng đến biện pháp tăng giá VND.

Vị chuyên gia này cho rằng sắp tới, khi có phục hồi kinh tế sau Covid-19, nhu cầu USD của Việt Nam có thể tăng nhanh trở lại. Khi đó, dự trữ ngoại hối có thể giảm hoặc ít nhất cũng không tăng như vừa qua.

"Tóm lại, việc dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng không phải là một kỳ tích, vì nó chỉ đơn giản là phản ánh diễn biến của nền kinh tế, cũng như quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Và trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng đó là chính sách phù hợp. Chỉ cần lưu ý, là nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được, tránh gây lạm phát", ông Thành khuyến nghị.

Từ "vừa đủ" hàm ý rằng có thể trung hòa hơi lỏng một chút, không cần quá chặt chẽ, vì như thế cũng là một cách nới lỏng nhẹ tiền tệ, phục vụ cho mục đích chống suy giảm kinh tế trong thời gian dịch Covid-19.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/11/2020, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ giá mua vào ngay USD.

Cụ thể, theo biểu niêm yết, giá mua vào giao ngay đã giảm xuống mức 23.125 VND, tức giảm 50 VND so với phiên giao dịch liền trước.

Trước đó, ngày 29/11/2019 chứng kiến lần điều chỉnh giá mua USD gần nhất với mức giảm 25 VND.

Nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ thặng dư thương mại hàng chục tỷ USD là một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra để lý giải cho động thái hạ giá mua USD của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, mục tiêu dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD trong năm nay cũng đã sắp hoàn thành.

Động thái này cũng được cho là sẽ giảm bớt sự hỗ trợ gián tiếp từ Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng, bởi trong nhiều tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tranh thủ chênh lệch cao giữa tỷ giá mua vào và tỷ giá bán cho Ngân hàng Nhà nước để kiếm lời lớn.

Ngân hàng Nhà nước phản ứng việc Hoa Kỳ xác định Việt Nam "thao túng tiền tệ"

Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Tại báo cáo tháng 12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa 10 nền kinh tế vào Danh sách giám sát gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể, gồm: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tại báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định là thao túng tiền tệ.

Về vấn đề này, trong thông cáo phát đi, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

"Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia", phía Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

"Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế - thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước", thông cáo viết.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Mở hành lang pháp lý cho e-KYC

Ngày 4/12/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Đáng chú ý, Thông tư có bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC).

Cụ thể, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mờ tài khoản thanh toán bàng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).

Về hạn mức giao dịch, Thông tư quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng phương thức điện tử nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng.

Tuy nhiên, các ngân hàng được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức quy định trên đối với các trường hợp được quy định cụ thể bởi Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng quốc doanh "thuận đường" tăng vốn

Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại quốc doanh (gồm Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank) từ chỗ là bài toán khó thì đến năm nay đã ghi nhận những thành tựu tích cực.

Agribank đã được Quốc hội cho phép tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền ngân sách. Theo đó, Chính phủ được bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 nhằm bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng này nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.

Đối với 3 "ông lớn" còn lại, dù chưa được Nhà nước đồng ý "rót tiền" nhưng cơ chế tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu đã được khơi thông.

Cụ thể, ngày 9/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP theo hướng mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trên thực tế, ngay khi cơ chế trên được thông qua, VietinBank đã tiến hành các thủ tục để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, VietinBank sẽ lấy lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và 2019 làm nguồn vốn để phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.

Tỷ lệ phát hành là 28,8%, cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ được nhận thêm 28 cổ phần mới. Tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa hơn 1 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ VietinBank sau khi phát hành sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên gần 48.000 tỷ đồng.

Năm của những thương vụ bancassurance "khủng"

Giữa tháng 12/2020, VietinBank và Tập đoàn Tài chính Manulife thông báo VietinBank và Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance).

Theo đó, Manulife Việt Nam sẽ phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng VietinBank tại Việt Nam. Với thỏa thuận bancassurance này, Manulife sẽ được phân phối bảo hiểm thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch trên toàn quốc của VietinBank.

Trước đó, hồi cuối tháng 6/2020, hãng tin Bloomberg cho biết, thỏa thuận bancassurance giữa VietinBank và Manulife có thể được đem về phí trả trước vài trăm triệu USD.

Là một phần gắn liền với giao dịch, Tập đoàn Tài chính Manulife Châu Á cũng sẽ mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam (Aviva Việt Nam) - đối tác phân phối độc quyền bảo hiểm của VietinBank trước khi có sự gia nhập của Manulife.

Một thương vụ bancassurance "khủng" khác là hợp tác giữa ACB và Sunlife Việt Nam. Cụ thể, ACB sẽ phân phối độc quyền các sản phẩm nhân thọ của Sunlife Việt Nam trong vòng 15 năm, từ ngày 1/1/2021.

Ban lãnh đạo ACB cho biết khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng), sẽ được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt, cùng với các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.

Nhiều ngân hàng sạch nợ tại VAMC trong năm 2020

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết đến hết tháng 10/2020, VietinBank đã chủ động tất toán được toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC và không còn dư trái phiếu đặc biệt tại VAMC.

Trước VietinBank đã có 18 ngân hàng khác là: Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, KienLongBank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank sạch nợ tại VAMC.

Trong đó, VietinBank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank, VietBank là các ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC trong năm 2020.

Trước đây, bán nợ xấu cho VAMC là một trong những giải pháp mang tính "hoãn binh", chờ nội lực ngân hàng đủ lớn để giải quyết nợ xấu thay vì chịu áp lực trích lập dự phòng lớn theo quy định. Do đó, mặc dù đẩy nợ xấu sang VAMC nhưng hàng năm, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao.

Trong 2 - 3 năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh việc mua lại nợ xấu tại VAMC.

Ngân hàng "đua nhau" chuyển sàn

Năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán, theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Dưới áp lực pháp lý, các ngân hàng nhỏ hơn đã bắt đầu niêm yết trên sàn UPCoM (như Viet Capital Bank, Nam A Bank) vào năm 2020. Bên cạnh đó còn có các ngân hàng lớn hơn có kế hoạch niêm yết trực tiếp trên HoSE (như OCB, MSB, SeABank) vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.

PGBank cùng MSB là hai cái tên mới nhất lên sàn. Trong khi PGBank chào sàn UPCoM vào ngày 24/12 thì MSB chào sàn HoSE vào ngày 23/12.

Đáng chú ý, ngay cả các ngân hàng không chịu áp lực pháp lý vì đã niêm yết trên sàn HNX như SHB, ACB hoặc giao dịch trên UPCoM như VIB, LienVietPostBank cũng đã và đang tiến hành chuyển sàn.

Theo đó, ngày 9/11, LienVietPostBank đã đưa gần 979 triệu cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Với mức giá trên 12.000 đồng/cổ phiếu, LPB có vốn hóa đạt khoảng 11.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 500 triệu USD).

Sau đó 1 ngày, VIB đã niêm yết hơn 924 triệu cổ phiếu lên sàn HoSE với giá tham chiếu 32.300 đồng/cổ phiếu. VIB trở thành ngân hàng thứ 12 lên sàn HoSE với vốn hóa gần 30.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD).

Tiếp đó, ngày 9/12, hơn 2,16 tỷ cổ phiếu ACB đã chính thức niêm yết trên sàn HoSE với giá chào sàn là 26.400 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa theo đó ở mức trên 57.000 tỷ đồng khi chào sàn và hiện đã vượt mốc 60.000 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top