Giai đoạn bình chọn bắt đầu từ ngày 01/12 đến 0 giờ ngày 31/12 tại website http://ashui.com/awards. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào ngày cuối cùng của năm 31/12/2018.
Chúng ta cùng chiêm ngưỡng 10 đề cử cho danh hiệu “Xây dựng Xanh của Năm” dưới đây:
6th Element Tây Hồ Tây/Thiết kế: CUBIC Architects
Hiện nay trong việc thiết kế các công trình nhà ở xanh, các kiến trúc sư bên cạnh việc quan tâm đến việc giảm những tác động xấu của công trình xây dựng tới môi trường còn cần chú trọng đến việc kết nối con người với thế giới tự nhiên. Đặc biệt ở các chung cư cao tầng, loại hình nhà ở vốn bị coi là kém tính cá nhân hóa, thiếu sự gần gũi với tự nhiên.
Để thực hiện được điều này các kiến trúc sư đề xuất ra một số mục tiêu và những giải pháp để hiện thực hóa được những mục tiêu đó: Tăng tối đa diện tích xanh, bù lại phần đất mà công trình đã chiếm của quỹ đất tự nhiên; Tạo môi trường vi khí hậu tốt nhất cho tất cả các căn hộ; Tận dụng tối đa thông gió, chiếu sáng tự nhiên để giảm sử dụng năng lượng ở các không gian công cộng của tầng căn hộ; Tạo ra một môi trường sống nhân văn, gần gũi thiên nhiên cho cư dân.
Sàn phẳng xốp ACIF
Sàn phẳng xốp ACIF sử dụng các khối hộp BIDECK – là khối hộp làm từ xốp được định hình tạo rỗng, được sử dụng để tạo nên Sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn. Đây là giải pháp kết cấu sàn nhẹ tối ưu đã được sử dụng trong ngành xây dựng.
Ưu điểm vượt trội của ACIF còn là chiếm lợi thế về kích thước, có thể cắt xén hạ cốt wc, các vị trí giao cắt để tối ưu độ rỗng theo thiết kế, dễ dàng vận chuyển, bảo quản ngoài trời và đặc biệt chịu được tải trọng thi công rất nặng. Hình dáng cải tiến, độ đặc và kích thước linh hoạt không bắt lửa đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Viên xốp tạo ra tường nhẹ, móng nhẹ, là giải pháp hoàn thiện nhất trong lĩnh vực xây dựng hiện nay.
Bệnh viện Đa khoa & Ung bướu/Thiết kế: VHA Architects
Trong không gian hạn chế của đô thị Hà Nội, VHA Architects đề xuất một ý tưởng kiến trúc xanh và phát triển bền vững cho dự án Bệnh Viện Đa Khoa và Ung Bướu với việc áp dụng các giải pháp kiến trúc và kỹ thuật mới trên một khối hộp chữ nhật “thông minh” cao 10 tầng được tách khối theo công năng bên trong và tịnh tiến sang 2 hướng. Khối chữ nhật độc đáo này mang hiệu ứng động tạo nên tầm nhìn và kết nối tốt với không gian đô thị xung quanh.
Với sự hiện diện tích cực của không gian xanh, ánh sáng và gió tự nhiên, hình khối kiến trúc và đường nét theo phong cách kiến trúc hiện đại và những giải pháp kỹ thuật và vi khí hậu đã được áp dụng, tất cả thể hiện tính độc đáo của dự án như một ví dụ điển hình cho mô hình kiến trúc xanh và phát triển bền vững trong dự án bệnh viên tư nhân với quy mô vừa và nhỏ, đáp ứng tiêu chuẩn của bệnh viện hiện đại trên thế giới.
CH house/Thiết kế: ODDO architects
Nhà CH House dựa trên các ngôi nhà ống cổ, truyền thống của miền Bắc (Hà Đông, Hà Nội). Ngôi nhà được chia ra nhiều gian và có sân trong. Mặt tiền của căn nhà được thiết kế với 3 lớp (triple façade). Lớp vỏ được thiết kế bằng gạch gió có lỗ hổng. Lớp trong cửa và vách kính khung sắt. Lớp giữa trồng cây xanh. Các lớp có chức năng chắn bụi, chắn tiếng ồn và che nắng. Những giếng trời và không gian xanh trong nhà giúp ánh sáng tiếp cận và vượt qua giới hạn ánh sáng do chiều sâu của nhà, và đồng thời cho phép luồng thông gió tự nhiên.
CH house có những không gian xanh trong nhà để những hoạt động thường ngày của các thành viên đều liên quan đến những không gian xanh và tạo cảm giác họ đang sinh sống trong môi trường có sự có mặt của thiên nhiên. Trồng cây xanh trong nhà và việc chăm sóc cây cũng là một phần giáo dục cho trẻ nhỏ. Dựa vào tinh thần truyền thống, CH house được thiết kế đề cao việc kết nối con người với con người.
Ngôi nhà Đức TP.HCM (Deutsches Haus HCMC)/Tư vấn thiết kế xanh và bền vững: Indochine Engineering Vietnam
Ngôi nhà Đức TP.HCM là công trình cao ốc văn phòng cao cấp tiên phong về sáng tạo và tiết kiệm năng lượng, tọa lạc ngay trung tâm thành phố tại vị trí chiến lược ở góc đường Lê Duẩn – Lê Văn Hưu. Tòa nhà 25 tầng với tổng diện tích sử dụng lên tới khoảng 30.000 m2 được dùng làm văn phòng cao cấp. Thiết kế xem xét đến các yếu tố phát triển và quy hoạch đô thị. Đây là một công trình được thiết kế trong suốt và lôi cuốn của thành phố, với mặt dựng thể hiện yếu tố kỹ thuật của Đức. Hơn nữa, mặt dựng hai lớp của công trình nhấn mạnh yếu tố tiết kiệm năng lượng của tòa nhà trong điều kiện khí hậu của Việt Nam.
Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã trao cho Ngôi nhà Đức TP.HCM danh hiệu “EnEff” vì đã áp dụng các giải pháp và công nghệ xây dựng tiết kiệm năng lượng bền vững và hiện đại “Xuất xứ từ Đức”. Đây cũng là tòa nhà cao ốc đầu tiên ở Việt Nam và một trong số rất ít tòa nhà ở Đông Nam Á được trao tặng hai chứng nhận tiết kiệm năng lượng giải Bạch Kim LEED của Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ và DGNB Vàng của Hội đồng công trình bền vững tại Đức.
Horizontal Green (Citi Bella 2)/Thiết kế: MIA Design Studio
Dự án Horizontal Green là khu nhà ở liền kề nằm ở trung tâm của khu đô thị Cát Lái, là nơi dãn dân của Thành phố Hồ Chí Minh. Với đối tượng sử dụng hướng đến là những cư dân trẻ, năng động. Các kiến trúc sư đã tạo ra một môi trường sống thú vị, với những khoảng không gian xanh ngẫu hứng, xóa nhòa ranh giới của từng căn nhà liền kề lặp lại nhàm chán. Cảm hứng thiết kế được bắt nguồn từ phương vị ngang của tự nhiên, trong một tổng thể của đất trời, cảm giác của sự bao la phóng khoáng, thư giãn. Trong phương vị ngang đó các căn nhà bị lẫn vào nhau, không còn là 1 căn nhà lô phố 5 x 20m nữa, mà là một tổng thể hòa quyện không ranh giới.
Trong bối cảnh kiến trúc và môi trường sống của nhà ở lô phố trong đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Horizontal Green là một giải pháp để cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho chính cư dân sống ở đó và thêm một phần mảng xanh cho đô thị.
Tổ hợp nhà máy nước mặt Sông Đuống/Infinitive Architecture
Do tính chất đặc thù, công trình tọa lạc ở vị trí thích hợp của hồ chứa nước. Do đó, để hòa mình vào bao cảnh đồng ruộng bao la và cái tứ của làng Gióng, văn phòng thiết kế Infinitive Architecture đề xuất hình khối kiến trúc cô đọng, tối giản, bền vững và thân thiện, hòa lẫn vào thiên nhiên. Khác hẳn với các văn phòng công nghiệp, các kiến trúc sư đưa giải pháp về hình khối và không gian hữu cơ, thân thiện của một khu nghỉ dưỡng, và cái không khí tĩnh lặng, khúc chiết của một tiện ích giáo dục, cộng đồng. Đây là ý tưởng xuất phát từ khái niệm tự nhiên và tồn tại như chính bản nghĩa của giọt nước, là nguyên liệu và sản phẩm của nhà máy này.
Việc xây dựng một tiện ích văn phòng gần gũi với thiên nhiên, giãn ra khỏi đô thị và các khu công nghiệp, trong bán kính đi lại của ô tô và tàu điện ngầm của tương lai gần, có lẽ sẽ là một sự lựa chọn thân thiện và hiệu quả của các doanh nghiệp không có nhu cầu làm việc ở các khu CBD (central business district).
Quy trình thiết kế tích hợp, ứng dụng công nghệ mô phỏng năng lượng/Tác giả: edeec
Nhóm giải pháp năng lượng công trình của Edeec đề xuất ứng dụng quy trình thiết kế tích hợp, kết hợp với công nghệ mô phỏng năng lượng nhằm tối ưu hóa quá trình thiết kế và phân phối đầu tư.
Sau hơn 5 năm hoạt động của một số thành viên chủ chốt Edeec với tư cách chuyên gia tại các dự án liên quan tới hiệu quả năng lượng và công trình xanh, như dự án sửa đổi quy chuẩn năng lượng công trình của IFC – Tập đoàn Tài chính Quốc tế do Nhóm Ngân hàng thế giới tài trợ, “Chương trình Năng lượng Sạch Việt Nam – VCEP” do USAID tài trợ, chương trình quy chuẩn năng lượng UNDP và Bộ Xây dựng. Nhóm kỹ thuật đã từng tham gia các dự án trên quyết định tăng cường hoạt động nhằm mở rộng việc phổ biến những thay đổi tích cực cho các công trình tại Việt Nam. Bằng cách ứng dụng các thành quả nghiên cứu tiên tiến trong các dự án phi chính phủ, hoạt động trên nền tảng pháp lý là công ty Edeec, theo định hướng sử dụng năng lượng hiệu quả, tối ưu thiết kế trong kiến trúc và kỹ thuật năng lượng để đem lại hiệu quả đầu tư tốt hơn so với mức trung bình. Thậm chí công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh có thể giảm được chi phí đầu tư ban đầu nhờ vào các tính toán tối ưu hóa chuyên sâu.
Thư viện VAC/Thiết kế: Farming Architects
Ở công trình này, Farming Architects lý giải mô hình VAC đô thị, tạo ra một vòng khép kín Vườn- Ao- Chuồng giữa thành phố. Mô hình này được gọi là VAC bởi nó có điểm tương đồng với mô hình VAC ở vùng nông thôn Việt Nam, đó là trồng rau kết hợp nuôi cá, tuy vậy kết cấu chính của nó dựa trên hệ thống Aquaponics - sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển chất thải từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng. Nước cũng được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp cho bể cá. Hệ thống này hi vọng có thể giải quyết được hai xu hướng nói trên.
Đây đồng thời là không gian thư viện mở trực quan dành cho trẻ em. Những đứa trẻ ở trong khu vực và nơi khác có thể đến đây chơi đùa cùng nhau, đọc sách tại thư viện và học về mô hình sinh thái này một cách trực quan ngay tại công trình.
VH house/Thiết kế: ODDO architects
Nhà VH house lấy cảm hứng từ nhà cổ của Hà Nội được thiết kế với nhiều sân vườn mở. Những khoảng trống mở tạo điều kiện cho luồng thông gió tự nhiên và cung cấp ánh sáng tự nhiên.
Trong thế giới hiện đại với nhịp sống bận rộn ngày nay con người đã bị rời xa thiên nhiên. Con người cũng như các động vật khác nguồn gốc từ thiên nhiên, nên chúng ta cần kết nối lại với thiên nhiên để tạo ra một mối quan hệ tích cực trong sự phát triển bền vững. Nhà VH house được thiết kế với nhiều không gian cây xanh. Trên mái nhà có 2 vườn xanh để trồng cây ăn quả và rau sạch. Ý tưởng công trình là trả lại gia đình một không gian vườn để trồng cây, và tạo ra không gian nghỉ dưỡng giữa một thành phố bận rộn. Việc duy trì, chăm sóc vườn hàng ngày sẽ là một phần giáo dục trẻ em để tạo ra mối quan hệ tốt giữa con người và thiên nhiên.