Nội dung được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 30/12/2019, liên quan đến một số định hướng đối với các địa phương trong lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2020.
Có 8 định hướng được Bộ trưởng Hùng đặt ra tại hội nghị này.
Thứ nhất, các địa phương chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, nhất là các doanh nghiệp lớn như Bưu điện Việt Nam, Bưu chính Viettel (Viettel Post) xây dựng mạng lưới chuyển tải đến từng hộ gia đình, đến 24 triệu hộ gia đình cũng như xây dựng hạ tầng logistic tại các thành phố lớn. Vì đây là nền tảng rất quan trọng để phát triển thương mại điện tử.
Thứ hai, các địa phương thống nhất chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn xây dựng hạ tầng viễn thông dùng chung, nhất là đối với các hoạt động của viễn thông mới, hạ tầng 5G và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạng lưới chất lượng dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, phát triển kinh tế số. Hạ tầng viễn thông Việt Nam phải lọt Top 50 trên thế giới.
Thứ ba, về Chính phủ điện tử, 100% các tỉnh, thành phải xây dựng trục kết nối, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và kết nối vào trục quốc gia. Năm 2020 tất cả các tỉnh, thành và bộ, ngành sẽ kết nối liên thông với nhau, chia sẻ dữ liệu với nhau, cung cấp nhiều dịch vụ công cấp độ 4, ít nhất là 30 % các dịch vụ công phải trực tuyến cấp độ 4, tức là cung cấp hoàn toàn trên mạng.
Về cấu phần công nghệ thông tin của đô thị thông minh các tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để làm thí điểm, đảm bảo thiết thực hiệu quả, tránh lãng phí. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và có hướng dẫn để làm với quy mô và phạm vi lớn hơn.
Thứ tư là về an toàn an ninh mạng, 100% các tỉnh phải xây dựng trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng, đảm bảo an toàn an ninh mạng trong điều kiện tiên quyết để đưa các ứng dụng và dữ liệu lên mạng. Bởi vậy, phải được ưu tiên và đầu tư trước.
Thứ năm, cứ mỗi 1.000 người dân thì phải có một doanh nghiệp công nghệ số của địa phương để thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ nhằm đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp, mọi hộ gia đình. Các địa phương có chính sách và chương trình để hỗ trợ hình thành khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp địa phương này.
Thứ sáu là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển đổi số quốc gia trong quý I/2020, các địa phương sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số của địa phương mình cũng như chương trình chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và xong trong quý II/2020. Năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia. Đây là sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện.
Thứ bảy, các doanh nghiệp hoàn thành quy hoạch báo chí vào năm 2020. Xây dựng trung tâm để giám sát thông tin trên không gian mạng, phát hiện các thông tin sai, xấu độc liên quan đến địa phương và thực tiễn chọn lọc. Không gian mạng của tỉnh mình lành mạnh, sạch là trách nhiệm của từng địa phương.
Thứ tám, các tỉnh cần ít nhất 1% ngân sách hàng năm để cho cho chương trình các lĩnh vực thông tin và truyền thông, ngân sách tiết kiệm được do Chính phủ điện tử, đô thị thông minh dành cho tái đầu tư vào các chương trình này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông là một cửa giải đáp, tư vấn, hỗ trợ về tất cả các nội dung trên. Tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ đó và khó khăn gì thì liên hệ với Bộ. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ sát cánh, song hành cùng các địa phương.