Nếu có dịp một lần đi ngang qua khu vực đường Nguyễn Xiển (Phường Long Thạnh Mỹ), Long Thuận, Phước Long (Phường Phước Long) thì cái đầu tiên đập vào mắt bạn sẽ là một “tác phẩm nghệ thuật” những số điện thoại được viết, vẽ, in ở khắp mọi nơi.
Thấy chúng tôi đang có nhu cầu mua đất nền trên đường Nguyễn Xiển, Đạt – một nhân viên mối giới của công ty Việt Nhân, ăn mặc khá chỉnh chu liền tiếp cận, “anh mua đất để cất nhà hay đầu tư”. Thấy tôi có vẽ ngập ngừng, Đạt tiếp tục “anh mua nền khoảng bao nhiêu mét vuông? Giá bao nhiêu? Đất dự án hay là đất của dân tự phân lô?...” Khi thấy một dự án gần đó có treo đầy băng rôn rao bán, tôi có ý định mua 1 nền khoảng 52m2 tại đây, nhân viên này lấy ra một catalog dày cộm chứa hầu như tất cả thông tin về các khu đất quanh khu vực này và thuộc như nằm lòng tiếp tục tư vấn, “hiện nay nền 52m2 chỗ dự án của em chỉ còn 1 nền duy nhất, giá từ 1 tỷ 120 đến 1 tỷ 130 triệu/nền tương đương khoảng 22 triệu/m2, đất này công ty bên em đã mua lâu rồi phân lô bán nền nên mới có giá đó, chứ anh mua đất mặt tiền thì giá cao hơn nhưng săn hàng hơi khó. Hay em giới thiệu cho anh một nền chỗ hẻm này 90m2 có giá 1,3 tỷ?”.
Một dự án đã xây nhà cấp 4 nhằm tách sổ nhưng vướn thủ tục nên tạm ngưng. Ảnh: ST.
Cạnh chúng tôi là khu đất quy hoạch để làm công viên, tuy nhiên hình ảnh đập vào mắt đầu tiên đó là những mẫu quảng cáo bán đất được in màu đỏ cực nổi của giới cò đất quanh khu vực này. Bên phải chúng tôi là một vài ngôi nhà cấp 4 được xây lên để chia lô, tách sổ, thế nhưng nghe nói chủ đầu tư không thực hiện được, đành tạm để dỡ và chúng trở thành một vị trí ngon lành để giới cò đất hành nghề tiếp thị vẽ quảng cáo. Ngay trước mặt tôi là một kiểu tận dụng sự hiện diện của chiếc thang bằng tre vốn dùng để chống dây điện để quảng cáo. Cách đó không xa là một loạt những standy dựng dọc hai bên đường, cạnh ngã ba, ngay đó là một quán cà phê giả chiến. “Hôm nay thời tiết hơi xấu nên không thấy xuất hiện nhiều chứ thường ngày cò đất thường tập trung trong những quán cà phê, có khi sinh hoạt cả ngày để tư vấn cho khách có nhu cầu, lúc cao điểm có đến hàng trăm người”, chị Thịnh, bán tạp hóa cạnh đó cho biết.
Những “vết tích” để lại
Anh Bảy, nhà gần ngã ba Lò Lu – Nguyễn Xiển, đang tìm mua đất để xây nhà cho con, cho chúng tôi biết thêm: “mấy ngày nay tôi đã đi tìm hiểu khá nhiều dự án rồi, nhưng vẫn chưa chọn được nền nào, khu này giờ hiếm đất lắm, mua lại thì giá cao quá, nếu chịu khó mấy anh xuống dưới khu vực Long Thuận, Phước Long có thể sẽ rẽ hơn, chỗ đó cũng đang sốt đất”.
Đến đây chúng tôi mới hiểu vì sao hôm nay cò đất khá vắng, chỉ còn hiện diện những “vết tích” quảng cáo, hầu hết dân cò đất đã di chuyển xa hơn một tí để tiếp thị.
Những “vết tích” để lại của giới cò đất nơi đây có thể xem như một “tác phẩm nghệ thuật” chẳng giống ai, họ tận dụng hầu như bất cứ nơi nào còn chỗ trống (trên tường nhà, trên thân cây, trên hàng rào dự án, trên cột điện, cắm cọc dọc đường, trên thành cầu, trên và dưới lòng đường, ống thoát nước, khối bê tông kể cả biển báo giao thông,…) để tranh thủ viết, vẽ, in những thông tin để lại cho khách hàng bằng nhiều chất liệu như sơn, giấy A4 bọc nhựa, in hiflex treo, vẽ bằng phấn, ghi bằng than không khác gì một “bản hòa tấu của những số điện thoại” với đầy đủ sắc màu. Những vết tích này cộng với bụi đường, ổ voi, ổ gà được tạo nên bởi hàng hàng chiếc xe ben chở đất đá ngày đêm cày ải trục đường Nguyễn Xiển, Lò Lu, Lã Xuân Oai,… khiến cho nơi này như một mớ hỗn độn không hơn không kém:
Một kiểu tận dụng vị trí địa lý lành nghề. Ảnh: ST
Một vị trí không thể tốt hơn để quảng cáo. Ảnh: ST
Dọc đường Long Thuận có hàng trăm mẩu rao bán nhà đất thế này kiểu như đã được cấp phép hẳn hoi. Ảnh: ST
Một mảng tường được tận dụng tối đa để tiếp thị, nếu bạn có ý định mua đất thì bạn gọi số nào? Ảnh: ST
Hàng hàng xe ben ngày đêm cày ải từng mét đường nơi đây tạo điều kiện cho bụi bịt bùng một khoảng không. Ảnh: ST
Sức chịu đựng những con đường nơi đây cũng có hạn nên được chăm sóc hàng ngày. Ảnh: ST
Thành cầu là một ví trí không tồi... Ảnh: ST
Ống thoát nước trở thành chỗ ở lý tưởng cho những số điện thoại "ẩn nấp"... Ảnh: ST
Biển báo giao thông cũng chẳng tha. Ảnh: ST
Dường như nơi này đã hết chỗ trống để vẽ thêm. Ảnh: ST
Nhà dân thì kệ nhà dân, ta mà đã vẽ thì không có chừa. Ảnh: ST
Một kiểu “giăng lưới tóm gọn cả đám” thường thấy. Ảnh: ST