Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, 11 nhóm tiên phong đến từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ đã tham gia thiết kế, xây dựng và mang những ngôi nhà của tương lai tới công chúng. Đây đều là những thiết kế đặc sắc tham gia vào cuộc thi U.S. Department of Energy Solar Decathlon 2017 (Phát triển năng lượng mặt trời 2017) tại Denver, Colorado.
Những tác phẩm dự thi này đều có kiến trúc thông minh hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và thích hợp hơn cho đời sống, làm việc và vui chơi của con người. Ngày 15/10 vừa qua, công trình kiến trúc thắng cuộc đã được công bố, giải nhất thuộc về công trình NeighborHub của nhóm The Swiss Team.
Dưới đây là 11 ngôi nhà đại diện cho kiến trúc của tương lai:
Our H2Ouse của nhóm UC Davis
Xuất phát từ cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch ở Califonia, những sinh viên của trường UC Davis đã thiết kế ra ngôi nhà năng lượng mặt trời có khả năng chịu hạn được gọi với cái tên Our H2Ouse (được phát âm là “our house” – ngôi nhà của chúng ta và được hiểu là “our H2O use” – việc sử dụng nước của chúng ta).
Được xây dựng với những tấm gỗ lấy từ các cây đã chết do hạn hán, ngôi nhà công nghệ cao này sử dụng ít hơn 50% lượng nước được sử dụng tại những ngôi nhà thông thường. Điều này có được là nhờ công nghệ thông minh, kiểm soát nước chảy, tái chế “nước xám” (nước đã qua sử dụng) và những tính năng tiết kiệm nước khác.
NeighborHub của nhóm The Swiss Team
Không giống như phần lớn các sản phẩm dự thi khác của Solar Decthalon 2017, tác phẩm thắng giải này không phải là một ngôi nhà mà là một không gian cộng đồng. The Swiss Team đã thiết kế cấu trúc thân thiện với môi trường này với mục đích sử dụng như một cơ sở giáo dục.
Về cơ bản, công trình sẽ dành cho những cộng đồng ngoại đô, nơi mà người dân địa phương có thể học và thử nghiệm các mô hình bền vững: năng lượng tái tạo, quản lý nước, quản lý rác thải, thức ăn, lựa chọn vật liệu và đa dạng sinh học.
reACT của Đại học Maryland
Nhóm sinh viên đến từ Đại học Maryland đã sáng tạo nên reACT (Công nghệ dân cư thích nghi khí hậu), một ngôi nhà bền vững thông minh có thể dễ dàng thích nghi với những nhu cầu và môi trường khác nhau. Cấu trúc tự hoàn thiện tuyệt đẹp này tạo ra năng lượng sạch, nước sạch và những thực phẩm giàu dinh dưỡng.
SILO của Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri
Ngôi nhà của tương lai này cho phép chủ nhà kiểm soát tất cả hệ thống của nó thông qua điện thoại thông minh. SILO, từ viết tắt của Ốc đảo sinh tồn công nghệ thông minh, là một không gian sống đầy ánh sáng được trang bị công nghệ năng lượng hiệu quả với kiến trúc nhà trang trại truyền thống.
RISE của Đại học California, Berkeley và Đại học Denver
Sinh viên đến từ 2 trường đại học này đã hợp tác để phát triển RISE, một giải pháp nhà ở bền vững và rất linh động, dễ thích nghi. Nó có thể được gập lại và mở ra giống như các khối nhà để lấp đầy mọi chỗ trống nhỏ nhất trong đô thị. Do đó ngôi nhà năng lượng mặt trời này có kích thước rất linh hoạt, dễ di chuyển.
Crete House của Đại học Washington ở St. Louis, Missouri
Được xây dựng với bê tông đúc sẵn, Crete House chứng minh rằng bê tông cũng là một vật liệu xây dựng đẹp mắt và bền vững. Nó có thể chống cháy, chống ẩm mốc, chống chịu động đất và các dạng thời tiết khắc nghiệt khác. Nó cũng có khả năng lưu trữ nước mưa thông qua hệ thống mái che của mình.
SURVIV(AL) House của Đại học Alabama
Ngôi nhà này được thiết kế để chống chịu với tất cả các dạng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như siêu bão năm 2011 ở Alabama. Ngôi nhà cũng có khả năng tự cung cấp năng lượng và có hẳn một phòng an toàn bên dưới. Đồng thời, nó cũng có một hệ thống trữ nước lên đến 10 nghìn gallon nước.
Enable House của Đại học Northwestern
Xuất phát từ nhu cầu của bộ phận dân số già, Enable House sử dụng năng lượng hiệu quả, có tính thẩm mỹ và có khả năng thích nghi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Những vật liệu xanh và tự nhiên cùng lối thiết kế lấp đầy ánh sáng giúp không gian bên trong ngôi nhà trở nên dễ chịu hơn.
Sinatra Living của Đại học Nevada, Las Vegas
Tương tự như Enable House, Sinatra Living cũng được thiết kế cho người lớn tuổi sinh sống. Ngoài việc sử dụng năng lượng hiệu quả và lành mạnh, nó cũng được trang bị những hệ thống điều khiển tự động để dễ dàng quản lý ngôi nhà.
Selficient của Đại học HU
Đây là một mô hình nhà thân thiện môi trường được lấy cảm hứng từ lego. Giống như đồ chơi lắp ghép, ngôi nhà năng lượng thông minh này đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau và có thể gập lại hoặc mở ra dễ dàng.
BEACH House của nhóm Daytona Beach
BEACH House có chi phí xây dựng phải chăng, sử dụng năng lượng hiệu quả và có cấu trúc truyền thống bền vững.