Aa

“16 tỷ USD xây sân bay Long Thành hợp lý hay không thì cần đấu thầu”

Thứ Tư, 20/11/2019 - 06:20

Theo TS. Vũ Đình Ánh, với những dự án lớn như sân bay Long Thành thì phải đưa ra đấu thầu để xác định giá. Khi đó, giá là do thị trường xác định chứ không phải do ý kiến chủ quan của ACV.

Liên quan đến câu chuyện đầu tư Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Long Thành với diện tích lên tới hơn 5.000 ha và tổng số vốn đầu tư 16,03 tỷ USD, nhiều Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về diện tích và tổng vốn khá lớn so với công suất 100 triệu khách mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra.

Phản hồi về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV cho biết, quy mô Dự án CHK Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất/ hạ cánh (tức 2 cặp đường cất/ hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư 16,03 tỷ USD. Ngoài chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 15 tỷ USD.

Theo ông Thanh, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách.

Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỷ USD/100 triệu hành khách. CHK Istanbul có công suất 200 triệu hành khách/năm khi hoàn thành 4 giai đoạn.

Dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với các giải pháp xây dựng và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle, tổng mức đầu tư là 4,779 tỷ USD.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM

5.000ha cho Long Thành là quá lãng phí?

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia diện tích và suất đầu tư của sân bay Long Thành vẫn cao hơn nhiều sân bay trên thế giới.

Chia sẻ trên trang cá nhân, PGS, TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM so sánh: "Sân bay Heathrow (Anh) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 1.227 ha, sân bay Changi (Singapore) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.300 ha, sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.533 ha, sân bay Frankfurt (Đức) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 2.300 ha".

Sau dẫn chứng trên, "như thế với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.300 đến 2.300 ha", PGS, TS. Nguyễn Thiện Tống kết luận.

Đặc biệt, sân bay mới Western Sydney (Úc) với diện tích quy hoạch 1.768 ha có năng suất thiết kế 82 triệu khách/năm. Sân bay này cũng cấp 4F với cấu hình 2 đường hạ cất cánh (3.700 m x 60 m), dãn cách giữa 2 cặp đường cất hạ cánh 1.900 m đảm bảo tiếp cận cất hạ cánh song song, độc lập… có tấn suất tối đa 98 chuyến cất hạ cánh/giờ cao điểm và 370.000 chuyến/năm.

"So với sân bay Western Sydney có cùng năng suất trên 80 triệu khách/năm thì sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha lớn gần gấp 3 lần và cấu hình 4 đường băng dài 4000 m là quá lãng phí", PGS, TS. Tống viết.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

"Phải đấu thầu chứ không nên chỉ định thầu"

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phải thực hiện cơ chế đấu thầu chứ không được chỉ định thầu.

Đây là một dự án rất lớn và có ảnh hưởng không chỉ ảnh hưởng trong ngành giao thông mà còn ảnh hưởng tới toàn xã hội Việt Nam.

"Thậm chí, sân bay Long Thành còn là sân bay tầm cỡ của khu vực, như vậy việc chỉ định thầu là không hợp lý còn việc khẳng định ACV có đủ năng lực hay không thì sẽ được chứng minh, hay nói cách khác là kiểm tra đánh giá thông qua cơ chế đấu thầu", ông Ánh lý giải.

Theo ông Ánh, do có phương án chỉ định thầu nên mới chỉ có mình ACV đưa ra con số về tổng vốn đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là hơn 16 tỷ USD.

Trong khi, đối với nền kinh tế thị trường, những dự án lớn đến vậy thì phải đưa ra đấu thầu để xác định giá. Và mức giá đó hợp lý hay không hợp lý, cao hơn hay thấp hơn mức ACV đưa ra hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình xét thầu và sự tham gia của các nhà đầu tư vào quá trình đấu thầu, ông Ánh cho hay.

Giá đó là do thị trường xác định chứ không phải do ý kiến chủ quan của ACV, chưa kể ACV lại là một doanh nghiệp cổ phần nhưng phần vốn của Nhà nước hiện nay lại chiếm đại đa số nên việc ACV đưa ra mức giá đó là bởi họ được chỉ định thầu nên họ đưa ra.

"Và khi bàn luận về câu chuyện mức giá đó hợp lý hay không hợp lý thì quan trọng nhất là cơ chế để xác định mức giá đó thông qua nền tảng cơ chế thị trường", chuyên gia Vũ Đình Ánh kết luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top