Aa

2 tỉnh ở ĐBSH hợp nhất: Tỉnh mới vừa có làng cổ hơn 200 năm, vừa có 'làng tỷ phú' là quê hương của hàng trăm người giàu

Thứ Bảy, 03/05/2025 - 20:11

Đây đều là 2 địa phương có lịch sử phát triển lâu đời và là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam.

Theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau khi hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, tên gọi đề xuất cho đơn vị hành chính mới là tỉnh Hưng Yên. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại địa điểm hiện nay của tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên và Thái Bình đều là những vùng đất cổ, nơi người Việt cư trú và khai phá từ rất sớm, với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc của Đồng bằng sông Hồng - cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam.

2 tỉnh ở ĐBSH hợp nhất: Tỉnh mới vừa có làng cổ hơn 200 năm, vừa có 'làng tỷ phú' là quê hương của hàng trăm người giàu- Ảnh 1.

Dự kiến sáp nhập Hưng Yên và Thái Bình. Ảnh: Internet

Theo sử liệu, vùng đất Hưng Yên ngày nay từng thuộc bộ Dương Tuyền thời các vua Hùng. Trải qua các triều đại, địa danh này mang nhiều tên gọi: thời Bắc thuộc thuộc đất Sơn Nam; thời Ngô Quyền là châu Đằng; đời Tiền Lê đổi thành phủ Thái Bình (không đồng nhất với tỉnh Thái Bình ngày nay); đến thời Lý - Trần là các lộ Long Hưng, Khoái; thời nhà Lê thuộc Nam đạo, rồi đạo Thiên Trường. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên chính thức được thành lập.

Trong khi đó, vùng đất Thái Bình vào thời Bắc thuộc thuộc hương Đa Cương của quận Giao Chỉ. Đến thời Hậu Lê, thuộc trấn Sơn Nam. Năm 1832, vua Minh Mạng điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập hai phủ Thái Bình và Kiến Xương vào tỉnh Nam Định, còn phủ Tiên Hưng nhập vào tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình chính thức được thành lập từ các phần đất tách ra từ Hưng Yên và Nam Định.

Không chỉ là vùng đất cổ kính, Hưng Yên và Thái Bình còn lưu giữ hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử, từ các làng nghề, làng cổ, đền chùa, cho đến những truyền thuyết dân gian và giá trị vật thể – phi vật thể được bảo tồn qua nhiều thế kỷ. Đáng chú ý, sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên mới sẽ là nơi hội tụ nhiều làng cổ nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) và làng Mẹo – tên dân gian của làng Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đây là hai làng cổ tiêu biểu không chỉ về lịch sử mà còn về sự phát triển kinh tế – văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

2 tỉnh ở ĐBSH hợp nhất: Tỉnh mới vừa có làng cổ hơn 200 năm, vừa có 'làng tỷ phú' là quê hương của hàng trăm người giàu- Ảnh 2.

Một biệt thự lại làng Mẹo. Ảnh: Báo VNEpress

Làng Mẹo, tên chính thức là làng Phương La, có lịch sử nghề dệt truyền thống hàng trăm năm. Tên gọi "Ứng Mão" là tên gốc của làng theo truyền thuyết mang ý nghĩa sao Mão, biểu tượng của sự giàu sang, phú quý. Theo thời gian, dân gian gọi chệch thành "Mẹo", vừa thân mật, vừa thể hiện sự lanh lợi, tinh tế trong kinh doanh.

Nghề dệt ở Phương La xuất hiện từ thời Trần, được truyền dạy bởi cụ Trần Hoằng Nghị. Trải qua bao thăng trầm, từ thời bao cấp đến khi chuyển sang kinh tế thị trường, người dân làng Mẹo đã thích ứng nhanh, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, khôi phục và phát triển nghề dệt một cách mạnh mẽ.

Ngày nay, làng Mẹo không chỉ duy trì nghề truyền thống với sản phẩm xuất khẩu, mà còn phát triển đa ngành như sản xuất bia (nổi bật là Bia Đại Việt của Tập đoàn Hương Sen), xây dựng, thủy điện, vận tải… Nhờ đó, hàng trăm hộ dân trở thành triệu phú, tỷ phú, biến Phương La thành một trong những "làng tỷ phú" nổi tiếng cả nước.

Người dân nơi đây không chỉ xây biệt thự, nhà cao tầng hiện đại, mà còn đầu tư vào hệ thống hạ tầng nông thôn như đường bê tông, siêu thị, ngân hàng, cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, đi cùng với phát triển, làng cũng đối mặt với thách thức môi trường từ các hoạt động công nghiệp.

2 tỉnh ở ĐBSH hợp nhất: Tỉnh mới vừa có làng cổ hơn 200 năm, vừa có 'làng tỷ phú' là quê hương của hàng trăm người giàu- Ảnh 3.

Làng Nôm. Ảnh: Báo Lao Động Thủ Đô

Với làng Nôm (hay Đại Đồng, Đồng Cầu) là một trong những ngôi làng cổ đẹp nhất miền Bắc, nằm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Lịch sử làng gắn liền với nghề thu mua đồng nát, một ngành nghề buôn bán đã giúp người dân có cuộc sống sung túc từ xưa. Làng cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và là trung tâm tín ngưỡng lâu đời của khu vực.

Được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2020, làng Nôm hiện vẫn giữ được không gian cổ kính, nếp sống thôn quê mộc mạc và các phiên chợ Nôm truyền thống vào các ngày 1, 4, 6, 9 âm lịch. Đây đang là điểm đến văn hóa – du lịch được nhiều du khách tìm về.

Việc sáp nhập hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình không chỉ là bước đi về mặt hành chính mà còn là sự kết hợp hài hòa của hai vùng đất cổ giàu truyền thống. Tỉnh Hưng Yên mới nếu được thành lập sẽ không chỉ mang trong mình tiềm năng phát triển kinh tế lớn, mà còn là một kho tàng di sản văn hóa độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top