Aa

23 dự án chậm tiến độ tại Cầu Giấy: Nhiều chiêu “né” thu hồi

Thứ Tư, 08/08/2018 - 06:11

Tại Khu đô thị mới Cầu Giấy có một loạt dự án trụ sở doanh nghiệp chậm tiến độ nhiều năm liền và các chủ đầu tư “né” thu hồi bằng nhiều chiêu kéo dài thời gian như gửi hàng loạt tờ trình xin thay đổi thiết kế, quy mô, mục đích hoạt động...

Trên khu đất của nhiều dự án biến tướng thành các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ... Ảnh: Dũng Minh

Trên khu đất của nhiều dự án biến tướng thành các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ... Ảnh: Dũng Minh

Hàng loạt “ông lớn” chậm tiến độ
Năm 2005, UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu vực trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, tỷ lệ 1/500, tại phường Yên Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Tổng diện tích khu vực trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy khoảng 280.051m2.
Theo quy hoạch, diện tích các lô đất sẽ được xác định chính xác ở bước triển khai dự án đầu tư xây dựng, được cấp thẩm quyền chấp thuận. Đồng thời, triển khai tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực đảm bảo tính hiện đại, với điểm nhấn cao tầng là Tổ hợp Khách sạn Keangnam 5 sao có chiều cao 70 tầng (tại lô đất 12 - E6).

Từ đây, không gian độ cao được chuyển tiếp, nhịp điệu cao thấp hài hòa về hai phía dọc theo các tuyến đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ, với nhiều công trình điểm nhấn tại các điểm ngã tư chính.

Tuy nhiên, đáng buồn là đến nay đã hơn 10 năm kể từ ngày được giao đất, hầu hết các dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” (trừ trụ sở Tổng cục Hải Quan đã đưa vào sử dụng và Tổng công ty Than Việt Nam đang thi công - phóng viên). Hơn nữa, một số lô đất trong số các dự án trên được sử dụng làm dịch vụ ăn uống, bãi gửi xe...

Trong khi đó, Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai hiện hành quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Kéo dài thời gian và tổ chức dịch vụ kinh doanh khác

Dù các cơ quan chức năng tại Hà Nội có nhiều cuộc thanh kiểm tra, ban hành nhiều văn bản đốc thúc, nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi dự án nào theo quy định pháp luật. Sở dĩ như vậy bởi không ít chủ dự án trong số này đã gửi nhiều văn bản lên các cơ quan có liên quan của Hà Nội, của bộ chủ quản đề xuất thay đổi công năng sử dụng, thay đổi mục đích hoạt động... của dự án. Và trong khi chờ các cơ quan này nghiên cứu có văn bản trả lời, thì dự án vẫn tiếp tục “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Đơn cử, theo quy hoạch được duyệt, Dự án trụ sở VEC tại lô 20 - E4 Khu đô thị mới Cầu Giấy rộng 4.180m2, diện tích xây dựng 1.540m2, công trình cao khoảng 30 tầng và 3 tầng hầm, hiện nay được điều chỉnh xuống còn 21 tầng. VEC dự kiến số tiền xây dựng trụ sở khoảng 667 tỷ đồng, đã đặt cọc tiền thuế sử dụng đất 4,18 tỷ đồng. Dự án này đã bất động từ năm 2008 đến nay.

Một luật sư chuyên tư vấn thủ tục triển khai dự án cho biết, để tránh bị thu hồi đất, VEC đã gửi đi hàng loạt tờ trình xin thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư, báo cáo về dự án với những lý do “khó chấp nhận được” để các cơ quan chức năng trả lời nhằm kéo dài thời gian dự án.

Chẳng hạn, VEC đã có báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải, xin “thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư” dự án “Trụ sở VEC” thành “Tòa nhà văn phòng làm việc của VEC, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp cơ sở lưu trú ngắn ngày” theo hình thức kinh doanh bất động sản.

“Trên thực tế, điều này là không thể, vì theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, các đơn vị như VEC không được lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản”, vị luật sư nói trên phân tích.

Về phía EVN, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện đơn vị này cho biết, sau khi nhận được Thông báo số 895/TB-UBND ngày 4/8/2017 của UBND TP. Hà Nội về việc kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 23 dự án đầu tư xây dựng trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, đơn vị này đã có văn bản gửi UBND và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội để khẳng định EVN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại lô đất trên theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt tại Quyết định số 4377/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 của UBND TP. Hà Nội.

... Chính quyền sở tại đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế nhưng rất khó khăn. Ảnh: Nhất Nam

... Chính quyền sở tại đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế nhưng rất khó khăn. Ảnh: Nhất Nam

EVN cũng khẳng định, hoàn toàn đủ năng lực tài chính và cam kết thực hiện đầu tư đúng tiến độ yêu cầu của UBND TP. Hà Nội và hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.

Có phần tiến bộ hơn là dự án của Vicem (Vicem Tower) tại lô đất 10 - E6 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270 m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.

Dự án được khởi công năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến nay, Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô. Hiện tại, công trường dự án không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.

Trên vị trí của nhiều dự án chậm tiến độ hiện đã được triển khai sang các hoạt động kinh doanh khác. Theo khảo sát thực địa của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản vào thời điểm ngày 19/7/2018, lô đất E3 vào khoảng 1.184m2 (gồm 5 chủ đầu tư với 8 công trình vi phạm), kết cấu nhà bằng khung thép, mái tôn, hiện đang kinh doanh vật liệu xây dựng, sửa chữa xe máy, ăn uống. Tại khu đất E4, diện tích vi phạm khoảng 11.763m2 (gồm 11 chủ đầu tư với 35 công trình vi phạm) kết cấu nhà khung thép, mái tôn hiện đang kinh doanh salon ô tô, dịch vụ chăm sóc xe hơi, nhà kho, đàn organ…

Còn trên ô đất E5 có diện tích vi phạm lên tới 15.122m2 (gồm 16 chủ đầu tư với 52 công trình vi phạm) kết cấu nhà khung thép, mái tôn, hiện đang kinh doanh salon ô tô, gara ô tô, nhà kho, kinh doanh ăn uống.

Theo đại diện UBND phường Yên Hòa, đối với các lô đất E3, E4, E5 Khu đô thị mới Cầu Giấy, mặc dù UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo yêu cầu cưỡng chế vi phạm xây dựng từ năm 2017 đối với các đơn vị trên, nhưng đến nay chỉ lác đác có vài công trình tự tháo dỡ. Lý do, theo vị đại diện này, là bởi còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc thuê đất, thậm chí đơn vị bị cưỡng chế còn gửi đơn kêu cứu đến UBND Thành phố, khiến quá trình cưỡng chế, giải tỏa bị chậm trễ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định, việc lãnh đạo Hà Nội quyết tâm yêu cầu rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai là một động thái đáng hoan nghênh.

Theo đó, ngày 4/8/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo tại Thông báo số 895/TB-UBND, về việc rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Kể từ đó đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã làm việc với hầu hết các đơn vị được quy hoạch giao đất xây dựng trụ sở và ban hành nhiều văn bản đốc thúc các đơn vị này có báo cáo về việc triển khai dự án. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến thời hạn cuối theo yêu cầu, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.

Tuy nhiên, ông Liêm cũng lưu ý, Thành phố cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm đất” đó thì sẽ làm gì, tránh lặp lại “vết xe đổ”, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân từng dự án chậm trễ, trên cơ sở đó làm căn cứ xác lập danh mục dự án phải thu hồi, để bảo đảm tính khả thi cao hơn.

“Cùng với đó, nên bám sát các định hướng phát triển của thành phố, chẳng hạn như quy hoạch vườn hoa, cây xanh, mặt nước từ năm 2014 đã xác định diện tích cần bổ sung trong khu vực nội đô là 687ha, do đó chúng ta đưa ngay một số dự án “treo” vào kế hoạch năm 2018 để đáp ứng phần còn thiếu này, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân”, ông Nghiêm tư vấn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top