Aa

3 bí quyết thiết kế “văn phòng hạnh phúc”

Võ Duy Nghĩa
Võ Duy Nghĩa nhannghia.reatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 03/06/2016 - 22:13

Bích Trâm | Tạo một văn phòng làm việc giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn là chủ đề được nhiều doanh nghiệp (DN) quan tâm.

3 bí quyết thiết kế “văn phòng hạnh phúc”

Ảnh minh họa.

Mặc dù các chuyên gia và kiến trúc sư đã và đang kết hợp nhiều thiết kế đột phá nhưng để tạo ra những không gian làm việc giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn vẫn là một mục tiêu khó khăn.

Sau đây là những bí quyết thiết kế văn phòng làm việc giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.

1. Đừng quá khuôn mẫu

Trong bài viết "Quản lý văn phòng một cách khoa học" vào năm 1917, tác giả W. H. Leffingwell cho rằng, một đài phun nước đặt ở vị trí không hợp lý trong văn phòng có thể khiến nhân viên phải đi bộ hàng ngàn km mỗi năm một cách không cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính đáng khiến rất nhiều văn phòng chọn thiết kế sao cho tiết kiệm diện tích tối đa.

Một trong những phong cách được cho là "tiện lợi" nhất là bố trí vị trí ngồi làm việc cho nhân viên trên những dãy bàn dài sát nhau có vách ngăn để dành ra một lối di chuyển xen kẽ ở giữa. Phần lớn người đi làm đều không mấy mặn mà với những văn phòng được thiết kế theo kiểu quá khuôn mẫu như vậy.

2. Đừng lạm dụng thiết kế mở

Các công ty khởi nghiệp và những tập đoàn lớn có xu hướng tăng cường sự tương tác giữa các nhân viên. Tuy nhiên, những thiết kế mở không phải bao giờ cũng là lựa chọn lý tưởng. Trong năm 2013, 50% nhân viên làm việc trong các văn phòng có thiết kế mở cho biết họ bị tác động tiêu cực vì mất đi sự riêng tư, theo một nghiên cứu của Tạp chí Environmental Psychology.

Một nghiên cứu vào năm 2006 của Đại học California, San Francisco, Mỹ cũng cho thấy, ngoài cảm giác không thoải mái liên quan đến yếu tố nhiệt độ và chất lượng không khí kém, nhân viên làm việc trong văn phòng mở bị tác động bởi tiếng ồn nhiều hơn so với những người làm việc trong văn phòng có nhiều vách ngăn. Cần biết tiếng ồn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất tập trung.

3. Tập trung vào yếu tố nhân văn

Năm ngoái, Công ty Thiết kế Teknion có bài viết về thiết kế văn phòng và "kinh tế học đạo đức" (tạm dịch từ khái niệm mới "ethonomics"), cho thấy, sự kết hợp giữa tính nhân văn và kinh tế có thể giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn.

Bằng cách khuyến khích nhân viên trở nên năng động hơn (tạo cơ hội để họ đi bộ nhiều hơn chẳng hạn), kết hợp với "thiên nhiên hóa" (có nhiều cây xanh, ánh sáng thoáng đãng...) và sử dụng đa dạng vật liệu trong thiết kế, DN sẽ tăng cường được tính nhân văn tại nơi làm việc. Nhà tâm lý học màu sắc Angela Wright còn nhận định, yếu tố màu sắc có tác động đáng kể đến trạng thái tinh thần của con người.

Cụ thể, màu xanh da trời kích thích trí tuệ, màu vàng tăng cường sự sáng tạo, màu đỏ ảnh hưởng đến thể chất và màu xanh thúc đẩy sự bình tĩnh và cân bằng. Nói một cách đơn giản, để truyền cảm hứng cho nhân viên, DN cần phải khuyến khích các hoạt động thể chất trong một môi trường làm việc đa dạng chất liệu, màu sắc và nhiều ánh sáng.

Một nghiên cứu của Đại học Northwestern vào năm 2013 chứng minh rằng, nhân viên làm việc trong văn phòng có nhiều cửa sổ - những người được tiếp xúc nhiều với ánh sáng - về đêm sẽ ngủ ngon hơn những nhân viên phải làm việc trong văn phòng không có cửa sổ.

Một nghiên cứu khác vào năm 2008 của Đại học Texas cũng chứng minh yếu tố cây xanh có tác động thật sự đến cảm giác hạnh phúc của nhân viên. Cụ thể, việc khảo sát 450 nhân viên văn phòng cho thấy, những người làm việc trong văn phòng có cây xanh và có thể nhìn ra cửa sổ cho biết họ có cảm xúc tích cực hơn về công việc so với những người làm việc ở văn phòng không có cửa sổ và cây xanh.

Để tạo điều kiện cho nhân viên làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà, DN cũng có thể cung cấp cho họ những "đồ chơi công nghệ” hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa những ứng dụng công nghệ mới vào nơi làm việc, DN cũng cần phải cân bằng giữa cuộc sống với công việc cho nhân viên. Một trong những gợi ý hữu ích là tạo ra một chính sách không khuyến khích gửi email công việc ngoài giờ làm chính thức.

Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top