Aa

3 biệt thự "mọc" lên giữa khuôn viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Thứ Năm, 13/08/2020 - 15:11

Trên diện tích Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tại Bắc Ninh bỗng xuất hiện nhiều biệt thự, TS. Đỗ Quế Lượng – Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định sự việc này là trách nhiệm của Hội KH KT VN.

Đất dự án trường "mọc" lên biệt thự khủng 

Thông tin đất ở dự án trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tại huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bỗng dưng "mọc lên" những căn biệt thự sang trọng, thậm chí được chia lô, mua bán công khai khiến dư luận nhiều ngày qua vô cùng xôn xao. Cá nhân, đơn vị nào lại có khả năng "chia chác" đất đai của một trường đại học làm của riêng để phân lô, bán nền?

TS. Đỗ Quế Lượng – Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định: "Câu hỏi này phải hỏi ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam bởi ông ấy chính là người đứng tên của chủ đầu tư dự án này".

Theo TS. Đỗ Quế Lượng: "Hội Khoa học kinh tế Việt Nam chính là chủ đầu tư của dự án. Dự án được chia làm 3 phần, một phần dành cho trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ xây trụ sở, phần thứ hai được chia cho các công ty của hội KH - KT VN  và phần thứ 3 được chia làm nhà ở cho các nhà nghiên cứu kinh tế. Ông Nguyễn Quang Thái chính là người biết đầy đủ nhất những vấn đề này". 

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Được biết, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) là thành viên của Hội KH-KTVN (VEA) được thành lập và xây dựng theo mô hình tư thục. Cơ sở chính của HUBT và VEA đặt tại trụ sở chính của trường ở phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). 

Ngày 12/7/2007, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư “Dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp khoa học - đào tạo” cho chủ đầu tư là VEA, xây dựng cơ sở 2 của HUBT. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 461 tỉ đồng, trong đó huy động từ HUBT 300 tỉ đồng, các đơn vị thuộc VEA... đóng góp 161 tỉ đồng. 

Đến ngày 9/7/2008, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số AL644599) cho VEA tại xã Đình Bảng, H Từ Sơn (nay là TX Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích 199.343,4 m2, hiệu lực thuê đất 50 năm và không thu tiền thuế sử dụng đất.

Một trong những căn biệt thự mọc lên trên đất dự án trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh Int

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), tổng thể diện tích dự án được giao cho VEA là 20 ha, trong đó có 10,5 ha được giao cho trường HUBT. Trường đã triển khai xây dựng từ năm 2005 và đến nay đã thực hiện việc đào tạo sinh viên tại cơ sở này. 

Tuy nhiên, trong quá trình VEA thực hiện dự án diễn ra nhiều sai phạm. Ngày 26/11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng của VEA, người đại diện là ông Nguyễn Quang Thái - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VEA. Cụ thể, chủ đầu tư đã vi phạm khi xây dựng tại khu B, khu C một số sân bóng đá, nhà tạm, hạng mục công trình 3 tầng không phù hợp quy hoạch. Đáng chú ý là việc tổ chức thi công xây dựng 3 công trình (3 - 4 tầng) kiểu dáng biệt thự sai quy hoạch chi tiết. Hình thức xử phạt bằng tiền, với 110 triệu đồng, và buộc tháo dỡ công trình vi phạm...

'Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX Từ Sơn, cho biết sai phạm này được phòng liên tiếp báo cáo lên các cơ quan cấp trên. Hiện tại, việc tháo dỡ mới được tiến hành ở sân bóng, nhà tạm cấp 4. Đối với 3 công trình kiểu dáng biệt thự thì chưa được tháo dỡ. Theo ông Nguyễn Đức Quang, đất quy hoạch xây trường, cơ sở đào tạo không được dùng để xây biệt thự, nhà ở và cả 3 tòa biệt thự kể trên đều xây dựng không phép, phải tháo dỡ. “Việc họ có điều chỉnh mục đích sử dụng đất hay không thì tôi không rõ, nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu tháo dỡ”, ông Quang khẳng định với báo chí.

Một điều kỳ lạ là theo người dân nơi đây, sau khi bị xử phạt, cả 3 tòa biệt thự bỗng nhiên được treo biển; trong đó có 1 tòa biệt thự treo biển “Hội KHKT VN - TTKT VN - châu Á Thái Bình Dương VAPEC Việt - Mỹ”, 2 tòa còn lại treo biển “VAPEC Việt - Úc” và “VAPEC Việt - Nga”...

Trao đổi với PV, một vị đại diện của Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) cho hay, VAPEC là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam, có trụ ở 172 Thái Hà - Hà Nội. Còn những toà biệt thự treo biển VAPEC tại Từ Sơn, Bắc Ninh là "hàng nhái", không phải là của VAPEC. 

Được biết, ngay sau khi dư luận xôn xao về những bất thường trong dự án của VEA, ngày 7/8/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lập tức ký hợp đồng thuê đất với VEA (số 60/HĐ-TĐ). Khu đất được thuê chính là toàn bộ đất đã được cấp sổ đỏ trước đó để làm dự án khu liên hợp khoa học - đào tạo, với thời hạn thuê đến ngày 2/7/2057. Đáng chú ý, dù hợp đồng mới được ký từ ngày 7/8/2020 thế nhưng tiền thuê đất lại được tính từ ngày 1/7/2014. 

Một điều khó hiểu là các cơ quan này dù đã ban hành quyết định xử phạt, yêu cầu tháo dỡ biệt thự từ nhiều tháng nay nhưng cả 3 tòa biệt thự đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại. 

Dù PV đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Quang Thái để xác minh thông tin, tuy nhiên đến nay ông Thái vẫn im lặng. 

Thanh tra chỉ rõ những sai phạm của Trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tháng 7/2020, thanh tra Bộ GD&ĐT đã có kết luận về những sai phạm trong quá trình tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong các năm 2017, 2018 và 2019 của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Kết luận thanh tra nêu rõ, năm 2019 trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ 9/10 ngành, chuyên ngành vượt năng lực đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2017 vượt chỉ tiêu được thông báo. Ở khối ngành V (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông- Lâm và Thủy sản, Thú y) vượt 35%, khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) vượt 79%.

Cũng trong năm 2017 trường không thông báo chỉ tiêu văn bằng 2 khối ngành VII nhưng trường vẫn tuyển sinh và đào tạo 138 học viên ngành ngôn ngữ Anh. Đến năm 2018 trường tự xác định không có chỉ tiêu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh nhưng trường vẫn tuyển 342 sinh viên ngành này…Về công tác quản lý đào tạo, trường giao cho trung tâm tin học quản lý kết quả học tập của sinh viên không có đơn vị kiểm soát, việc phân quyền chỉnh sửa điểm thi và quản lý điểm thi trên hệ thống chưa rõ ràng. 

Việc xét tốt nghiệp cho sinh viên sớm và cho sinh viên tốt nghiệp bổ sung không thông qua Hội đồng xét tốt nghiệp là không đúng quy định…Trường tổ chức đào tạo học phần trình độ thạc sĩ của 19 lớp ngoài trụ sở chính của nhà trường khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, trường chưa thực hiện đúng quy định về biên soạn, lựa chọn, thẩm định duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học đối với 2 giáo trình tiếng Trung Quốc. Chưa thực hiện kiểm định và đánh giá ngoài đối với trường và các chương trình đào tạo của trường.

Từ những sai phạm được kết luận trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải chấm dứt việc tổ chức đào tạo một số học phần trình độ thạc sĩ ngoài trụ sở chính của trường khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; thực hiện khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học chính quy năm 2020 theo quy định đối với số sinh viên đã vượt chỉ tiêu năm 2019. Rà soát toàn bộ quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo chương trình cũ chưa đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo quy định, đề xuất phương án xử lý. Rà soát, làm rõ dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ dự tuyển của 3 nghiên cứu sinh và những nghiên cứu sinh khác của trường (nếu có);

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, trường phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các sai phạm, báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận về Thanh tra Bộ GD&ĐT.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top