Xung quanh việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng một số cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển ba đặc khu kinh tế thí điểm, trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc xây dựng cơ chế đặc thù là cần thiết vì đặc khu phải có cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, cơ chế nổi trội ở đây là đất đai kéo dài cho nhà đầu tư đến bao nhiêu năm thì việc này đang còn tranh cãi.
“Một số người theo định hướng của Hồng Kông là 99 năm. Tôi cho rằng, việc này cần bàn tiếp. Bao nhiêu năm còn tùy theo từng khu vực. Ví dụ, như Phú Quốc có thể tới 90 năm nhưng Vân Phong, nhất là Vân Đồn chỉ nên cho thuê 50 năm thôi vì gần địa điểm nhạy cảm về an ninh, gắn sát với địa phương hơn là Phú Quốc. Còn Vân Phong cũng thế, gắn với địa điểm chiến lược quân sự. Vì vậy, theo tôi nên có thời hạn khác nhau cho ba đặc khu, không nên đồng loạt, trong đó Phú Quốc được quyền thuê đất dài nhất”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Trước ý kiến cần miễn thuế đất cho các doanh nghiệp tại các đặc khu, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc miễn thuế đất ngày xưa thì có nhưng bây giờ không nên. Việc tính thuế đất không phải tính trả tiền ngay một lần mà tính cho họ trong vòng 5 – 10 năm chẳng hạn, thu thành từng đợt, mỗi đợt có từng khung giá.
“Không nên miễn thuế vì đất khu đó ít, trong khi dân mua với giá “trên trời” tự dưng lại miễn cho nhà đầu tư nước ngoài thành ra không tốt. Nhất là hiện nay đất nhân dân sở hữu hết, bây giờ Nhà nước lại thu hồi, đền cho người dân giá cao, sau đó lại miễn cho nhà đầu tư thì không nên”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, ngoài các cơ chế vượt trội về thời gian cho thuê đất, khi doanh nghiệp vào đặc khu còn cần nhiều cơ chế khác để đặc khu kinh tế thực sự phát triển đúng với kỳ vọng.
“Có hai cơ chế nữa, đó là cơ chế xuất nhập khẩu tự do, các thủ tục đơn giản nhất và trong nội bộ các mối quan hệ quản lý nhà nước với doanh nghiệp, kể cả các hoạt động khác, dịch vụ khác cũng phải mở hơn, kể cả casino, sexy...”, ông Phong nói.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong các khu đặc khu kinh tế thường có các loại hình casino, sexy. Tuy nhiên, với quy định của pháp luật hiện nay, trước mắt chúng ta cứ đầu tư, sau đó sẽ mở các loại hình dịch vụ sau.
Cần tính toán lợi ích trước mắt và lâu dài
Cùng quan điểm, GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cũng cho rằng, cần xây dựng thể chế, chính sách vượt trội mới tạo được sự đột phá của các đặc khu.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, hiện nay có rất nhiều mô hình đặc khu như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính. Có loại tính chuyên ngành, tức là nổi bật về thế mạnh như thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp hay xuất khẩu… Có đặc khu mang tính tổng hợp như Thâm Quyến, Sán Đầu… của Trung Quốc.
“2 đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, tôi nghĩ nên theo hướng chuyên ngành. Ví như Vân Đồn thì nên phát triển theo hướng dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Phú Quốc cũng vậy. Riêng Bắc Vân Phong với lợi thế có cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu hàng trăm nghìn tấn thì có thể làm công nghiệp, dịch vụ hoặc theo hướng tổng hợp”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nêu ý kiến.
Theo GS. TSKH. Võ Đại Lược, để các đặc khu phát triển, trước hết cần tìm được các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt nên hướng tới các nhà đầu tư lớn của Âu – Mỹ. Việc này Chính phủ sẽ tăng cường kêu gọi, tìm kiếm chứ không giao toàn bộ cho địa phương.
Thứ hai khi đã có nhà đầu tư chiến lược, họ sẽ đề ra những thể chế chính sách hành chính, kinh tế đặc biệt cho đặc khu mà họ có thể hoạt động được. Rõ ràng muốn họ đầu tư thì phải có thể chế tương ứng. Việc này sẽ tiến hành theo nguyên tắc họ đề xuất, ta xem xét điều chỉnh rồi quyết định.
Thứ ba, cần tạo điều kiện kết cấu hạ tầng, tính toán lợi ích sẽ đạt được cả về trước mắt, lâu dài, vô hình, hữu hình, các mặt an ninh, môi trường… Nếu chỉ mỗi lợi ích kinh tế và trong ngắn hạn thì là điều bất lợi.