Aa

3 điểm nhấn và 1 xu thế của ngành ngân hàng giai đoạn 2018 - 2019

Thứ Tư, 26/06/2019 - 06:01

Ngành ngân hàng Việt giai đoạn 2018 - 2019 ghi nhận một số điểm nhấn: Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ hơn vai trò điều tiết tín dụng, tình hình nợ xấu được đẩy nhanh hơn,...

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019. Đi cùng công bố này, Vietnam Report cũng nêu một số điểm nhấn của ngành, bao gồm điều tiết tín dụng; đẩy mạnh xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng thương mại. Xu hướng fintech cũng được đề cập với nhiều lưu ý.

Ngành ngân hàng Việt Nam 2018 - 2019 và những điểm nhấn

Theo đó, những động thái mới, đồng thời là điểm nhấn của ngành Ngân hàng Việt Nam trong năm 2018 - 2019 được ghi nhận ở 3 điểm.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ hơn vai trò điều tiết tín dụng, can thiệp có kiểm soát và vẫn giữ được tính thị trường. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 2018 thấp hơn so với các năm trước và khả năng cao sẽ tiếp tục duy trì ở mức 14% trong năm 2019.

Vietnam Report nêu ra dẫn chứng: Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng tính đến hết ngày 31/5, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng tăng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên như: Lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động, tiền gửi tăng hợp lý và tỷ giá biến động không lớn, thể hiện sự chủ động và linh hoạt trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, tình hình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. Việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu được tiến hành đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng. Nợ nhóm 2 của các ngân hàng có xu hướng giảm trong năm 2018 và giảm áp lực trích lập trong năm 2019.

Điểm nhấn thứ ba được đề cập là việc tăng vốn điều lệ đã giúp củng cố năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.

Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần.

Theo đó, vốn điều lệ của toàn hệ thống tính đến tháng 3/2019 đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 63,5% so với cuối năm 2011. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017.

"Những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua đã được các tổ chức tín dụng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao", Vietnam Report nhấn mạnh.

Cụ thể, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB; S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB.

“Trong thời gian tới, thị trường tài chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, tín dụng được kiểm soát chặt chẽ đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông...) nhằm xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh, hỗ trợ tốt nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững”, Vietnam Report nhận định.

Xu thế fintech và ngân hàng số

Báo cáo của nhóm nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, sự xâm nhập của công nghệ vào lĩnh vực tài chính (fintech - công nghệ tài chính) được xem như một trào lưu “hợp thời” trước bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển toàn cầu và sự thay đổi hành vi online của khách hàng (bao gồm hoạt động mua sắm, giải trí, mạng xã hội…).

Vietnam Report dẫn thống kê của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong quý I/2019 đã tăng 18,45%, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động thanh toán điện tử, nhất là qua điện thoại di động cũng tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch (tăng tương ứng 97,75% và 232,3%).

Theo số liệu khảo sát các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện, 100% ngân hàng được hỏi cho biết, họ dự định sẽ hợp tác với các công ty fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm hướng đến mục tiêu “thanh toán không tiền mặt”. Một số mô hình thành công hiện nay như Uber, Grab, Alibaba, Amazon… đang ứng dụng công nghệ có liên kết thanh toán với các ngân hàng.

Vietnam Report cũng đã nêu ra 3 lưu ý liên quan đến xu thế và tiến trình mở rộng ứng dụng công nghệ tài chính.

Thứ nhất, xu thế fintech là tất yếu, tốc độ phát triển rất nhanh, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng tham gia để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khi trình độ công nghệ, vốn, nhân sự… đều còn rất hạn chế.

"Các ngân hàng thương mại lớn mặc dù có đủ vốn đầu tư, song họ cũng phải cân nhắc khi đặt trong bài toán chi phí, lợi nhuận và những ưu tiên chiến lược trong năm 2019", nhóm nghiên cứu thừa nhận.

Thứ hai, sự lo ngại phát sinh các vấn đề an ninh tài chính và bảo mật thông tin khách hàng. Việc thanh toán trực tuyến hay thanh toán qua di động sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng ít tiền mặt, thuận tiện hơn, tuy nhiên vấn đề bảo mật và an ninh được người dùng quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các vụ lừa đảo, mất tiền trong tài khoản ngân hàng… đang ngày càng gia tăng.

Thứ ba, sự phát triển của fintech vô hình chung khiến việc quản lý trở nên phức tạp hơn. Tại Việt Nam dự kiến sẽ có gần 100 công ty fintech tham gia, đòi hỏi cần có cơ chế pháp luật để quản lý hoạt động của các công ty này.

Ở lưu ý này, Vietnam Report đề xuất cơ quan chức năng cần có các văn bản điều chỉnh và bổ sung các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền quốc tế, các quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán qua trung gian… để giảm thiểu tối đa các rủi ro tài chính có thể xảy ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top