Cụ thể, theo HoREA, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản TP.HCM.
Thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới, với ba điểm nóng.
Thứ nhất là việc TP.HCM vừa chính thức lập TP. Thủ Đức từ đầu tháng 1, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7 - 8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của thành phố, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Thứ hai là việc chuyển đổi 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới.
Thứ ba là việc Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, mà thực tế đã chứng minh 1ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1ha đất nông nghiệp.