Aa

3 hệ quả của quá trình đô thị hoá tại Việt Nam

Thứ Ba, 17/09/2019 - 06:20

Theo báo cáo tham vấn của Ngân hàng Thế giới về đô thị hóa tại Việt Nam đã chỉ ra những hệ quả mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình đô thị hóa suốt thập niên qua.

Việt Nam đang trong tiến trình phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước vào năm 2018 đạt 38%, tăng 0,9% so với năm 2017, đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dự báo năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa này sẽ đạt đến con số 40%.

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tới tháng 5/2019, nước ta có 833 đô thị, với đà phát triển trên thì đến năm 2025, con số này sẽ lên đến khoảng 1.000 đô thị. Các chuyên gia đánh giá, tỷ lệ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng lại tập trung tại một số trung tâm là những thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM; ở các khu vực khác vẫn còn ở mức thấp.

Tuy nhiên, xét về chất lượng đô thị thì mức độ đô thị hóa trong khoảng 10 năm trở lại đây có sự chững lại, kể cả các vùng đô thị lớn. Bởi các chính sách về tài khóa cơ sở, chuyển dịch lao động cơ sở và công nghiệp cơ sở dù có tăng trưởng nhưng bị hạn chế, cào bằng và không có tính bền vững, dẫn đến tăng trưởng đô thị hóa của Việt Nam rơi vào tình trạng chững lại và phân tán về mặt không gian.

Mặt khác, việc phân chia khu vực theo hai cấp để phân loại đô thị mà chưa quan tâm đến hạ tầng cơ sở, thiếu tính kết nối và tính tích tụ, liên kết giữa các vùng đô thị, đô thị dẫn đến Việt Nam phải đối mặt với những hệ quả, thách thức khác biệt và duy nhất trong thời kỳ tới.

“Tăng trưởng đồng đều” của hai cấp đã kéo tốc độ tăng trưởng chung xuống

Ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị của Ngân hàng Thế giới nhận định: “Trong khoảng 10 năm qua, các đô thị, vùng đô thị lớn có sự phát triển “đồng đều” là việc rất bất thường. So sánh với tốc độ tăng trưởng đô thị hóa của các nước phát triển ở Mỹ Latinh, châu Âu..., sẽ thấy rõ ràng sự cách biệt giữa đô thị cấp 1 và cấp 2, tức các đô thị lớn sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hẳn với các đô thị nhỏ, đồng nghĩa sẽ kéo theo chỉ số tăng trưởng chung lên.

Ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị (cầm micro)

Còn đối với Việt Nam, thời gian qua tốc độ phát triển của các đô thị đang ở mức độ cào bằng. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2006 - 2016, mức tăng trưởng ở cấp 1 và cấp 2 tương đối không tăng. Cụ thể, tăng trưởng lao động và doanh thu chậm lại đáng kể, đặc biệt ở nhiều huyện đô thị hóa cao, cho thấy tình trạng trì trệ trong hoạt động công nghiệp, không tạo ra giá trị lớn ở các vùng đô thị.

Bên cạnh đó, tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng ì ạch hơn. Mặc dù số lượng công ty dịch vụ ngày càng tăng, quy mô doanh nghiệp trung bình đang thu hẹp lại, cho thấy các công ty dịch vụ mới nhỏ hơn đang thâm nhập thị trường. Trước việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của ngành này giảm bớt, cho thấy sự gia tăng của các công ty giá trị gia tăng thấp, phát triển thị trường chậm, và sự cải thiện hiệu quả trong ngành dịch vụ giảm.

Có thể thấy rằng, việc tăng trưởng “đồng đều” giữa các đô thị là dấu hiệu đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của các nước. Trong khi, các đô thị trọng điểm, đô thị cấp 1 hoàn toàn có thể vượt xa các đô thị vừa và nhỏ, sau đó tạo động lực, thúc đẩy các đô thị cấp 2 tăng trưởng theo, chứ không phải “đợi nhau” rồi cùng ì ạch như thời gian qua…

Hiệu quả của kinh tế đô thị Việt Nam bắt đầu giảm…

Theo báo cáo phác thảo của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động trong các ngành của Việt Nam đã chậm lại đáng kể những năm gần đây. Từ mức tăng trung bình hàng năm là 4,3% trong giai đoạn 2006 - 2011, giảm xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2011 - 2016. Hơn nữa, hiệu quả chi phí lao động giảm 5,3% mỗi năm trong giai đoạn 2006 - 2016. Điều này cho thất ảnh hưởng đáng kể từ việc tăng lương hay chuyển phúc lợi từ công ty cho người lao động.

Bên cạnh đó, sự trì trệ trong cải thiện nhóm ngành cấp 3 (chủ yếu là dịch vụ) dẫn đến sự tăng trưởng hiệu quả lao động chậm lại, mặc dù có những cải thiện hiệu quả dần trong các ngành cấp 2, trong đó bao gồm sản xuất công nghiệp, chế biến, dệt may...

“Chúng tôi thấy “sốc” khi thấy quá trình chuyển đổi đất đai ở Việt Nam quá dễ dàng”.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh vấn đề sử dụng đất đai chưa hiệu quả gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Ông Zhiyu Jerry Chen nhận định: “Chúng tôi thấy “sốc” khi thấy quá trình chuyển đổi đất đai ở Việt Nam quá dễ dàng”. Việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp diễn ra với tốc độ nhanh chóng kéo theo sự mở rộng, hình thành của các đô thị cũng nhanh hơn nhiều, trong khi các chính sách phát triển, hạ tầng kết nối và tích tụ chưa được trú trọng, đầu tư.

Cũng bàn về vấn đề sử dụng đất, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất hoang. Thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, bỏ hoang; xây dựng khu đô thị cũng bỏ hoang. Ở đây có một vấn đề là Nhà nước chuyển đổi sử dụng đất thu được tiền nhưng sau đó đất đó có được sử dụng đúng như quy hoạch không thì lại không quan tâm.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

“Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất hoang. Thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, bỏ hoang; xây dựng khu đô thị cũng bỏ hoang. Ở đây có một vấn đề là Nhà nước chuyển đổi sử dụng đất thu được tiền nhưng sau đó đất đó có được sử dụng đúng như quy hoạch không thì lại không quan tâm.

Trong khi đó, đất đô thị lại là “con gà đẻ trứng vàng”, là nguồn tài nguyên quan trọng của ngân sách Nhà nước, tuy nhiên “trứng vàng” đó chỉ rơi vào ngân sách một phần, còn phần lớn vào tay ai?”

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng khẳng định một yếu tố nữa dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế có sự sụt giảm dù số lượng đô thị tăng, đó là thiếu hạ tầng kết nối: “Trên lý thuyết có hình thành liên kết các đô thị, nhưng trên thực tế thì chưa hình thành được. Ví dụ tháng 12/2017, Thủ tướng quyết định điều chỉnh quy hoạch vùng đô thị TP.HCM tới 2030 tầm nhìn 2050, trong đó có 8 tỉnh, và hệ thống các đô thị từ loại I, II, III. Những đô thị này sẽ được kết nối bởi hạ tầng giao thông, riêng đường cao tốc là 560km, tuy nhiên đến nay mới chỉ làm được 12km. Có nghĩa các đô thị kinh tế và đô thị không kết nối với nhau được, xét về quy hoạch chính sách thì đều có hết nhưng lại không thực thi được, có cũng ì ạch, chậm tiến độ. Trong khi chúng ta không thể phủ nhận vai trò của giao thông kết nối, nếu không làm được thì chắc chắn các đô thị không thể phát triển trong quá trình đô thị hóa, đồng nghĩa kinh tế tăng trưởng kém là đương nhiên”.

Mở rộng đô thị nhanh chóng đặt ra thách thức về môi trường và đô thị

Trong báo cáo tham vấn của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới khẳng định: Cuộc mở rộng đô thị trong 5 năm gần đây (2012 - 2017) lớn hơn tổng mở rộng của 15 năm trước đó. Điều này đặt ra không ít lo ngại về tính bền vững của các đô thị đặc biệt trước những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.

Chất lượng không khí ngày càng giảm, mảng xanh đô thị ngày một thu hẹp, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm rác thải, thậm chí ô nhiễm khí thải độc hại từ các nhà máy nội đô là minh chứng rõ nhất cho chất lượng môi trường ngày càng suy giảm, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ vấn đề quản lý, quy hoạch.

Chưa hết, các đô thị hiện nay còn đang phải đứng trước mối đe dọa từ biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và khó lường. Với sự phát triển ồ ạt, quy hoạch thiếu tầm nhìn, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt,... thì hậu quả các đô thị mà trước tiên là đô thị ven biển phải gánh chịu là rất lớn.

Các đô thị đang phải đối mặt với những thạc thức từ môi trường, biến đổi khí hậu, dân số,... (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, các vấn đề đồ thị cũng là một trong những hệ quả mà đô thị hóa đặt ra trong thập kỷ qua. “Gia tăng lao động gắn với gia tăng dân số, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp ngày một nhanh hơn, dẫn đến bất cập trong vấn đề quản lý. Tốc độ di cư tự do gây khó khăn trong kiểm soát dân số. Không ít vùng xảy ra tình trạng dân số âm, tức không còn dân số độ tuổi lao động, đồng nghĩa áp lực các đô thị đang gánh là rất lớn. Ví dụ ở TP.HCM, mỗi năm dân số tăng lên bằng dân số 1 quận trong khi diện tích đô thị lại không thể tăng. Dẫn đến sự lôm côm, hình thành vấn nạn, an sinh xã hội, việc làm cũng không được đảm bảo”, TS Trần Du Lịch nhận định.

Có thể thấy rằng, từ những hệ quả trên đã đặt ra nhiều câu hỏi rằng quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đến nay liệu có còn phù hợp với sự chuyển đổi cơ cấu và quá trình chuyển đổi nông thôn - thành thị không? Và làm thế nào để cải thiện quá trình đô thị hóa và quản lý đô thị hóa một cách công bằng và bền vững?

Theo các chuyên gia, để trả lời cho câu hỏi trên buộc chúng ta không thể tiếp tục con đường đô thị hóa đã và đang đi, mà cần phải có sự thay đổi, chuyển đổi mô hình đô thị hóa của quốc gia và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào nền kinh tế tích tụ, liên kết giữa các vùng đô thị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top