Aa

3 luận điểm đầu tư đối với ngành bất động sản trong quý II/2022

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Hai, 02/05/2022 - 06:15

Bất động sản và bất động sản khu công nghiệp được nhìn nhận là nhóm ngành sẽ được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công trong năm 2022. Trên cơ sở đó, các luận điểm đầu tư cho quý II đã được đề cập tới.

Tại báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, nhóm ngành bất động sản và đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công trong năm 2022.

Theo đó, với quyết tâm cao cùng những động thái quyết liệt của Chính phủ, kết hợp với điều kiện vĩ mô thuận lợi khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khiến nhiều dự án bị đình trệ, KBSV cho rằng, đầu tư công trong năm nay sẽ tăng tốc so với mức nền thấp năm 2021. "Dự báo cho cả năm 2022, chúng tôi ước tính tổng giá trị vốn giải ngân ước đạt 473 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2021 và hoàn thành 90% kế hoạch đề ra", báo cáo cho hay.

Các nhóm ngành, doanh nghiệp được hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công trong năm 2022 bao gồm: Doanh nghiệp thi công hạ tầng, tập trung ở nhóm có kinh nghiệm triển khai các dự án đầu tư công và nhóm ETC, giao thông thông minh; nhóm doanh nghiệp bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp sở hữu quỹ đất nằm gần các dự án trọng điểm; nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng như thép, đá...

Nhìn lại bức tranh thị trường thời gian qua có thể thấy, đại dịch Covid-19 cùng với các khó khăn trong vấn đề cấp phép dự án đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản nhà ở tại cả Hà Nội và TP.HCM. Số lượng căn hộ mở bán và tiêu thụ trong cả năm 2021 chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn 2015 - 2019. Điểm tích cực là tỷ lệ tiêu thụ/mở bán mới tại TP.HCM vẫn ở mức cao, đạt khoảng 74%, trong khi đó tại Hà Nội chỉ đạt 47%. 

Mức giá bán tại Hà Nội ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 năm qua đạt khoảng 12% so với cùng kỳ và tăng khoảng 3% so với cùng kỳ tại TP.HCM. Một số khu vực như Gia Lâm, TP. Thủ Đức và một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu ghi nhận mức tăng giá tốt và có giao dịch sôi động. Phân khúc nhà phố/biệt thự vẫn duy trì sự sôi động với mức tăng giá tốt với mức tăng so với cùng kỳ lần lượt là 12% ở Hà Nội và 18% ở TP.HCM nhờ nhu cầu cao.

Ghi nhận của nhóm nghiên cứu KBSV cho thấy, kể từ quý IV/2021 và trong quý đầu năm 2022, nhiều chủ đầu tư đã nhanh chóng đẩy mạnh việc bán hàng như tại dự án Mizuki Park (Nam Long), Celesta Heights (Keppel Land và Phú Long), Metropole Thủ Thiêm (SonKim Land)… cùng với đó là 1 số dự án trong nội đô được khởi động lại như Gem Riverside (Đất Xanh).

Trên cơ sở đó, KBSV đã đưa ra 3 luận điểm đầu tư đối với ngành bất động sản trong quý II/2022:

Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư công với 1 số dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các trục giao thông nối TP.HCM với các tỉnh thành lân cận và thông tin về các đề án quy hoạch vùng ven tạo sự sôi sộng cho thị trường và thúc đẩy giá nhà đất quá đó kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản.

Thứ hai, khởi động lại và đẩy mạnh bán hàng tại các dự án trong nội đô TP.HCM.

Thứ ba, lãi suất tương đối thấp và lạm phát có dấu hiệu tăng tốc cũng thúc đẩy nhu cầu vay vốn mua nhà hoặc đầu tư bất động sản.

Những doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn với đầy đủ pháp lý và có cơ cấu tài chính an toàn, tiến độ bán hàng khả quan là các cơ hội đầu tư đáng chú ý, tiêu biểu là các cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG).

Cũng theo báo cáo, một nhóm ngành tâm điểm khác hứa hẹn sẽ hưởng lợi từ đầu tư công là bất động sản khu công nghiệp.

Trong 2 tháng đầu năm, dòng vốn FDI đã cho thấy sự hồi phục. Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lý do khiến KBSV kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục phục hồi khi Việt Nam hiện là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới cũng như việc Việt Nam đã nối lại các chuyến bay quốc tế kể từ tháng 2/2022 và công nhận hộ chiếu vắc-xin của một số quốc gia, điều này giúp các chuyên gia nước ngoài và nhà đầu tư sang Việt Nam thuận lợi hơn.

Về triển vọng trung hạn, ngành bất động sản khu công nghiệp Việt Nam được hưởng lợi nhờ 3 yếu tố: Một là, các hợp đồng thương mại tự do (FTAs) được ký kết; Hai là, Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc nhờ chi phí nhân công và giá cho thuê đất thấp hơn so với khu vực; và thứ ba là đầu tư công được đẩy mạnh với nhiều dự án hạ tầng trọng điểm giúp tăng kết nối giữa các vùng, kết nối Việt Nam với quốc tế cũng là yếu tố thu hút FDI trong tương lai.

Một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đáng chú ý mà báo cáo đề cập tới là: Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR), Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), Tổng Công ty IDICO - CTCP (IDC). Đây là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất thương phẩm lớn, nằm ở vị trí thuận lợi tại các tỉnh trọng điểm là vệ tinh sản xuất quanh Hà Nội và TP.HCM./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top