"Sự thay thế hoàn hảo"
Ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý thời gian qua, không khó để nhận thấy có 3 cơ sở tốt để có thể tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bất động sản sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Bắt đầu từ bức tranh chung của kinh tế toàn cầu. Dịch Covid-19 đã làm gãy đứt chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có tác động không nhỏ đến nền kinh tế mỗi quốc gia và lĩnh vực bất động sản cũng sẽ chịu tác động mạnh.
Với Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, có thể nói, dù cũng chịu tác động, nhưng Việt Nam lại phần nào đang được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19. Đây chính là “cơn bão hoàn hảo” để việc dịch chuyến các nhà máy từ Trung Quốc sang các nơi khác, trong đó Việt Nam là địa bàn ưu tiên, được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Nghiên cứu thị trường mới đây của JLL cho thấy, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Dữ liệu từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định, cũng như hoạt động di dời, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp vẫn tự tin tăng giá thuê đất trong quý đầu năm 2020, do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Trên thực tế, trong quý I/2020, tại miền Bắc, giá thuê đất khu công nghiệp trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại khu vực miền Nam, mức giá cũng đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Còn theo Savills Việt Nam, từ quý III/2019, có nhiều tập đoàn đã và đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam như: Hanwha, Yokowo, Shuafu,
Goertek, Foxcom, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera, Oasis… Các tập đoàn này hoạt động chủ yếu các lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, sản xuất phụ tùng…
Trong câu chuyện thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi trở thành điểm đến yêu thích của các tập đoàn đa quốc gia.
An toàn và thân thiện
Một cơ sở khác, vốn ít khi được đề cập khi nền kinh tế, thị trường bất động sản đang phát triển bình thường, đó là “an toàn và thân thiện”, thì nay lại thực sự đang trở thành điểm cộng với ngành địa ốc Việt Nam. Yếu tố này có thể coi là sẽ gắn chặt và quyết định phần lớn sự thành công trong kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Việt Nam đã rất thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, ít nhất là tới thời điểm này. Sau thành công bước đầu này, hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện đã thực sự được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Trên thực tế, giá bất động sản tại Việt Nam cơ bản vẫn thấp hơn các nước trong khu vực, cùng với yếu tố an toàn, thân thiện và khả năng sinh lời cao (tăng giá và cho thuê tốt), theo các chuyên gia, đang có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp ngoài biên giới.
Bà Như Khương, Bộ phận Nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam nhận định, trên thực tế, thị trường bất động sản tại Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng cho những nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 chỉ đang làm chậm lại quy trình đầu tư của các nhà đầu tư khi gặp khó khăn trong việc tiếp cận, cũng như di chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 năm gần đầy luôn ghi nhận mức trên 35 tỷ USD, trong khi đó quý I/2020, vốn FDI chỉ mới đạt mức 3,6 tỷ USD.
“Theo dự báo của chúng tôi, vốn FDI sẽ lại được rót vào thị trường bất động sản sau khi dịch Covid-19 tại cả Việt Nam và thế giới được kiểm soát”, bà Khương nhấn mạnh.
Liên quan đến câu chuyện dòng vốn, xu hướng đầu tư bất động sản tại Việt Nam trong cộng đồng Việt kiều cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khoảng thời gian diễn ra dịch Covid-19, nhiều Việt kiều đã hồi hương để tránh Covid-19 tại nước sở tại và có nhiều người đã tìm kiếm thấy cơ hội đầu tư, sau khi nhận ra Việt Nam khá an toàn so với nhiều nước.
Chỉ tính riêng năm 2019, Việt Nam đã nhận gần 17 tỷ USD kiều hối. Và với khoảng trên 2,5 triệu Việt kiều, nhiều chuyên gia tin rằng, lượng kiều hối sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, trong đó có một khoản đáng kể sẽ chảy vào bất động sản.
Ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group cho biết: “Nhiều Việt kiều khi về nước tránh dịch dịp vừa qua cũng nghiên cứu bất động sản, nghiên cứu cơ hội đầu tư, thậm chí cả ở phân khúc bất động sản công nghiệp. Nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ với tôi về ý định thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Tăng trưởng và ổn định
Một cơ sở quan trọng nữa khiến các thành viên thị trường đều tin tưởng vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường địa ốc, đó là bối cảnh trong nước rất thuận lợi.
Kinh tế tăng trưởng tốt, chính trị ổn định, lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực chủ chốt khi luôn nằm trong nhóm thu hút tốt nhất vốn đầu tư nước ngoài (chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất).
Trong khi đó, nỗi lo bong bóng bất động sản hầu như không còn, bởi kinh nghiệm ứng phó của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, thị trường cũng ngày càng minh bạch, các hành lang pháp lý được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện… Tất cả những điều này đang mang đến một cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản Việt Nam. Thậm chí, cả dịch Covid-19 ít nhiều cũng mang ý nghĩa tích cực khi giúp sàng lọc thị trường, thúc đẩy các thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án…
Trong nước, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đều đang gặp khó, trong khi nhu cầu về bất động sản vẫn lớn ở nhiều phân khúc, từ nhà ở, cho đến bất động sản công nghiệp, du lịch - nghỉ dưỡng.