Aa

3 lý do khiến TTTC Việt Nam phản ứng tích cực với việc Fed hạ lãi suất

Thứ Sáu, 01/11/2019 - 16:34

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về phản ứng của thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam đối với động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Theo đó, ngày 30/10/2019 (theo giờ Mỹ), FED đã một lần nữa hạ 0,25 điểm % lãi suất cơ bản xuống 1,5% - 1,75%. Như vậy, đây đã là lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 tháng, FED tiến hành cắt giảm lãi suất và ra tín hiệu sẽ tạm dừng việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới trừ khi diễn biến kinh tế Mỹ và thế giới còn xấu đi.

Đây là thông tin tốt đối với thị trường tài chính và cũng là biện pháp hỗ trợ của FED đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ (nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng giảm, tăng trưởng GDP quý 3 của Mỹ đạt 1,9%, thấp hơn so với mức 2% của quý 2), sản xuất thu hẹp (chỉ số PMI tháng 9 chỉ còn 47,8% và là tháng thứ 2 liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm) và chỉ số lạm phát tháng 9 duy trì ở mức 1,7% tháng thứ 2 liên tiếp.

Khác so với 2 lần giảm lãi suất trước đây của FED khi mà thị trường chứng khoán (TTCK) có sự biến động không đáng kể, khi không có thêm các thông tin hỗ trợ, tích cực. Thậm chí TTCK phản ứng tiêu cực khi FED hạ lãi suất lần 1 (ngày 30/7/2019), trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang và báo hiệu kinh tế Mỹ và các nước lớn có dấu hiệu xấu đi; hoặc lần 2 (ngày 18/9/2019) khi mà FED không đưa ra thông điệp rõ ràng về việc điều hành lãi suất trong thời gian tới cũng như không đạt được sự đồng thuận cao của nội bộ FED trong việc hạ lãi suất. Đối với lần giảm lãi suất thứ 3 này, thị trường chứng khoán Mỹ và cả Việt Nam tăng điểm khá mạnh trong ngày đầu tiên (từ mức 0,33% đến 0,5% như tại Bảng 1).

Theo các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, có 3 lý do chính cho sự đón nhận tích cực này: (i) việc giảm lãi suất lần này đã được dự báo trước (hơn 90% nhà đầu tư nhận định giảm); (ii) FED đưa ra thông điệp khá lạc quan về kinh tế Mỹ khiến họ cân nhắc thận trọng đối với việc giảm lãi suất tiếp theo; và (iii) thị trường đón nhận một số thông tin kinh tế vĩ mô, địa chính trị và kinh doanh tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3 của Mỹ dù thấp hơn quý trước, nhưng cao hơn so với mức kỳ vọng 1,6%, lạm phát vẫn tiệm cận mức mục tiêu (2%), căng thẳng thương mại có dấu hiệu tạm lắng dịu mặc dù 2 bên khó có thể ký thỏa thuận thương mại vào giữa tháng 11 và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Mỹ khả quan.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu & Đào tạo BIDV, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục bám sát, theo dõi sát sao động thái của FED và NHTW các nước lớn; những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung... để có phản ứng linh hoạt, kịp thời, cũng như có chính sách kinh tế - thương mại phù hợp, giúp nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam phát triển ổn định.

Ghi theo báo cáo của Nhóm tác giả

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top