Nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS
Một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách có tác động đến lớn đến thị trường BĐS trong năm qua là Thông tư 06 được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào tháng 6/2016 để sửa đổi Thông tư 36. Thông tư mới này có nhiều nội dung thay đổi so với dự thảo ban đầu. Tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Dự thảo sửa đổi này nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh BĐS từ 150% lên mức 200% đồng thời đặt ra lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS trong 2 năm. Đây được xem là cú sốc đầu tiên trong năm về viễn cảnh nghẽn vốn cho thị trường. Sau nhiều kiến nghị, dự thảo sửa đổi theo hướng năm 2016 giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn ở mức 60%. Từ ngày 1/1/2017 giảm còn 50% và từ 1/1/2018 giảm còn 40%.
Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm lý cho tình trạng hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS. Hầu hết các doanh nghiệp lo ngại nếu dòng vốn đưa ra thị trường bị hạn chế trước mắt có thể sẽ tác động đến tâm lý thị trường BĐS năm 2016 và lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm tiếp theo.
Kết thúc gói 30 nghìn tỷ
Đến hết năm 2016, gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30 nghìn tỷ đã đi đến cuối chặng đường. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/11, chương trình đã giải ngân 29.239 tỷ đồng, dư nợ 24.166 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân với nhóm khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo hoặc xây dựng nhà ở) là 23.845 tỷ đồng đạt 92,5% cam kết cho vay, dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, giải ngân đạt 5.395 tỷ đồng. Từ ngày 1/6/2016 đã dừng giải ngân bằng nguồn tái cấp vốn của NHNN đối với nhóm khách hàng này. Dư nợ đạt 3.516 tỷ đồng.
Dự kiến vào thời điểm kết thúc chương trình, ngày 31/12/2016 sẽ giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi này. Dù gặp khá nhiều trở ngại từ lúc ra đời cho đến khi hết hạn giải ngân nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng cần có thêm nhiều gói tín dụng tương tự để hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp có thể mua được nhà, đồng thời thu hút các doanh nghiệp BĐS tham gia làm nhà xã hội, nhà thương mại giá bình dân.
Công bố danh sách dự án thế chấp ngân hàng
Tháng 7/2016, lần đầu tiên Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM công bố danh sách 77 dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng. Việc công khai các dự án dạng này để người dân nắm rõ thông tin, tránh bị lừa khi mua nhà như từng xảy ra ở một số chung cư mà gần nhất là tại The Harmona (Tân Bình).
Ngay sau khi TP. HCM, các địa phương khác như Hà Nội và Đà Nẵng cũng lần lượt công bố danh sách. Nhiều chủ đầu tư dự án cho rằng đợt công bố này chưa đầy đủ, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thị trường.
Một số doanh nghiệp lo ngại thanh khoản thị trường nhà chung cư T.P HCM đứng trước nguy cơ sụt giảm thanh khoản. Mặt khác, cũng có doanh nghiệp phản ánh đã tiến hành rút tài sản đảm bảo nhưng danh sách này lại công bố dự án vẫn đang thế chấp. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý liên ngành đều "nắn gân" doanh nghiệp bằng thông điệp: "Chủ đầu tư phải có trách nhiệm minh bạch thông tin ngay từ đầu".
Thông tin trên khiến người mua nhà tỏ ra khá thận trọng vì lo ngại rủi ro. Không lâu sau, Hà Nội cũng tiến hành công bố danh sách dự án thế chấp tương tự TP. HCM. Mặc dù chính sách này nhận được sự đồng tình của người dân song các chuyên gia khuyến cáo cần công bố một danh sách đầy đủ, chi tiết, có cập nhật để đảm bảo khách quan, công bằng.
Nhìn chung động thái này của cơ quan quản lý phần nào đáp ứng được yêu cầu bức thiết của người mua nhà về vấn đề minh bạch thông tin.