Aa

4 phương châm cần chú ý trong việc thiết kế đường phố cho người đi bộ

Thứ Tư, 22/08/2018 - 06:00

Đã từ quá lâu, các nhà quy hoạch đã trở nên mải mê thiết kế đường phố cho xe hơi chứ không phải tạo nên các không gian cho con người.

Bất cứ thành phố cổ nào ở châu Âu và châu Á cũng đều có những con phố nhỏ, tạo nên cảm giác cổ kính và gần gũi. Đặc biệt, những con phố này chỉ dành cho người đi bộ, khác hẳn những con phố tấp nập người qua lại, ồn ào xe cộ như ở những đô thị hiện đại ngày nay. 

Ngày nay, đường phố thường được thiết kế cho ô tô đi lại và vì thế mà có mặt đường rộng gấp ba, bốn lần các con phố nhỏ thời xưa cũ. Tuy nhiên, đã có nhiều chính quyền đô thị nhận ra khuyết điểm này và đang thực hiện các chính sách sửa đổi để quy hoạch lại các con phố thân thiện, tiện lợi hơn cho người đi bộ. Ví dụ như trường hợp của San Francisco (Mỹ) đã mở rộng vỉa hẻ, chuyển đổi làn xe hơi thành xe đạp, và yêu cầu các phương tiện đi chậm lại.

Ngày nay, càng lúc càng có nhiều người dân chuyển từ di chuyển bằng ô tô sang đi bộ, hoặc đi xe đạp. Và vì vậy, các nhà quy hoạch đô thị cũng đang đau đầu tìm cách đón trước được xu hướng này - kể cả khi loại bỏ hoàn toàn xe hơi khỏi giao thông, việc thiết kế được những tuyến đường dành cho người đi bộ lại gặp phải hàng loạt vấn đề khác. Tuy vậy, có vẻ như hầu hết nhà quy hoạch đô thị ở các nước phát triển đã tìm ra phương hướng cho quá trình này.

Dưới đây là 4 phương châm xây dựng đường phố dành cho người đi bộ:

1. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt

Về cơ bản thì đường phố, theo giới kỹ sư, là một công trình nhân tạo bao hàm nhiều hệ thống khác nhau (ví dụ như đường ống cống) để đáp ứng nhu cầu về đi lại, vận chuyển nước và năng lượng,... Nếu không có đường phố, những hệ thống này sẽ không có tiêu chuẩn nào để mà được xây dựng và hoạt động theo một thể thống nhất.

Giải pháp hiện tại là những con đường dành cho người đi bộ phải vừa thay đổi được kích thước (tức là có thể nhỏ hơn) nhưng vẫn phải đáp ứng được vai trò của mình trong việc bao hàm các hệ thống khác, hoặc trở thành một phần của hệ thống hiện có. Có khá nhiều công nghệ mới có thể giúp giải quyết được vấn đề này, đơn cử như hệ thống tái sử dụng nước ở một số tòa nhà hiện đại. Hệ thống này giúp lọc nước thải từ trong tòa nhà. Nước sạch thu về sẽ được cho quay trở lại sông ngòi, còn cặn bã được cho vào hầm biogas để tạo năng lượng cho tòa nhà. Nếu áp dụng được những công nghệ tiến tiến như vậy trong các tòa nhà bên một con phố đi bộ, bài toán tích hợp vào hệ thống sẵn có sẽ gần như được hoàn toàn giải quyết.

2. Chuẩn bị đối mặt với lụt lội

Vì kích cỡ giới hạn mà hệ thống cống rãnh ở nhiều con đường đi bộ bị xây dựng một cách cẩu thả. Đây là một sai lầm chết người, do bản thân những con phố nhỏ cũng đã sẵn có khuyết điểm tự nhiên trong việc chống lụt: đường phố nhỏ khiến cho không thể nào tăng độ cong của con đường lên được, và vì thế mà không tạo được điều kiện cho nước mưa thoát xuống cống nhanh. 

Tất nhiên, để giải quyết vấn đề này, lại phải tìm tới công nghệ mới. Thay vì rải nhựa đường thật dày để nước mưa không thấm được, những con đường xây bằng đất, cát và sỏi lại cho phép nước mưa thấm vào đất. Nhiều thành phố phát triển đã áp dụng phương pháp xây dựng mới này, cùng với việc tăng số cây trồng bên đường làm một chỗ thoát nước khác.

3. Tăng độ che phủ của cây xanh

Mô hình đường phố đi bộ của tương lai

Mô hình đường phố đi bộ của tương lai

Trung bình với một đô thị, hệ thống đường phố sẽ chiếm 30% tổng diện tích. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân về việc được sống trong một môi trường có nhiều cây xanh đang tăng lên, thật chẳng có gì lạ nếu đường phố là nơi đầu tiên được thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu trên. Cái lợi rõ nét nhất là mỹ quan đô thị tăng lên - kể cả một con đường không có gì đặc biệt cũng sẽ đẹp hẳn lên nếu có một hàng cây cổ thụ khỏe mạnh trên vỉa hè.

Thế nhưng lợi ích của cây xanh còn nhiều hơn thế. Ví dụ minh họa rõ nét nhất là Con đường Thụ phấn ở Seattle. Nhờ vào hàng hoa và cây có hoa dày đặc hai bên đường mà nơi đây trở thành tổ ấm mới cho ong và bướm, hai loài sinh vật tưởng như đã tuyệt chủng ở thành phố công nghiệp Mỹ này. Còn có rất nhiều loài động, thực vật sẽ được cứu sống và phát triển nhờ việc tăng độ che phủ của cây xanh.

4. Đường phố là của chung

Các nước phát triển có thể học hỏi được một vài điều trong việc quy hoạch đường phố từ những nước đang phát triển. Ở Nigeria, Sao Paolo, hay Việt Nam, đường phố không chỉ là nơi đi lại, nó còn là trung tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, từ các gánh hàng rong đến những buổi biểu diễn tự do. Một trong những mục tiêu lớn nhất của con đường đi bộ, vì thế, là làm cách nào mở rộng, phát triển, và bảo tồn được những hoạt động sinh hoạt cộng đồng trên.

Một con đường đi bộ có vài khoảng không để khách bộ hành ngồi xuống tự do là tốt nhất

Một con đường đi bộ có vài khoảng không để khách bộ hành ngồi xuống tự do là tốt nhất

Cách xây dựng đường phố truyền thống, với việc chỉ cần đo đếm độ rộng, độ dài không thể nào tạo ra được một con đường đi bộ tốt được. Thay vì đó, nhà quy hoạch đô thị phải biết cân đối nhu cầu về giao thông, vận chuyển với nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân bằng những không gian như hàng cây, quảng trường,... Điều quan trọng ở đây là khiến cho khách bộ hành cảm thấy tự do về mặt không gian, nhưng lại có thể dễ dàng gần gũi được với những người đi bộ khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top