Aa

(4) Thị trường thực phẩm sạch đang bị thả nổi?

Thứ Ba, 23/05/2017 - 10:31

Ông Nguyễn Việt Hùng, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam cho biết, do lo ngại về an toàn thực phẩm mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã và đang chấp nhận trả giá cao hơn 5-10% để mua được thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, ông Hùng cũng phải thừa nhận rằng trên thực tế thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam hiện rất khó phân biệt và gây khó khăn cho người mua.

Loay hoay... “chọn mặt gửi vàng”

Chị Lan Chi (Phùng Hưng, Hà Nội) chia sẻ: “Vì nhà có trẻ nhỏ nên tôi thường mua rau và thịt ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm có uy tín, được quảng cáo rộng rãi như Vinmart+ hay Lotte, Organica hay GreenFood. Giá cả tại đây nói chung là đắt hơn khá nhiều so với chợ truyền thống vì phần lớn là thực phẩm được giới thiệu là nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap hay hữu cơ, dù cũng chẳng biết là "chuẩn" thật không nhưng có tem mác là cảm thấy tin tưởng và yên tâm hơn khi mua.

Tuy nhiên, việc khách hàng bỏ tiền mua các các loại thực phẩm giá cao không đồng nghĩa với việc các loại thực phẩm này sẽ có chất lượng tốt và tương xứng với giá tiền. Đơn cử như vụ việc của chị Ngọc Linh ở Cầu Giấy, Hà Nội.

Chị Linh cho biết: “Tết năm ngoái mình mua bưởi da xanh ở cửa hàng Bác Tôm nhưng 10 quả thì cả 10 đều non, chỉ toàn cùi mà không có múi. Tháng 4 vừa qua, mình mua đu đủ tại một cơ sở khác của Bác Tôm thì khi bổ ra ăn thấy mùi kháng sinh xộc lên rất nặng. Mình đã phản hồi nhưng phía cửa hàng không có hành động gì đáng kể ngoại trừ việc hứa hẹn sẽ kiểm tra nên từ lần đó thì mình không còn quay lại cửa hàng này".

Đu đủ mua tại Bác Tôm bị phản ánh là có mùi kháng sinh rất nặng khi bổ ra

Ông Nguyễn Việt Hùng, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam cho biết, do lo ngại về an toàn thực phẩm mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã và đang chấp nhận trả giá cao hơn 30-50% để mua được thực phẩm an toàn.

Thậm chí, nhiều cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch còn áp giá cao hơn gấp 3-5 lần nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng "móc hầu bao" với niềm tin đồ đắt thì sẽ sạch hơn, an toàn hơn.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng phải thừa nhận rằng trên thực tế thực phẩm sạch, an toàn và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam hiện rất khó phân biệt và gây khó khăn cho người mua.

 Thị trường thực phẩm sạch đang bị thả nổi?

Theo Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, sức khỏe đang chiếm tới 42% mối quan tâm của người tiêu dùng Việt và những lo lắng của người dân về sức khỏe cũng tăng dần lên qua các năm. Điều nay thể hiện qua việc họ ngày càng chú trọng hơn tới các sản phẩm an toàn cho sức khỏe, lựa chọn sản phẩm xanh trong tiêu dùng…

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định: "Không có gì ngạc nhiên khi sức khỏe liên tục nằm trong top 5 vấn đề được người tiêu dùng Việt quan tâm nhất. Khi người tiêu dùng đang hướng đến một cuộc sống lành mạnh thì nhu cầu về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm là điều dễ hiểu.”

 Thị trường thực phẩm ngày càng đa dạng hơn với những thương hiệu mới "chào đời"

Có lẽ bởi vậy mà hàng loạt những tên tuổi lớn như VinGroup, Hoàng Anh Gia Lai hay TH Group trong thời gian gần đây đã lần lượt "bẻ lái" sang nuôi trồng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu lớn thì sự trà trộn của những thương hiệu kém cả về uy tín và chất lượng lại góp phần “tô những gam màu tối” vào bức tranh thị trường thực phẩm sạch đang ở giai đoạn hình thành.

Trong đó, có thể kể đến vụ lùm xùm tại siêu thị Metro (Hà Nội) khi lượng lớn rau củ tại đây bị phát hiện có nguồn gốc không đảm bảo an toàn, cơ sở sản xuất không đủ điều kiện hoạt động cách đây 2 năm, hay trường hợp thu giữ gần 50kg thịt quá hạn sử dụng tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào cuối năm 2016.

Mới đây nhất vụ việc cơ quan chức năng phát hiện hàng chục kg thịt đã quá hạn sử dụng tại một cửa hàng gắn mác kinh doanh thực phẩm sạch tại TP Phủ Lý, Hà Nam đã khiến niềm tin người tiêu dùng vào thực phẩm sạch bị "lung lay".

Đáng chú ý, việc kiểm soát các hệ thống cửa hàng, thương hiệu sạch cũng chưa đủ chặt chẽ, bởi hàng loạt cửa hàng, biển hiệu được mở ra như "nấm mọc sau mưa". Rau sạch, gà quê, cá sông... cùng vô vàn những lời quảng cáo có cánh khiến người tiêu dùng càng loay hoay hơn trong việc chọn lựa thực phẩm sạch.

Kết quả tìm kiếm "thực phẩm sạch" qua mạng xã hội facebook

Trong số đó, có không ít trường hợp cửa hàng thực phẩm gắn "mác" sạch, tự phát mở ra, không được đầu tư bài bản và đặc biệt là thực phẩm không được truy xuất nguồn gốc, không được gắn mác rõ ràng nhưng vẫn bán với giá cao.

Tiêu biểu như Top Green - một cơ sở được giới thiệu là chuyên cung cấp thực phẩm an toàn và rau hữu cơ nhưng khi người dùng muốn tìm hiểu sâu hơn về công ty hay các loại giấy chứng nhận tiêu chuẩn, an toàn thì người dùng "đành" thất vọng vì không có bất kỳ thông tin nào về các loại giấy phép tiêu chuẩn, chứng nhận thực phẩm an toàn hay hữu cơ.

Và đây chính là tình trạng chung ở hầu hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn TP Hà Nội. Quảng cáo "một tấc đến trời" về thực phẩm an toàn, sạch nhưng lại không có bất kỳ giấy chứng nhận hay chứng chỉ nào về an toàn do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Quảng cáo cung cấp thực phẩm sạch và hữu cơ nhưng thông tin giới thiệu về cơ sở sản xuất của TopGreen lại ở tình trang "đang cập nhật..."

Theo khảo sát, nguồn hàng của các các cửa hàng thực phẩm sạch chủ yếu đến từ 3 nguồn: Nhóm tiêu chuẩn GAP, nhóm hữu cơ và nhóm đặc sản vùng miền.

Đây cũng chính là kẽ hở của thực phẩm sạch khi nhiều cửa hàng lấy cớ là đặc sản quê, đặc sản vùng miền nên không có giấy tờ cụ thể, không có tem mác rõ ràng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý mà còn gây ra sự hoang mang cho người tiêu dùng.

Năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tịch thu, tiêu hủy gần 12 tấn thủy, hải sản đông lạnh, gần 20 tấn thịt các loại. Theo cơ quan chức năng, trong số này có nhiều lô hàng được bày bán ở những cửa hàng uy tín, siêu thị và gắn mác... thực phẩm sạch.

Tháng 8/2016, Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm (Bộ Y tế) công bố kết quả kiểm tra 120 mẫu rau thì có tới 40 mẫu chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép, kiểm tra 735 mẫu thịt gia súc, gia cầm thì có tới 455 mẫu không an toàn cho người sử dụng.

Kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) tại 11.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV cho thấy, trên thị trường đang có tới 2.000 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc kém chất lượng và hơn 2.500 cơ sở vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc BVTV.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 75.000 người chết vì ung thư. Bộ Y tế cũng thống kê, chỉ với 6 loại ung thư phổ biến, tổng chi phí trực tiếp và gián tiếp đã lên tới con số 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam.

Khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ung thư, một trong số đó là do thực phẩm bẩn. BS. Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top