Aa

4 vấn đề nổi cộm trên thị trường bất động sản đầu năm 2019

Thứ Tư, 10/07/2019 - 06:01

Thị trường sụt giảm nguồn cung trầm trọng, tranh chấp chung cư, tràn lan dự án ma, thay đổi quy hoạch là 4 vấn đề nóng trên thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2019.

Thị trường sụt giảm nguồn cung trầm trọng

Sụt giảm nguồn cung trên thị trường đã trở thành nỗi ám ảnh giới bất động sản. Trong quý I/2019, nhiều báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản đưa ra, nguồn cũng có sự giảm đáng kể. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng này diễn ra nghiêm trọng hơn.

Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản quý II của JLL cho biết, nguồn cung căn hộ mới ở thị trường Hà Nội và TP.HCM đang ở mức thấp. JLL cũng nhận định, lượng chào hàng từ các dự án trên thị trường trong 6 tháng qua đạt mức thấp nhất kể từ khi thị trường phục hồi vào năm 2014.

Trong khi đó tại TP.HCM, báo cáo của HoREA cho rằng, thị trường này đang phải đối mặt với tình trạng ảm đạm về nguồn cung lẫn thanh khoản trong nửa đầu năm 2019. Khi trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư và chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

(Ảnh minh họa)

Ảnh minh họa

Tràn lan dự án ma

14 dự án ma của Công ty Địa ốc Alibaba tại Long Thành (Đồng Nai) đã khiến dư luận không khỏi bất bình bởi những hệ lụy để lại. Thực tế, tình trạng dự án ma đã xuất hiện từ lâu, ở những nơi có sốt đất đi qua.

Mới đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng chức năng đã phát hiện ra 113 trường hợp ở thị xã Phú Mỹ mở đường, kéo cột điện, biến những khu đất nông nghiệp thành dự án, phân lô bán mỗi nền vài tỷ đồng. Dự án "ma" xuất hiện tràn lan đến nỗi UBND xã Tóc Tiên (Phú Mỹ, Vũng Tàu) còn phải đặt biển “Cảnh báo dự án ma”: “Khu vực này hiện không có bất kỳ dự án nhà ở nào được cấp phép thực hiện, đề nghị bà con cảnh giác”.

Trước đó, TP.HCM cũng ghi nhận số lượng các vụ việc lừa đảo liên quan đến bán đất nền. Theo thống kê, chỉ riêng tại quận 12, chính quyền đã công khai vị trí 10 khu đất nền mà giới đầu nậu lừa bán đất bởi đây là những khu đất nông nghiệp, đất quy hoạch là công viên, cơ sở giáo dục. Huyện Hóc Môn cũng có hàng chục khu đất nông nghiệp, công viên bị các đầu nậu tự phân lô lừa bán.

Theo luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Công ty Luật TNHH Bắc Nam, Đoàn luật sư Hà Nội: “Dự án ma gây nên sự xáo động trong thị trường bất động sản, khiến người dân sẽ rất khó để nhận biết được đúng sai phải trái, dự án nào được huy động hợp pháp, dự án nào không; dự án nào đúng thẩm quyền, dự án nào ngoài thẩm quyền, trong khi họ lại thiếu hiểu biết về các vấn đề pháp luật”.

Tranh chấp chung cư

Tranh chấp chung cư đã tiếp tục trở thành từ khóa “hot” trên thị trường bất động sản trong 6 tháng vừa qua khi ghi nhận một số các cuộc biểu tình phản đối của cư dân với chủ đầu tư. Mặc dù đây là vấn nạn đã có từ lâu song tranh chấp chung cư vẫn là sự kiện nổi cộm của thị trường.

Điển hình như cuộc phản đối của cư dân tại chung cư The Garden Hill (99 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội) đối với chủ đầu tư vì chất lượng công trình thấp, phí gửi xe quá cao và chậm bàn giao sổ hồng...

Hàng trăm cư dân khu Ngoại giao đoàn xuống đường, căng băng rôn, tuần hành quanh khu đô thị không đồng ý việc thay đổi quy hoạch.

Hàng trăm cư dân khu Ngoại giao đoàn xuống đường, căng băng rôn, tuần hành quanh khu đô thị không đồng ý việc thay đổi quy hoạch.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên 4.400 chung cư, trong đó 458 có tranh chấp, chiếm trên 10%.

Thực tế, các tranh chấp ở chung cư chủ yếu liên quan đến: Việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị; không thống nhất đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; chủ đầu tư không minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì; trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị...

Thay đổi quy hoạch

Quy hoạch là một trong điểm nóng trên thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. Nhiều dự án đã được duyệt quy hoạch ban đầu, song chỉ sau một thời gian, quy hoạch đã bị chủ đầu tư thay đổi để phục vụ cho mục đích lợi nhuận. Điều này khiến cư dân tại một số dự án bức xúc.

Điển hình nhất của vấn nạn thay đổi quy hoạch đó là cuộc phản đối của cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn khi những ô đất vốn trước đó dành cho khu vực công cộng trở thành những tòa chung cư mới.

Trước đó, đại diện hơn 700 hộ dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã nhiều lần lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua và đến nay vẫn chưa dừng lại.

Theo Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, tính đến thời điểm hiện tại có tới 1286 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 2 lần, 95 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 3 - 4 lần, 9 dự án điều chỉnh từ 5 - 6 lần. Việc bóp méo quy hoạch là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc khiếu kiện của cư dân đô thị hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top