Tối ngày 15/1, Câu lạc bộ Chứng khoán Sinh viên SSC thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo trực tuyến Go Stock 2022 với chủ đề: Sự trái chiều trong kỳ vọng - khi “người khổng lồ” rút chân khỏi thị trường hưng phấn.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế. Bằng chứng là, số lượng tìm kiếm cụm từ “chứng khoán” đạt mức đột phá trong năm và thị trường liên tục lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về chỉ số, thanh khoản và số lượng tài khoản mở mới.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS nhìn nhận, trong những năm qua, Covid-19 là chất xúc tác mới và vô cùng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai. Từ giữa năm 2020 đến nay, số lượng người tham gia đầu tư chứng khoán tăng mạnh. Thanh khoản đã có những phiên bùng nổ.
“Đây là xu thế không chỉ thiên thời, địa lợi, mà còn là thời điểm chứng khoán chuyển mình sang giai đoạn thăng hoa hơn”, ông Khánh khẳng định.
Ông Hoàng Việt Anh, Giám đốc Nguồn vốn và Đầu tư Công ty Chứng khoán Pinetree cũng cho rằng, trong năm qua, tốc độ tăng trưởng thị trường chứng khoán rất nhanh, có thể thấy quy mô thị trường chứng khoán đã vượt 100% GDP, tiệm cận mức 150% GDP.
Kể từ quý I - quý II/2020, khi Covid-19 bùng nổ trên diện rộng, Chính phủ các nước đều có những động thái nới lỏng và cắt lãi suất, Việt Nam cũng 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng gặp khó khăn khiến dòng tiền dần chuyển hướng sang những kênh đầu tư khác và chứng khoán là kênh vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh những đỉnh cao mới được xác lập bởi nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự suy giảm tỷ trọng đóng góp của khối ngoại khi lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục trong năm qua, đạt trên 61.000 tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD trên toàn thị trường, gấp gần 4 lần lượng bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020.
Lý giải điều này, ông Chu Đức Toàn, Chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại thị trường cận biên sẽ phản ứng tiêu cực hơn với đại dịch Covid-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu. Do đó, khi rủi ro gia tăng do đại dịch Covid-19 , các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền ra khỏi các thị trường cận biên - nơi có rủi ro cao và quay về các thị trường phát triển - nơi có rủi ro thấp hơn.
Ngoài ra, trong hơn một năm qua, thị trường Việt Nam không có sự xuất hiện của những thương vụ IPO lớn hay thoái vốn như giai đoạn 2017 - 2018. Điều này khiến cho khối ngoại khó giải ngân hơn. Tuy nhiên, nhờ sự nhập cuộc mạnh mẽ của khối nhà đầu tư nội năm 2021, chỉ số VN-Index liên tiếp lập kỷ lục mới, thanh khoản thị trường cũng tăng vọt lên đến hàng tỷ USD mỗi phiên bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại.
“Thực tế, sức ảnh hưởng của nhà đầu tư nước ngoài không còn quá lớn như trước đây, tỷ trọng giao dịch của các nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm khoảng 7% thanh khoản thị trường”, ông Toàn tính toán.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, tình trạng này có thể đảo chiều trong năm 2022. Ông Lê Đức Khánh đã đưa ra 4 yếu tố để thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra thông điệp nâng lãi suất khoảng 3 - 4 đợt trong năm tới, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, các quỹ và nhà đầu tư tổ chức toàn cầu. Việc tăng lãi suất có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2022.
Thứ hai, trong thời gian qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt đưa ra nhiều chính sách chưa từng có trong tiền lệ, lãi suất thấp. Vậy nên, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư tổ chức thích đầu tư vào các thị trường phát triển hơn và tỏ ra lo ngại với thị trường mới nổi như Việt Nam. Vì vậy, các thị trường bluechip như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông,… sẽ được ưu tiên hơn. Nhưng khi các nhóm phát triển có sự điều chỉnh về lãi suất, xu hướng đầu tư sẽ chuyển sang các thị trường mid cap hoặc penny như Việt Nam.
Thứ ba, theo số liệu dự báo tăng trưởng GDP trong năm tới, các tổ chức quốc tế đánh giá GDP toàn cầu tăng 4,5% trong năm tới, riêng Việt Nam được đánh giá lạc quan khi có thể tăng khoảng 6,5 - 6,7% (ngoại trừ Ngân hàng Thế giới dự báo 5,5%). Điều này cũng cho thấy sự kỳ vọng của các tổ chức vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Thứ tư, giai đoạn 2022 - 2025, chúng ta có khả năng chuẩn bị xếp vào danh sách nâng hạng và xếp hạng chính thức, nhờ xu hướng đón đầu làn sóng nâng hạng mà các quỹ đầu tư có thể quay lại Việt Nam. Nếu như năm 2021 khối ngoại duy trì tình trạng bán ròng (ngoại trừ tháng 7) thì năm tới có thể đảo chiều.