Aa

"40% tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản là không rủi ro"

Thứ Bảy, 01/12/2018 - 14:00

Mặc dù được đánh giá tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản là không rủi ro, nhiều ý kiến vẫn cảnh báo có thể ảnh hưởng lãi suất và nên tách biệt tín dụng cho vay nhà ở và tín dụng tiêu dùng.

Dòng vốn dịch chuyển sang tiêu dùng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, cho biết hoạt động cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản tại TP HCM đang chiếm khá cao, khoảng 38 - 40% tổng dư nợ. Số tiền này vào khoảng 116.000 - 180.000 tỷ đồng.

Theo quy định của NHNN, cho vay cá nhân từ mua, sửa nhà với nguồn tiền trả nợ từ lương thì hạch toán vào cho vay tiêu dùng; còn cho doanh nghiệp vay phát triển dự án là cho vay bất động sản.

Ông Minh chỉ ra tín dụng dành cho các hoạt động sản xuất kinh doanh lại giảm sút. Giai đoạn 2015 - 2016 trở về trước, 78% tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh nhưng đến nay con số này chỉ còn hơn 70%. Dòng vốn chuyển sang tín dụng tiêu dùng, từ khoảng 12% lên 19,4%. Như vậy, nguồn vốn dành cho sản xuất kinh doanh đã chuyển sang mục đích khác. Điều này sẽ tác động lên lãi suất.

 Ông Nguyễn Hoàng Minh. Ảnh: Thu Thanh.

 Ông Nguyễn Hoàng Minh. Ảnh: Thu Thanh.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc chi nhánh NHNN TP.HCM vẫn khẳng định tỷ lệ 30 - 40% đã nêu là an toàn, không kèm rủi ro và nếu có thì thấp hơn cho vay vào dự án. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu của người dân trong việc sở hữu nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế mà 19% cho tiêu dùng, 10,8% cho bất động sản và 70% cho sản xuất kinh doanh (dù có giảm) vẫn đảm bảo được cân bằng. Tỷ trọng này cần được giữ vững trong thời gian tới, kèm theo cơ chế quản lý tốt thì khó xảy ra bong bóng bất động sản”, ông Minh nói.

Kiểm soát tín dụng tiêu dùng vào bất động sản là một vấn đề xuyên suốt trong các nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm mà NHNN đề ra. Đồng thời, cơ quan quản lý cho biết sẽ thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng cho vay cao vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có bất động sản. Mức trần sẽ giảm còn 40% kể từ 1/1/2019. hệ số rủi ro cho vay bất động sản cũng sẽ được nâng từ 200% lên 250% bắt đầu từ đầu năm sau. Chuyên gia cho rằng khi hệ số rủi ro tăng sẽ siết lại quy mô cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Cần tách biệt tín dụng cho vay nhà ở và tín dụng tiêu dùng

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng tỷ lệ tín dụng tiêu dùng của cả nước mới chỉ đạt 10,8% là con số thấp so với khu vực. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này là 21%, ASEAN 34%, Australia tới 36%. Ông Lực cho rằng còn có thể phát triển tín dụng tiêu dùng.

Tuy nhiên thời gian qua có một số hiện tượng thiếu lành mạnh trong tín dụng tiêu dùng khiến NHNN băn khoăn.

Về cá nhân, ông Lực muốn thúc đẩy tín dụng tiêu dùng vì nó hạn chế nhiều quỹ đen. Chính phủ lo ngại vì chưa bóc tách rõ tín dụng cho vay nhà ở và tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, ông Lực đề xuất tách riêng cho vay nhà ở khỏi tín dụng tiêu dùng. Nếu tách riêng, tín dụng tiêu dùng có thể chỉ chiếm 12% tổng dư nợ.

Khi tách, phải sửa đổi Thông tư 36, liên quan đến tỷ lệ rủi ro cho vay BĐS hiện nay vẫn là 200%. Như vậy, các ngân hàng không dám cho vay. Phải phân loại bất động sản thành 4 phân khúc, tương ứng là 4 hệ số rủi ro khác nhau 50 - 100 - 150 - 200%. Như vậy mới công bằng với việc cho vay vào bất động sản và với các ngân hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top