Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang đứng trước đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế và làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh; đặc biệt là sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.
Đối với ngành ngân hàng, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể được kiểm soát trong tháng 4 hoặc đến hết quý II/2020 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Đặc biệt cần ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vì khả năng chống chịu của nhóm này sẽ kém hơn.
Trong đó, chính sách tiền tệ cần áp dụng các biện pháp nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được giai đoạn khó khăn. Về tài khóa, cần áp dụng chính sách hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng BHXH...
Còn nếu dịch bệnh kéo dài đến quý III hoặc hết năm 2020, Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu” và tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.
Lúc này, khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp, Chính phủ cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng.
Theo đó, để ứng phó với các tác động khôn lường của đại dịch Covid-19, các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất 5 giải pháp chính đối với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, thông qua đó trợ giúp thanh khoản cho hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1 - 0,2% trong 1 - 2 tháng tới, hoặc xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ áp dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.
Những “hỗ trợ” về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động của dịch bệnh theo hướng “giảm lãi” hay “chia sẻ khó khăn” từ ngành ngân hàng, chứ không phải tăng mở rộng tiền tệ hay tín dụng vào nền kinh tế. Cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ đối với các doanh nghiệp tốt, có tiềm năng nhưng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19.
Thứ hai, các chuyên gia đề nghị bổ sung thêm danh mục thứ 6 về các đối tượng được hưởng ưu tiên về lãi suất trần trong điều 13, khoản 2, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay của TCTD: “Phục vụ lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch hoặc biến đổi khí hậu” .
Hiện 5 lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam chưa có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nằm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, lãi suất trần có hiệu quả ngắn hạn và tác động trực tiếp nhất định trong một số trường hợp tại Việt Nam. Đây là một trong những công cụ tác động trực tiếp tới thị trường tín dụng, nhưng cũng cho phép các tổ chức tín dụng có sự linh hoạt nhất định và vai trò chủ động khi áp dụng quy định này.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn.
Theo đó, cung cấp thanh khoản quốc tế trong phạm vi cho phép về nguồn lực trên thị trường ngoại hối nội địa, nhằm mục tiêu ổn định tài chính. Sử dụng quyền tiếp cận đối với các nguồn vốn quốc tế để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, nhằm mục tiêu cung cấp vốn xử lý đình trệ và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng sau dịch bệnh.
Với kịch bản xấu hơn của nền kinh tế, đình trệ kéo dài từ 2 quý trở lên, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán đến phương án phát hành trái phiếu để hỗ trợ thanh khoản nội địa và quốc tế của Việt Nam.
Đồng thời, lên kịch bản cho nền kinh tế vĩ mô nếu mất giá của đồng tiền rơi vào 3 mức 1-3%, 3-5%, và 5-7% để có các phương án thích hợp với chính sách tiền tệ của mình. Cực đoan nhất, cần chuẩn bị phương án “ngắt mạch” thị trường ngoại hối, cụ thể là sử dụng biện pháp hành chính liên quan đến các giao dịch vãng lai để chỉ cung cấp dịch vụ ngoại hối cho các hoạt động liên quan đến y tế, kinh doanh.
Thứ tư là các TCTD cần tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới như: Phát triển các gói sản phẩm chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh trong dịch COVID-19; phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ DNNVV chịu tác động của dịch bệnh; cung cấp cho DNNVV đạt được doanh số tiêu thụ thông qua hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ điều tiết thi trường thông qua kênh phân phối trong nước...
Bên cạnh đó, tăng cường phát triển thanh toán internet banking và mobile banking, tăng cầu thanh toán bằng giảm phí hoặc miễn phí với các khách hàng hiện tại; tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế; quan tâm phát triển mảng thị trường khách hàng thu nhập thấp; kiểm định lại tính hiệu quả của các chính sách đã xây dựng về quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro hoạt động...
Cuối cùng, các TCTD cần thống nhất và thông báo tới các doanh nghiệp “chuẩn chung” cho công cuộc “giải cứu” nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu; công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm bắt được.
Sự hỗ trợ từ phía ngân hàng có thể chia thành 2 phương án. Phương án thứ nhất là gói cho vay (gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng mà các ngân hàng cam kết giải ngân và các gói khác nếu có) để hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp “sống sót” qua mùa dịch. Phương án thứ hai là “tân trang” các khoản nợ có nguy cơ “xấu” bởi dịch COVID-19, để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, chẳng hạn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ.