Aa

5 kiến nghị của Hiệp hội BĐS Việt Nam lên Thủ tướng

Thứ Bảy, 29/10/2016 - 06:01

Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường BĐS thời gian qua; đồng thời đề xuất 5 giải pháp để ổn định và phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Hệ thống chính sách thị trường BĐS hiện nay đang phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh minh họa.

Hệ thống chính sách thị trường BĐS hiện nay đang phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh minh họa.

Thị trường BĐS phục hồi mạnh mẽ

Báo cáo do Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam ký nêu rõ, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay đang phục hồi mạnh mẽ và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các biểu hiện nổi bật đó là tính thanh khoản tốt; các dịch vụ BĐS tăng ổn định và đặc biệt tăng về chất lượng, giá trị các giao dịch; tín dụng BĐS dao động ở mức 8,5% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng là hợp lý; nợ xấu giảm mạnh và ổn định; số lượng các doanh nghiệp BĐS tăng mạnh; các dự án được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các phân khúc; kết quả của chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ gói 30.000 tỷ đồng đã tác động mạnh mẽ đến thị trường và cung cấp cho hàng vạn gia đình có nhà để ở; thị trường BĐS phát triển đã góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đảm bảo tính an toàn cho hệ thống ngân hàng…

Điều này cho thấy hệ thống chính sách thị trường BĐS hiện nay đang phát huy hiệu quả tích cực và niềm tin của thị trường đang phát triển tốt. Cùng với đó là sự điều tiết của Nhà nước ngày một hiệu quả đối với thị trường BĐS.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, gần đây xuất hiện những dấu hiệu tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực cho thị trường BĐS như: Cơ cấu hàng hóa có sự mất cân đối. Trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp (chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu) thì trên thị trường hầu hết các dự án lại cung cấp hàng hóa BĐS là nhà ở cao cấp, thiếu hàng hóa có giá bán thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân có nhu cầu nhà ở, tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất ít căn hộ chung cư mới có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, tình trạng phát triển ồ ạt các dự án, đặc biệt là các thành phố lớn mà không căn cứ vào kế hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm. Việc phát triển các nhà ở xã hội bị chững lại do nguồn vốn hỗ trợ cũng như các chính sách có liên quan đến nhà ở xã hội chưa được giải tỏa hoặc đáp ứng phù hợp.

Ngoài ra, hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường BĐS vẫn chưa được cải thiện, các dự báo về thị trường thiếu và không sát với thực tế. Điều này ảnh hưởng lớn tới sự điều hành của Chính phủ và các quyết định của chủ đầu tư trở nên thiếu chính xác, nhiều rủi ro.

Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, đây là những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng của thị trường BĐS giai đoạn 2009 - 2013 mà chúng ta đã rút ra và có những điều chỉnh, nhưng những chính sách, điều chỉnh đó không được tiếp tục duy trì và kiểm soát phát triển một cách có hiệu quả. Vì vậy, có nhiều rủi ro tiềm ẩn đến phát triển cân đối, ổn định và bền vững của thị trường BĐS.

5 giải pháp ổn định và phát triển thị trường BĐS

Từ các phân tích và nhận định như trên, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất 5 giải pháp để ổn định và phát triển thị trường BĐS.

Trước tiên, để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, qua đó cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở, Luật nhà ở đã có quy định cụ thể về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1013/QĐ-TTg quy định về lãi suất cho vay đối với các đối tượng được mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng chính sách – xã hội. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn vốn chưa được các Bộ trình Chính phủ và trình Quốc hội. Vì vậy, mặc dù có định hướng, chính sách, song chưa có quy định cụ thể và chưa được bố trí nguồn nên các chính sách này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Hiệp hội BĐS Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét và thúc đẩy việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội và kiên trì thực hiện chính sách đã được nêu ra tại Luật nhà ở cũng như các văn bản quy định pháp luật đã ban hành, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam. Ảnh: Trần Kháng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư có diện tích dưới 75m2) giá bán thấp (dưới 15 triệu/m2 ) như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Sắp tới cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp và coi đây là chính sách lâu dài nhằm cân đối cung cầu của thị trường BĐS.

Ngoài ra, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, để điều tiết lượng hàng hóa và cân đối sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần có chương trình, kế hoạch không chỉ phát triển nhà ở chung chung mà cần xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính, quyết định việc cấp đất dự án, xác định tiến độ của các dự án hợp lý phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương mình ở từng thời điểm phát triển. Đề nghị Chính phủ có chế tài và tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương.

Chính sách tín dụng, nguồn vốn cho thị trường BĐS có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh và ổn định. Vì vậy, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị có sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan và Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết nguồn tín dụng hợp lý, tránh tập trung tín dụng quá lớn vào một số phân khúc hoặc một số chủ đầu tư. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chính sách nuôi dưỡng và phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trung bình, thấp để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân đặc biệt là nhu cầu nhà ở của đối tượng chính sách của Nhà nước.

Trong luật nhà ở và luật kinh doanh BĐS có quy định về việc hạn chế phát triển, giao dịch đất đai, BĐS tại các khu vực có liên quan tới an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Nghị định của Chính phủ đã giao cho các Bộ Quốc phòng, Công an xác định rõ vị trí các khu vực này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể và chưa công bố rộng rãi nên các chính quyền địa  phương, chủ đầu tư và người dân không nắm được. Điều này dẫn đến nhiều dự án BĐS ở các địa bàn nhạy cảm chưa có biện pháp để quản lý chặt chẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, và việc đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng có quy định cụ thể, làm cơ sở cho các cơ quan liên quan triển khai thực hiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top