Aa

5 tháng đầu năm 2017, BĐS “rớt” khỏi top 3 lĩnh vực thu hút FDI

Thứ Sáu, 26/05/2017 - 07:31

Trong tổng số 12,13 tỷ USD vốn FDI cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 5 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là công nghiệp chế biến, xếp ngay sau đó là khai khoáng và bán buôn, bán lẻ. Không có lĩnh vực BĐS trong nhóm này.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cho biết, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đó, tính đến ngày 20/5/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Ảnh Báo Xây dựng

Ảnh Báo Xây dựng

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 8,09 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng đầu năm. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 798 triệu USD, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,64 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 1,39 tỷ USD chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.

Xét theo đối tác đầu tư, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,23 tỷ USD, chiếm 10,21% tổng vốn đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top